Nga bất ngờ đổi chiến thuật, Ukraine rơi vào thế khó?

Chia sẻ Facebook
28/07/2022 15:51:41

Giới chức Ukraine nhận định, Nga đang đổi chiến thuật để củng cố phòng thủ Donetsk, đồng thời điều động lượng lớn binh lực đến 3 tỉnh miền Nam Ukraine.

Ukraine nói Nga đổi chiến thuật, dồn quân về hướng Nam

Oleksiy Arestovych, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 27/7 nhận định rằng, Nga dường như đang chuyển từ tiến công sang phòng thủ chiến lược, sử dụng các đợt tập kích chiến thuật nhằm làm suy yếu khả năng tấn công của quân đội Ukraine ở tỉnh miền Đông Donetsk.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov, cho biết Nga đang tập trung "số lượng tối đa binh sĩ" đến tỉnh miền Nam Kherson nhưng không cho biết chi tiết. Cố vấn Arestovych nói thêm rằng, Nga cũng điều thêm quân đến tỉnh Melitopol và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine. "Điều này sẽ đặt chúng ta vào vị thế khó giành lại toàn bộ lãnh thổ và phải kêu gọi đàm phán", ông nói, đồng thời xác nhận lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy điện Vuhlehirsk lớn thứ hai Ukraine. "Đây là lợi thế chiến thuật quá bé nhỏ".

Tình báo Anh trước đó nhận định, lực lượng Nga đang ưu tiên kiểm soát các hạ tầng quan trọng của Ukraine, trong đó có các nhà máy điện, đồng thời xây dựng đà tiến công trên gọng kìm phía Nam với hai thành phố trọng yếu ở tỉnh Donetsk gồm Kramatorsk và Slovyansk.


Hồi tháng 4, Nga rút khỏi khu vực miền Bắc Ukraine bao quanh Thủ đô Kiev để tập trung vào vùng Donbass ở miền Đông, gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk. Lực lượng Nga cũng rút khỏi Kharkov ở Đông Bắc Ukraine hồi tháng 5 sau khi Kiev phản kích mạnh ở đây. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 20/7 tuyên bố mục tiêu quân sự của nước này ở Ukraine không còn chỉ tập trung vào Donbass ở miền Đông, mà mở rộng sang miền Nam và các khu vực khác.

Moscow đã phá hủy trên 100 tên lửa HIMARS ở Ukraine

Theo thông tin cập nhật từ Bộ Quốc phòng Nga hôm 27/7, quân đội nước này đã nhắm mục tiêu vào một kho đạn ở vùng Dnepropetrovsk của Ukraine, phá hủy hơn 100 tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất. “Ngày 25/7, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tấn công một kho đạn gần khu định cư Lyubimovka, vùng Dnepropetrovsk của Ukraine, phá hủy hơn 100 quả tên lửa phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất”, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga. Cơ quan này tiết lộ thêm rằng, 120 binh sĩ Ukraine bảo vệ cơ sở này, cũng như lính đánh thuê và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, đã thiệt mạng.

Thông báo cập nhật này được đưa ra sau báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/7 tuyên bố rằng Moscow đã nhắm mục tiêu và phá hủy hàng loạt vũ khí do Mỹ cung cấp cho Kiev, bao gồm cả pháo hạng nặng ở miền Tây Ukraine, sử dụng vũ khí tầm xa chính xác cao trên biển.

Hiện, các hãng thông tấn độc lập chưa xác minh được những tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Nga, trong khi giới chức Ukraine không đưa ra phản hồi.

Tính đến ngày 22/7, Mỹ - nhà viện trợ lớn nhất của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga – đã cung cấp cho nước này 16 hệ thống tên lửa HIMARS. Anh cũng đã cung cấp 3 bệ phóng khác có khả năng bắn cùng loại đạn. Tuy nhiên, tuần trước, quân đội Nga khẳng định họ đã phá hủy 4 bệ phóng tên lửa này. Giới chức Kiev đã bác bỏ những tuyên bố này là “thông tin sai lệch”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, lực lượng của họ đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các loại vũ khí của Ukraine ở 142 quận, phá hủy một số trung đội pháo và lựu pháo. Theo Bộ này, cho đến nay Ukraine đã mất trên 760 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) và trên 3.200 quả đạn pháo kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2.

Hệ thống tên lửa pháo cơ động cao HIMARS của Mỹ. (Ảnh: AP).

