Nga cân nhắc rút khỏi WTO, WHO

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 01:49:26

Truyền thông Nga dẫn lời phó chủ tịch Quốc hội nước này cho biết Quốc hội đã nhận được đề xuất về việc Matxcơva rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nga gia nhập WTO năm 2012 sau gần 18 năm đàm phán - Ảnh: REUTERS

Ngày 17-5, Đài RT và Hãng tin Interfax dẫn lời Phó chủ tịch Quốc hội Nga Pyotr Tolstoy cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã gửi đề xuất lên Duma (Hạ viện). "Cùng với Hội đồng liên bang (Thượng viện), chúng tôi sẽ đánh giá và đưa ra đề xuất rút khỏi WHO, WTO", ông Tolstoy nói.

“Nga đã rút khỏi Hội đồng châu Âu, bây giờ bước tiếp theo là rút khỏi WTO và WHO, những tổ chức đã phớt lờ tất cả các nghĩa vụ liên quan đến đất nước của chúng tôi", ông Tolstoy nói thêm, trong đó nhắc đến việc Nga tuyên bố rời Hội đồng châu Âu vào tháng 3-2022.


Ông Tolstoy cũng cho biết Chính phủ Nga dự kiến điều chỉnh các nghĩa vụ và hiệp ước quốc tế hiện mang lại thiệt hại thay vì lợi ích cho nước này.

Vào tháng 4-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích các biện pháp hạn chế "bất hợp pháp" của phương Tây áp lên các công ty Nga là đi ngược lại quy định của WTO, đồng thời yêu cầu chính phủ cập nhật chiến lược của Nga tại tổ chức này trước ngày 1-6.

Tuy nhiên nếu rút khỏi WTO sẽ khiến Nga mất sự bảo hộ về thuế. Các quốc gia thành viên WTO có thể áp đặt thuế suất cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga, điều này sẽ làm giảm xuất khẩu và dẫn đến sự sụt giảm các loại thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế quan.

Trước đó một tuần, Nga cũng lên tiếng chỉ trích khi WHO thông qua nghị quyết có thể dẫn đến việc đóng cửa văn phòng ở Matxcơva. Theo Hãng tin Reuters, nghị quyết được thông qua ngày 10-5 có thể mở đường cho việc WHO đóng cửa văn phòng tại Nga và ngừng tổ chức các cuộc họp tại nước này.

Mới nhất, ngày 17-5, Nga thông báo rút khỏi Hội đồng Các quốc gia biển Baltic (CBSS), trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây về "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga nói CBSS đang trở thành "một công cụ của chính sách chống Nga". "Chúng tôi coi sự hiện diện của mình trong CBSS là không hiệu quả và phản tác dụng", cơ quan này tuyên bố.

Cho rằng những biện pháp hạn chế "bất hợp pháp" mà phương Tây áp lên các công ty Nga là trái với quy định của WTO, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ điều chỉnh chiến lược hành động tại tổ chức này.

Chia sẻ Facebook