Nga củng cố phòng thủ, tìm cách xuyên thủng phòng không Ukraine
Với những diễn biến hiện tại trên thực địa, tình báo Ukraine đánh giá rằng họ có thể giành lại thành phố trọng điểm miền Nam từ tay quân Nga vào cuối năm nay.
Ukraine đã bắn rơi 3 chiếc trực thăng Ka-52 trong ngày 24/10, với chiếc thứ 3 bị bắn hạ ở quận Beryslavsky thuộc vùng Kherson, Không quân Ukraine cho biết trong một thông báo đăng trên mạng xã hội hôm 25/10.
“Vào khoảng 21h30 ngày 24/10, tại quận Beryslavsky thuộc vùng Kherson, một đơn vị lữ đoàn tên lửa phòng không Kherson thuộc Bộ tư lệnh phòng không phía Nam Ukraine đã bắn rơi chiếc trực thăng Ka-52 thứ ba của Nga trong một ngày, có thể có động cơ từ một nhà sản xuất Ukraine”, thông báo đăng trên kênh Telegram cho hay.
Nằm trên bờ tây sông Dnipro, Kherson là cửa ngõ dẫn đến cả Crimea do Nga quản lý ở phía Nam và các cảng Biển Đen của Ukraine ở phía Tây, bao gồm cả Odessa.
Kiev đã áp đặt lệnh cấm thông tin chi tiết về cuộc phản công của họ ở phía Nam, nhằm duy trì yếu tố bất ngờ khi các lực lượng của họ chiến đấu để giành lại các thị trấn và làng mạc xung quanh Kherson mà Nga đã chiếm giữ trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến.
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của quân đội Ukraine hôm 24/10 cho biết, kể từ khi phát động cuộc phản công vào cuối tháng 8, các lực lượng của họ đã thành công tái chiếm 90 thị trấn và làng mạc nơi hơn 12.000 người vẫn đang sinh sống.
Nga đã ra lệnh cho dân thường sơ tán khỏi vùng lãnh thổ này. Nhưng quân đội của Moscow không từ bỏ thành phố Kherson, thay vào đó, họ đang củng cố thành phố này trước một trận chiến lớn, Thiếu tướng Kyrylo Budanov - người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine - nói với tờ báo Ukrainska Pravda hôm 24/10.
“Họ sẽ không rời đi ngay bây giờ. Họ đang chuẩn bị để phòng thủ”, ông Budanov nói. “Họ đang giả vờ là họ đã thua. Tuy nhiên, cùng lúc đó, họ đang chuyển các đơn vị quân đội mới vào”.
Đầu tháng này, Tướng Sergei Surovikin, chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ám chỉ rằng thành phố này sẽ bị bỏ hoang vì pháo binh Ukraine đã nhắm vào các đường tiếp tế của họ. Quân đội Nga đã bắt đầu rút lui khỏi các đoạn khác của sông Dnipro, xa hơn nữa là thượng nguồn từ thành phố Kherson.
Ông "trùm tình báo" Ukraine Budanov nói với tờ Ukrainska Pravda rằng Kiev có khả năng sẽ thành công tái chiếm Kherson vào cuối năm nay.
Hôm 24/10, ông Budanov cũng cho biết rằng các lực lượng Ukraine đã bắn hạ hơn 2/3 trong số khoảng 330 máy bay không người lái (drone) mà Nga đã triển khai hôm 22/10. Ông Budanov cho rằng quân đội Nga đã đặt hàng khoảng 1.700 drone các loại và đang triển khai lô thứ hai với khoảng 300 chiếc Shahed do Iran sản xuất.
Cả Nga và Iran đều phủ nhận rằng các drone do Iran chế tạo đã được sử dụng ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 24/10 cho biết, Nga có khả năng sử dụng một số lượng lớn drone để cố gắng xuyên thủng “hệ thống phòng không ngày càng hiệu quả của Ukraine” - để thay thế cho vũ khí chính xác tầm xa do Nga sản xuất, vốn đang “ngày càng trở nên khan hiếm”.
