Nga có số ca mắc mới tăng cao nhất kể từ giữa tháng 4, Triều Tiên lần đầu tiên trong 3 tháng không có ca sốt mới

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 06:40:51

Đến sáng 31/7, thế giới có trên 581,37 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,41 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 93,05 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng hơn 1,055 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.


Những người có nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2 không nên chờ tới khi có vaccine thế hệ thứ 2 mới tiêm các liều tăng cường. Đây là khuyến cáo mới được đưa ra từ các chuyên gia tại Mỹ. Các nhà khoa học Mỹ nhận định, số ca nhiễm các dòng phụ BA.1, BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang gia tăng, tuy nhiên những loại vaccine đang lưu hành vẫn có khả năng giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong do COVID-19.

Các nhà khoa học đồng thời nêu rõ, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục đột biến và hiện chưa rõ biến thể nào sẽ chiếm ưu thế vào mùa thu, hay loại vaccine thế hệ mới có phù hợp vào thời điểm đó hay không. Với sự gia tăng số ca bệnh hiện tại và khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian sau khi đã tiêm phòng các mũi vaccine trước đó, giới chuyên gia cho rằng biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những người có nguy cơ cao là tiêm loại vaccine hiện có.


Mỹ đang chuẩn bị cho một chiến dịch tiêm tăng cường vaccine COVID-19 trong tháng 9, sớm hơn nhiều tuần so với dự kiến. Chiến dịch này sẽ sử dụng các phiên bản vaccine mới có khả năng ngừa các biển thể của Omicron vốn đang chiếm đa số các ca nhiễm mới ở nước này.

Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã công bố chiến dịch tiêm tăng cường vaccine COVID-19 cho mùa thu năm nay sau khi nhận được đảm bảo của Pfizer và Moderna rằng phiên bản vaccine có khả năng chống Omicron của các hãng này sẽ sẵn sàng vào tháng 9. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm tăng cường vào mùa thu tới, Chính phủ Mỹ đã đồng ý mua 66 triệu liều vaccine của Moderna trị giá hơn 1,7 tỷ USD và 105 triệu liều vaccine của Pfizer với giá trị lên tới 3,2 tỷ USD.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 30/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,01 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 526.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.


Pháp lại vượt Brazil, trở lại là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 152.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,82 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Tuy nhiên, Brazil vẫn có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ với hơn 678.300 trường hợp thiệt mạng trong tổng số 33,79 triệu bệnh nhân.

Ngày 30/7, Nga ghi nhận 12.248 ca mắc mới, cao nhất kể từ ngày 13/4. (Ảnh: AP)


Ngày 30/7, bác sỹ truyền nhiễm Yevgeny Tamakov của Nga cho hay, sự gia tăng tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là ở các siêu đô thị, có thể sẽ được ghi nhận từ giữa nay đến cuối tháng 8, khi người dân Nga bắt đầu trở về sau các kỳ nghỉ, cũng như vào mùa thu, khi năm học mới bắt đầu.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh rằng cho tới nay, chưa thể nói là virus sẽ nguy hiểm hơn và tình hình gia tăng ca mắc mới ở Liên bang Nga sẽ nghiêm trọng. Theo ông Tamakov, nước Nga đã trải qua hơn 2 năm chống đại dịch COVID-19, các chuỗi hậu cần chống dịch đã được thiết lập suôn sẻ, các biện pháp triển khai thêm cơ sở y tế và giường bệnh đều luôn sẵn sàng.

Trong 24 giờ qua, tại Nga, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/4, với hơn 12.248 trường hợp. Phó Thủ tướng Nga, bà Tatyana Golikova, khẳng định số ca nhập viện không tăng mạnh nhưng các khu vực vẫn cần luôn sẵn sàng những phương án hỗ trợ người bệnh.


Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 trong mùa thu năm nay. Theo Bộ trưởng Lauterbach, Bộ Y tế Đức đã dự trù "nhiều biện pháp tiếp theo" dành cho các kịch bản đại dịch khác nhau trong mùa thu năm nay để chính quyền các bang và liên bang có thể áp dụng, trong đó ông nhấn mạnh sẽ không tái triển khai biện pháp đóng cửa trường học như trước đây. Bộ Y tế Dức đang thảo luận với Bộ Tư pháp về "gói biện pháp rất tốt" này và sẽ sớm công bố trong thời gian tới.

Hiện tại, các quy định phòng chống đại dịch COVID-19 theo Luật phòng chống lây nhiễm sửa đổi được Quốc hội Đức thông qua hôm 18/3/2022 sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/9. Theo luật này, hầu hết các biện pháp phòng dịch đã được dỡ bỏ.

Bộ trưởng Lauterbach xác nhận, các loại vaccine ngừa COVID-19 thích ứng với những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng sẽ được cung cấp từ tháng 9 tới. Dù chậm hơn dự kiến nhưng các loại vaccine này là tin tốt và sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm COVID-19.


Australia đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất trong những tháng gần đây, trong bối cảnh nước này tiếp tục phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm dòng phụ của biến thể Omicron trong mùa đông. Ngày 29/7, Australia ghi nhận 157 ca tử vong do COVID-19, trong đó 107 người ở bang Victoria và 22 ở bang New South Wales. Con số này trong ngày 30/7 là 135. Tổng số bệnh nhân thiệt mạng do COVID-19 tại nước này đã tăng lên hơn 11.804 ca, trong đó gần 10.000 ca trong năm 2022.

Đức lên kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 trong mùa thu năm nay. (Ảnh: AP)


Con số này cho thấy Australia nằm trong số các nước ghi nhận những tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày tính trên 1 triệu dân tại Australia là 2,77 trong tuần tính đến ngày 27/7, chỉ sau New Zealand và Na Uy.

Ngày 30/7 Australia ghi nhận 49.157 ca mắc mới COVID-19. Tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này là trên 9,37 triệu trường hợp.


Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép chính quyền của 47 tỉnh, thành phố tự ban bố các biện pháp tăng cường nhằm phòng chống dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 230.000 ca/ngày vào ngày 28/7, chủ yếu do sự lây lan mạnh của dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron.

Chính quyền địa phương có thể ban bố các biện pháp tăng cường để chống dịch khi hệ thống y tế trên địa bàn có nguy cơ bị quá tải, chẳng hạn khi tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 vượt ngưỡng 50%. Các biện pháp tăng cường này bao gồm kêu gọi người dân thực hiện các quy định phòng dịch như tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cử các quan chức tới các địa phương áp dụng các biện pháp trên khi cần để đóng vai trò liên lạc.

Ngày 30/7, Nhật Bản ghi số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục 221.938 trường hợp. Tổng cộng trên 12,34 cư dân nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.


Giới chức Malaysia cho biết, từ ngày 1/8, khách du lịch nhập cảnh vào Malaysia không phải điền thông tin khai báo trên phần mềm ứng dụng truy vết COVID-19 của nước này. Quyết định được đưa ra nhằm đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách đến Malaysia. Tuy nhiên, Bộ Y tế Malaysia cho biết sẽ luôn tăng cường theo dõi các triệu chứng của du khách tại tất cả các điểm nhập cảnh quốc tế vào Malaysia.

Khi nhập cảnh, thông qua máy đo nhiệt độ, nếu du khách được phát hiện bị sốt hoặc không khỏe thì sẽ được đề nghị đến khám lại tại một phòng y tế đã được chuẩn bị. Sau khi khám, nếu du khách được cho là có triệu chứng liên quan đến bệnh truyền nhiễm thì sẽ được giới thiệu đến cơ sở y tế gần điểm nhập cảnh để điều trị.

Chia sẻ Facebook