Nga cáo buộc lính đánh thuê Israel hoạt động ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 23:04:16

Căng thẳng ngoại giao Nga - Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc lính đánh thuê Israel đang "sát cánh" cùng tiểu đoàn Azov, lực lượng mà Nga nói là gồm nhiều thành phần tân phát xít và cực hữu Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova - Ảnh: TTXVN


"Lính đánh thuê Israel trên thực tế đang sát cánh chiến đấu cùng các tay súng Azov ở Ukraine", người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Sputnik của Nga ngày 4-5.


Cũng theo bà Zakharova, Ukraine đang thay đổi xoành xoạch các yêu cầu trong đàm phán và luôn đổ lỗi, quy trách nhiệm cho Nga khi đàm phán bế tắc.

Tiểu đoàn Azov nổi lên vào năm 2014 với thành phần ban đầu là những người cực hữu Ukraine và được cho là có người theo chủ nghĩa tân phát xít. Lực lượng này đã chiến đấu với các lực lượng ly khai thân Nga tại khu vực Donbass.

Tiểu đoàn Azov sau đó được sáp nhập, trở thành một phần trong các lực lượng vũ trang Ukraine và đóng quân tại thành phố Mariupol. Vài trăm tay súng của tiểu đoàn Azov được cho là vẫn còn cố thủ bên trong khu hầm ngầm của tổ hợp nhà máy luyện kim Azovstal, nơi được xem như điểm kháng cự cuối cùng của lực lượng Ukraine ở Mariupol.

Theo Hãng thông tấn AFP, việc Nga cáo buộc có người Israel đang chiến đấu cùng tiểu đoàn Azov là chỉ dấu cho thấy căng thẳng ngoại giao Nga - Israel vẫn chưa hạ nhiệt.

Tranh cãi nổ ra hồi cuối tuần trước sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trùm phát xít Adolf Hitler có nguồn gốc Do Thái. Trong Thế chiến thứ 2, ít nhất 6 triệu người Do Thái và các dân tộc thiểu số khác ở châu Âu đã bị Đức quốc xã sát hại.

Phát ngôn của ông Lavrov vì thế đã gây ra sự phẫn nộ ở Israel. Ngoại trưởng Israel Yair Lapid gọi tuyên bố này là "không thể tha thứ" và là một "sai lầm lịch sử khủng khiếp".

Bộ Ngoại giao Nga sau đó lên tiếng bảo vệ phát ngôn của ông Lavrov và phản pháo bằng việc cáo buộc Israel ủng hộ lực lượng tân phát xít ở Ukraine.

Theo bộ này, dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người gốc Do Thái, điều đó không đồng nghĩa chủ nghĩa tân phát xít không tồn tại ở Ukraine.

Hiện Israel chưa phản ứng trước cáo buộc mới của Nga. Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Tel Aviv đã cố gắng duy trì thái độ trung lập khi tránh lên án hành động quân sự của Nga như các nước khác.

Thủ tướng của nước này, ông Naftali Bennett, còn bí mật đến Nga vào đầu tháng 3, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Chuyến đi được cho là nhằm thúc đẩy hòa đàm và ngừng bắn giữa Nga với Ukraine.

Viết trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 1-5, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin cho rằng Nga nên phản ứng tương tự với việc đóng băng tài sản của Nga của một số "quốc gia không thân thiện".

Chia sẻ Facebook