Ukraine dọa tấn công vào lãnh thổ Nga "nếu cần thiết"

Ông Aleksey Danilov, người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết, ngày 27/7 rằng, Hội đồng An ninh và Quốc phòng luôn theo dõi chặt chẽ các cuộc không kích và tấn công tên lửa mà Nga thực hiện nhằm vào Ukraine. Giới chức Ukraine biết rõ tất cả các vị trí ở Nga mà từ đó Moscow có thể tiến hành tấn công vào Ukraine. Kiev “có đủ ý chí chính trị” để ra lệnh một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu đó nếu cần thiết. “Nếu cần, bất cứ ai trong chính phủ cũng sẽ hành đồng không do dự và ký các văn bản cần thiết để phá hủy các mục tiêu như vậy”, ông Danilov nói.

Người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng việc đáp trả nhằm vào các vị trí mà từ đó Nga tiến hành tấn công vào Ukraine là “bằng chứng” về sự quyết tâm của Kiev. Trước đó, một số quan chức Ukraine nói rằng, các lực lượng nước này có thể nhắm mục tiêu vào Bán đảo Crimea hoặc cầu Crimea mà Kiev cho là tuyến tiếp vận quan trọng cho các lực lượng Nga ở Ukraine.

Đức tuyên bố không “tham gia cuộc đua” cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock mới đây đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng việc giao vũ khí của phương Tây đóng một vai trò trong quyết định của Moscow liên quan đến việc mở rộng các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Deutsche Welle (Đức), bà Baerbock cho biết, Đức sẽ "hỗ trợ Ukraine không chỉ bằng sự đoàn kết, mà còn cả sự hỗ trợ quân sự, để họ có thể tự bảo vệ mình". Ngoại trưởng Baerbock đã bảo vệ việc cung cấp vũ khí của Đức cho Ukraine, với một nghiên cứu gần đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã leo lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nước viện trợ vũ khí cho Kiev.

"Đây không phải là cuộc đua xem ai đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng. Đây là về sự ủng hộ chung của cả cộng đồng quốc tế, từ các quốc gia thành viên NATO để hỗ trợ Ukraine", vị Ngoại trưởng cho hay. Theo bà Baerbock, Đức và Hà Lan sẽ cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa và các loại đạn dược khác với "hy vọng" vào cuối mùa Hè này.

Cùng ngày, tờ Spiegel của Đức cho hay, Chính phủ nước này đã chấp thuận bán trực tiếp 100 lựu pháo cho Ukraine. Trước đó, hôm 11/7, Tập đoàn sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann (KMW) đã nộp đơn đăng ký sản xuất 100 lựu pháo Panzerhaubitze2000, trị giá 1,7 tỷ Euro (1,72 tỷ USD) và chỉ 2 ngày sau, Bộ Kinh tế Đức đã cấp phép cho tập đoàn này. Theo Spiegel, Ukraine đã đặt mua lựu pháo của KMW vào tháng 4 và tập đoàn này đã ngay lập tức đệ trình một đề xuất lên Bộ Kinh tế. Đại diện của KMW cho biết, thỏa thuận hiện tại sẽ cao hơn nhiều lần so với chi phí vận chuyển các loại vũ khí này trước đây.

Về phía Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov hôm 25/7 cho biết, Ukraine đã nhận được 3 trong số 15 pháo tự hành Gepard mà Đức đã cam kết viện trợ cho Kiev cùng 10.000 viên đạn. Sự xuất hiện của 3 pháo tự hành Gepard đánh dấu lần thứ hai Đức giao vũ khí hạng nặng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra cách đây 5 tháng. Vào tháng 6, Đức đã giao 7 pháo tự hành có tầm bắn lên tới 40km này. Ukraine cũng kỳ vọng sẽ nhận được các hệ thống phòng không hiện đại từ Đức, đặc biệt là Iris-T. Những hệ thống này không được lên lịch giao hàng cho đến mùa Thu.


Ngoại trưởng Nga-Mỹ sắp đối thoại

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkens và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: Moscow Times).


Ngày 27/7 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinkens cho biết, ông có kế hoạch trao đổi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov lần đầu tiên kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine từ hồi tháng 2. “Trong những ngày tới, tôi dự kiến sẽ đối thoại với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Tôi sẽ cố gắng nêu ra vấn đề ưu tiên hàng đầu là việc yêu cầu thả tự do cho hai công dân Mỹ là Paul Whelan và Brittney Griner”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

“Ngoài ra, tôi cũng có ý định thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu lương thực từ Ukraine, khi tôi coi đó là một bước tiến tích cực. Dù vậy, vẫn có một số khác biệt giữa bản thỏa thuận đã ký và cách thức triển khai trên thực tế. Tôi cần khẳng định rằng, những cuộc đối thoại sắp tới sẽ không về chủ đề Ukraine, sẽ không có điều gì được quyết định về Ukraine mà không có tiếng nói của chính quyền Kiev”, ông Blinken nhấn mạnh.

Hiện, chưa rõ các cuộc đối thoại sắp tới giữa ông Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ diễn ra dưới hình thức nào.


TÚ ANH (T/H)

Chia sẻ Facebook