Nga bị 'vỡ nợ kỹ thuật': 'Đòn tâm lý chiến' ảnh hưởng thế nào?
Nga khẳng định có tiền nhưng không thể trả cho chủ nợ, do đã bị cắt ra khỏi mạng lưới thanh toán tiền tệ quốc tế. Việc phương Tây dùng đòn tâm lý chiến khiến Nga bị 'vỡ nợ kỹ thuật' sẽ gây tác động như thế nào?
Một khách bộ hành đi ngang phòng thu đổi ngoại tệ ở Matxcơva - Ảnh: EPA-EFE
"Vỡ nợ kỹ thuật": Đòn tâm lý chiến?
Hôm nay 27-6, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết đến hết hôm qua Nga đã không trả khoản lãi 100 triệu USD dù được gia hạn một tháng, nên được coi là vỡ nợ lần đầu tiên trong một thế kỷ qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) - nhận định, một quốc gia được xem là vỡ nợ hoàn toàn khi không thể trả các khoản nợ dưới bất kỳ hình thức nào.
Trong lịch sử, các vụ vỡ nợ lớn đã xảy ra ở Lebanon, Argentina, Belize, Zambia và Suriname (năm 2020), Venezuela (năm 2017 và 2018)... Vào ngày 19-5 mới đây, Sri Lanka cũng tuyên bố vỡ nợ trước hạn.
Trường hợp Nga hiện nay là "vỡ nợ kỹ thuật", được xem là "đòn tâm lý chiến" của phương Tây để tạo nên hình ảnh không sáng sủa về Nga.
Gọi "vỡ nợ kỹ thuật" vì Bộ Tài chính Nga khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán qua Trung tâm Lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) bằng đồng euro và USD, nhưng không đến được tài khoản chủ nợ do bị chặn. Cụ thể, sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các ngân hàng lớn của Nga đã bị áp lệnh trừng phạt, cắt ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT .
TS Nguyễn Hữu Huân - Ảnh: NVCC
"Nga phát động cuộc chiến quân sự với Ukraine, đồng nghĩa với việc gia tăng đối đầu Mỹ, từ bỏ liên quan đến phương Tây. Hiện nay phương Tây cũng không muốn phụ thuộc Nga và tìm cách tự chủ năng lượng. Phương Tây bao vây và áp cấm vận với Nga, kể cả việc cấm trả nợ", TS Huân cho hay.
Tác động như thế nào đến nền kinh tế?
Vừa bị loại ra khỏi SWIFT, loại ra khỏi cuộc chơi tài chính tiền tệ thế giới - nơi đồng USD chủ đạo (chiếm tỉ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối toàn cầu) và Mỹ là trung tâm, nay lại bị tuyên bố "vỡ nợ" nước ngoài, theo TS Huân, các "cú đập" trên sẽ càng đẩy Nga rơi vào hai lựa chọn: phải xây dựng hệ thống tiền tệ mới hoặc tiến gần hơn với Trung Quốc để cùng xây dựng hệ thống tiền tệ mới. Nếu vậy, hệ thống tiền tệ hiện đại của thế giới có thể chuyển từ đơn cực xoay quanh Mỹ, sang đa cực.
TS Huân cũng nhận định, Nga ảnh hưởng lớn đến thế giới thông qua dầu mỏ, khí đốt, quặng thép và than. Chính việc biến động nguồn cung ứng các tài nguyên thiên nhiên và năng lượng kể trên mới ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát thế giới.
Việc Nga "vỡ nợ" ảnh hưởng lớn đến nhóm nhỏ trong nền kinh tế, nhưng không đáng là gì đối với kinh tế thế giới (quy mô kinh tế Nga không nằm trong top 10 thế giới).
Nga cũng không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam (không nằm trong top 10), nên không ảnh hưởng nhiều. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động không nhỏ từ 3 yếu tố chính, gồm: "nhập khẩu lạm phát", Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất và cú sốc về giá dầu.
Việc Nga vỡ nợ ít ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, nhưng doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm về tương lai - khi doanh nghiệp Nga gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh do cấm vận làm chi phí tăng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam - Nga, đặc biệt là hoạt động thanh toán bằng USD.
TS Nguyễn Xuân Trường
TS Nguyễn Xuân Trường - trưởng bộ môn thương mại quốc tế, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - cùng quan điểm: "C ó thể xem là trường hợp vỡ nợ kỹ thuật, dù Nga vẫn có đủ tiền thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài".
Hệ lụy của việc này không tác động nhiều đến thị trường tài chính toàn cầu, do không gây thiệt hại hệ thống giống như trường hợp vỡ nợ năm 1998 (thời điểm chính phủ tổng thống Boris Yeltsin vỡ nợ 40 tỉ USD và Mỹ phải tham gia giải cứu để tránh đổ vỡ hệ thống tài chính toàn cầu) do chủ nợ chủ yếu là các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi.
Ở trường hợp mới này, Nga sẽ gánh chịu các chi phí tài trợ cao trong tương lai, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Chính phủ, dẫn đến khả năng phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. Đồng thời gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, đặc biệt là doanh nghiệp Nga có vay nước ngoài, khi họ bị cô lập các hoạt động thương mại và tài chính quốc tế.
Việc phương Tây thực hiện tuyên bố vỡ nợ với Nga để làm kinh tế Nga gặp khó khăn, rơi vào một vòng luẩn quẩn về kinh tế do đầu tư thấp hơn, tăng trưởng thấp hơn và quan trọng là dẫn đến thu nhập thấp hơn, chảy máu chất xám. Để giải quyết bài toán này, Nga phải chấm dứt xung đột với Ukraine. Như vậy, áp vỡ nợ với Nga là hành động này mang nhiều tính chính trị hơn kinh tế.
Hãng tin Bloomberg cho rằng Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918 do các lệnh trừng phạt của phương Tây chặn mọi đường thanh toán của Matxcơva, còn Điện Kremlin khẳng định họ có tiền nhưng không thể trả nợ.