Nga cấm WeChat vì an ninh quốc gia, cư dân mạng Đại Lục bàn tán

Chia sẻ Facebook
07/03/2023 18:59:33

Ngày 1/3, Chính phủ Nga công bố rằng các cơ quan chính phủ bị cấm sử dụng một số phần mềm nước ngoài, gồm cả WeChat của Trung Quốc.

Gần đây WeChat đã bị cấm ở Nga. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Chính phủ Nga cấm WeChat vì an ninh quốc gia

Ngày 1/3, Cơ quan Giám sát Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng Liên bang Nga (Roskomnadzor) đã đưa ra tuyên bố công khai, diễn giải lại Điều 10, Mục 8-10 của Luật Thông tin, rằng cấm sử dụng 9 phần mềm truyền thông trong nội bộ chính phủ, gồm nhiều phần mềm phổ biến như Discord, Microsoft Teams, Skype for Business, Snapchat, Telegram, Whatsapp, Wechat, Viber, Threema.

Cơ quan Giám sát Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng Liên bang Nga (Roskomnadzor) cấm sử dụng WeChat. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Theo các quy định có liên quan của Roskomnadzor, điều khoản này liên quan đến việc sử dụng phần mềm của các cơ quan hành pháp liên bang và các trang web chính thức của họ. Theo đó, chính phủ chỉ được sử dụng những phần mềm không nằm trong danh sách loại trừ của cơ quan có thẩm quyền.

9 phần mềm nói trên đến từ các quốc gia khác nhau, thậm chí cả WeChat của Trung Quốc, đất nước có mối quan hệ khá tốt với Nga, cũng có tên trong danh sách. Hầu hết các phần mềm khác đều đến từ các nước phương Tây.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Nga cấm nhân viên cơ quan chính phủ sử dụng một số ứng dụng nhắn tin cá nhân nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/3.

Telegram, được thành lập bởi anh em nhà Durov người Nga, cũng không thoát khỏi số phận bị phong tỏa, vì cơ sở của nó được đặt tại Dubai. Trước đây Telegram đã bị chính quyền chặn một lần vào năm 2018, sau đó mở lại vào năm 2020.

Đến nay, các kênh truyền thông bị Nga chặn bao gồm BBC, Deutsche Welle và VOA. Các trang web bao gồm Facebook, Twitter, Instagram, Google News và một số nhà cung cấp dịch vụ VPN chính thống cũng bị chính quyền chặn.

Cư dân mạng Đại Lục bàn luận sôi nổi

Nhiều phần mềm Trung Quốc do Chính phủ ĐCSTQ hậu thuẫn đã lần lượt gây tranh cãi về vấn đề an ninh, buộc các quốc gia khác phải áp đặt các hạn chế và ban hành luật.

Khác với các lệnh cấm do các nước phương Tây ban hành, gần đây, Nga, quốc gia khá thân thiện với Trung Quốc, đã ban hành lệnh cấm mà không có cảnh báo trước. Nga cấm chính phủ và quan chức sử dụng 9 phần mềm gồm cả WeChat.


Tin tức này đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi, với hơn 1.000 tin nhắn trên các nền tảng như NetEase NewsTencent.com ở Trung Quốc Đại Lục.


NetEase News Đại Lục tuyên bố Nga đã làm đúng về mặt an ninh quốc gia. Hơn nữa họ không chỉ nhắm mục tiêu vào WeChat, vì vậy không cần phải làm ầm ĩ lên.


Nhưng cư dân mạng lại chế giễu: “Vì vậy, Hoa Kỳ cấm TikTok và Huawei cũng là điều bình thường”; “Hoa Kỳ cấm TikTok để bày tỏ sự phản đối của họ, còn Nga thì âm thầm cấm WeChat!”; “Các kênh truyền thông chính thống (của ĐCSTQ) lại hoàn toàn im lặng.”


Nhiều người phàn nàn về “tình hữu nghị Trung-Nga”, “Bộ Ngoại giao phải phản kháng giúp chúng ta”; “Lên án mạnh mẽ hành động của các thế lực đơn phương phá hoại tình hữu nghị Trung-Nga”.

Tháng trước, Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang xóa phần mềm nghe nhìn TikTok của Trung Quốc trong vòng 30 ngày, và chính phủ sẽ cấm hoàn toàn phần mềm này trong tương lai.


Hôm 29/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật chi ngân sách tài khóa 2023 (dài 4.126 trang), trong đó thông qua việc cấm TikTok trên 4 triệu thiết bị thuộc Chính phủ Mỹ, theo hãng tin NBC News.


Trước lệnh cấm của Mỹ, bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từng phản hồi: “Mỹ quá sợ một ứng dụng mà giới trẻ yêu thích, làm vậy thực quá mức thiếu tự tin”.

Cư dân mạng Đại Lục bình luận về lệnh cấm WeChat ở Nga: “Cho nên Mỹ cấm Tik Tok, Huawei cũng là điều bình thường”, “Có cần kháng nghị không?”. (Ảnh chụp màn hình MXH)


Bình Minh (t/h)

Vì sao TikTok bị cấm ở một loạt quốc gia và nguy cơ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ?

Một số nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy trao cho Tổng thống Joe Biden quyền áp đặt lệnh cấm ứng dụng TikTok đối với tất cả người dùng, theo tờ ABC News.

Chia sẻ Facebook