Các đánh giá trên được đưa ra bên cạnh lời cảnh báo nghiêm khắc của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đối với những người đồng cấp Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vào cuối tuần qua rằng các lực lượng Ukraine đang chuẩn bị một “hành động khiêu khích” sử dụng “bom bẩn” - một thiết bị phóng xạ.
Mối đe dọa “bom bẩn”
Anh, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung bác bỏ cảnh báo trên. “Thế giới sẽ nhận ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng cáo buộc này như một cái cớ để leo thang”, tuyên bố chung cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 23/10 đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc rằng Kiev đang chuẩn bị sử dụng loại vũ khí này.
“Nếu Nga gọi điện và nói rằng Ukraine đang chuẩn bị một cái gì đó, điều đó có nghĩa là: Nga đã chuẩn bị tất cả những điều này”, ông Zelenskyy nói.
“Bom bẩn” là một loại bom sử dụng chất nổ thông thường để phân tán chất thải phóng xạ nhằm gieo rắc nỗi kinh hoàng. Những vũ khí như vậy không có sức tàn phá khủng khiếp như một vụ nổ hạt nhân, nhưng có thể khiến các khu vực rộng lớn bị ô nhiễm phóng xạ.
Các nhà chức trách Nga hôm 24/10 đã nỗ lực nhấn mạnh cảnh báo của ông Shoigu.
Trung tướng Igor Kirillov, người đứng đầu lực lượng bảo vệ bức xạ, hóa học và sinh học của quân đội Nga, cho biết các khí tài quân sự của Nga luôn sẵn sàng cao đối với khả năng nhiễm phóng xạ. Ông nói với các phóng viên rằng một vụ nổ bom bẩn có thể gây ô nhiễm một khu vực rộng hàng nghìn km2.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 24/10: “Đó không phải là một nghi ngờ vô căn cứ, chúng tôi có lý do nghiêm túc để tin rằng những điều như vậy có thể được lên kế hoạch”.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga nói với giới truyền thông hôm 24/10 rằng việc một số quốc gia không tin tưởng vào cảnh báo của Moscow về khả năng Ukraine sử dụng “bom bẩn” không có nghĩa là không có mối đe dọa như vậy.
“Sự không tin tưởng của họ đối với thông tin được chia sẻ bởi phía Nga không có nghĩa là mối đe dọa liên quan đến bom bẩn sẽ không còn tồn tại. Mối đe dọa là quá rõ ràng”, ông Peskov nói.
Vào cuối ngày 24/10, Nga đã gửi một bức thư về nghi vấn Ukraine sử dụng “bom bẩn” cho Liên Hợp Quốc (LHQ) và có kế hoạch đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 25/10.
“Chúng tôi sẽ coi việc chế độ Kiev sử dụng bom bẩn là một hành động khủng bố hạt nhân”, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia viết trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an.
Cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ là IAEA hôm 24/10 cho biết họ đang chuẩn bị cử các thanh sát viên tới 2 địa điểm ở Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Đây có thể coi là một phản ứng rõ ràng trước cảnh báo “bom bẩn” của Nga. IAEA cho biết, cả 2 địa điểm đều đã từng được kiểm tra.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA trước đó đã xác định có thể 2 địa điểm này gồm Nhà máy làm giàu khoáng sản miền Đông ở Dnipropetrovsk và Viện nghiên cứu hạt nhân ở thủ đô Kiev. Tuyên bố của IAEA không nêu tên các cơ sở mà họ sẽ kiểm tra.
Các quan chức Mỹ cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đã đưa ra quyết định sử dụng “bom bẩn” hoặc bất kỳ vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine.
“Chúng tôi tiếp tục không thấy Nga chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên.
Sẵn sàng đàm phán
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 25/10 rằng Moscow sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên quan tâm và cũng sẵn sàng tiếp xúc với Mỹ.
Phát biểu trên kênh truyền hình Channel One, bà Zakharova nói rằng Nga chưa từng phá vỡ bất kỳ mối quan hệ nào.
“Chúng tôi đã trả lời tất cả các cuộc gọi điện thoại và chúng tôi không chặn bất kỳ mối quan hệ hoặc liên hệ nào với các đối tác của mình - với các bên vẫn là đối tác của chúng tôi hoặc với các bên mà chúng tôi không thể gọi là đối tác được nữa, hoặc với cả các bên chưa từng bao giờ là đối tác của chúng tôi. Chúng tôi đang sẵn sàng đàm phán”, bà Zakharova cho biết khi được hỏi liệu đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao với Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao hay chưa.
