Nga cáo buộc Ukraine tấn công làm cháy nhà máy lọc dầu ở Rostov

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:55:23

Ngày 22-6, nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk ở vùng Rostov (miền nam nước Nga, chỉ cách tỉnh ly khai Lugansk vài cây số) cho biết cơ sở này bị phương tiện không người lái của Ukraine tấn công. Hiện nhà máy phải ngừng hoạt động.

Chữa cháy tại nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk ở vùng Rostov, miền nam nước Nga - Ảnh: MOSCOW TIMES


Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đầu tiên diễn ra lúc 8h40 theo giờ địa phương. Chiếc máy bay này tấn công thiết bị công nghệ của một đơn vị lọc dầu, làm khí hydrocacbon thoát ra, gây nổ và cháy sau đó.


Theo đài RT (Nga), cơ quan dịch vụ khẩn cấp cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk, lan ra một khu vực rộng khoảng 50m 2 nhưng được dập tắt không lâu sau đó. Vụ hỏa hoạn không gây thương vong.


Cuộc tấn công thứ hai diễn ra sau đó khoảng 40 phút. Tuy nhiên, máy bay không người lái này đã bắn trượt các thùng dầu. Không có vụ nổ nào xảy ra khi thiết bị này rơi xuống đất. Tuy nhiên, một số thiết bị vẫn bị hư hại do các mảnh vỡ từ chiếc máy bay, Công ty Novoshakhtinsk cho biết.

Theo Hãng tin AFP, nhà máy Novoshakhtinsk đã ra tuyên bố với nội dung: "Các cơ sở kỹ thuật của nhà máy đã bị hai máy bay không người lái tấn công".

Phía Novoshakhtinsk cho biết do hậu quả của các hành động khủng bố từ biên giới phía tây của khu vực Rostov, đã xảy ra một vụ nổ và sau đó là hỏa hoạn tại nhà máy của họ.

Thống đốc vùng Rostov, ông Vasily Golubev, trước đó nói rằng nhà chức trách đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay không người lái tại hiện trường, nhưng không nói rõ nguồn gốc.

Ông Golubev cho biết nhà chức trách đã dập tắt vụ hỏa hoạn, sơ tán tất cả nhân viên và không có thương vong nào xảy ra. Tuy nhiên, hoạt động của nhà máy phải tạm ngừng để kiểm tra.

Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy thiết bị bay không người lái bay phía trên nhà máy trước khi xảy ra vụ nổ.

Phía Nga nhiều lần cáo buộc Ukraine triển khai các vụ tấn công gần biên giới hai bên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Con số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở số 9, khi nhiều nước đang muốn sở hữu "vũ khí hủy diệt" do lo ngại an ninh.

Chia sẻ Facebook