Ở Washington, các nhà lập pháp cánh tả của Mỹ hôm 24/10 đã thúc giục Tổng thống Joe Biden tìm kiếm một thỏa thuận thông qua đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc khám phá các thỏa thuận an ninh mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.
Trong một bức thư, 30 thành viên Hạ viện từ Đảng Dân chủ của ông Biden nói rõ rằng họ phản đối sự gây hấn của Nga đối với Ukraine và đồng ý với Nhà Trắng rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều tùy thuộc vào Kiev.
“Nhưng với tư cách là các nhà lập pháp chịu trách nhiệm về việc chi hàng chục tỷ USD tiền thuế của người Mỹ để hỗ trợ quân sự trong cuộc xung đột, chúng tôi tin rằng sự liên quan như vậy trong cuộc chiến này cũng tạo ra trách nhiệm để Mỹ nghiêm túc khám phá mọi con đường có thể (để chấm dứt xung đột)”, nhóm nghị sĩ cấp tiến tại quốc hội Mỹ, dẫn đầu là bà Pramila Jayapal, cho biết.
Các nghị sĩ kêu gọi Mỹ làm việc trực tiếp với Nga để tìm ra giải pháp “có thể chấp nhận được đối với người dân Ukraine”.
Củng cố phòng tuyến
Các nhà chức trách Nga đang xây dựng các vị trí phòng thủ ở các khu vực ly khai Ukraine và các vùng của Nga giáp giới với Ukraine, phản ánh lo ngại của Moscow rằng các lực lượng của Kiev có thể tấn công dọc theo các phần mới của chiến tuyến dài 1.000 km trong một cuộc chiến nay đã bước sang tháng thứ 9.
Thống đốc vùng Kursk của Nga, Roman Starovoit, hôm 23/10 cho biết hai tuyến phòng thủ trong khu vực đã được xây dựng và tuyến thứ ba sẽ hoàn thành vào ngày 5/11 tới.
Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết các tuyến phòng thủ cũng đã được thiết lập ở khu vực Belgorod.
Trước đó, hôm 22/10, ông Gladkov đã đăng những bức ảnh cho thấy những khối bê tông hình kim tự tháp để chặn đường di chuyển của xe bọc thép.
Nhiều vị trí phòng thủ hơn ở khu vực Luhansk, miền Đông Ukraine, đang được xây dựng, theo một thông báo của ông Yevgeny Prigozhin, một triệu phú doanh nhân người Nga được mệnh danh là “đầu bếp của ông Putin”.
Ông Prigozhin sở hữu Tập đoàn Wagner, một công ty quân sự tư nhân đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến.
Ông cho biết công ty của ông đang xây dựng “tuyến phòng thủ Wagner” ở vùng Luhansk, dẫn bằng chứng là những hình ảnh cho thấy một phần hệ thống phòng thủ và chiến hào mới được xây dựng ở phía đông nam thị trấn Kreminna hôm 19/10.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 23/10 cho biết “dự án cho thấy Nga đang nỗ lực đáng kể để chuẩn bị phòng thủ theo chiều sâu phía sau chiến tuyến hiện tại, có khả năng ngăn chặn bất kỳ hành động phản công nhanh chóng nào của Ukraine”.
Trên thực địa, hôm 24/10, Ukraine cáo buộc Nga pháo kích vào một số khu vực của Ukraine trong 24 giờ qua, bao gồm Mykolaiv ở miền Nam và thành phố Bakhmut ở Donetsk thuộc miền Đông, khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 5 người khác bị thương.
Cùng ngày, quân đội Ukraine báo cáo rằng họ đã “đẩy lùi kẻ địch ra khỏi” 3 ngôi làng ở vùng Luhansk và một ở Donetsk, thuộc Donbass ở miền Đông. Moscow chưa bình luận ngay lập tức về các tuyên bố trên .
Minh Đức (Theo Reuters, The Telegraph, NYT, Republic World)