Nga bác tin đạt được thỏa thuận về căn cứ ở Biển Đỏ
Việc Nga quan tâm đến căn cứ hải quân ở Sudan là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng của Moscow nhằm củng cố ảnh hưởng ở châu Phi và chỗ đứng trên Biển Đỏ.
Nga và Sudan vẫn đang đàm phán để thành lập căn cứ của Nga ở Biển Đỏ và vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 12/6 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết.
“Việc liên lạc đang diễn ra nhưng chưa có thỏa thuận cụ thể nào, kể cả giữa các Bộ Quốc phòng, theo như tôi biết”, nhà ngoại giao Nga cho biết. Ông Bogdanov đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi.
Thỏa thuận dự kiến giữa Sudan và Nga được ký kết vào năm 2019 và được truyền thông nhà nước Nga công bố vào năm 2020, trong đó bao gồm việc Moscow xây dựng một căn cứ hải quân ở phía bắc thành phố Port Sudan, nơi vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Quân đội Sudan (SAF).
Căn cứ này có thể chứa tối đa 4 tàu và bao gồm kho chứa vũ khí, nhiên liệu, đạn dược và 300 nhân viên hải quân có thể có mặt tại địa điểm này bất cứ lúc nào.
Sudan có đường bờ biển dài 853 km trên Biển Đỏ, nằm ở đoạn giữa của tuyến đường thủy, phía Nam Kênh đào Suez và phía Bắc vùng Sừng Châu Phi. Quốc gia Đông Phi cũng là “điểm nóng” xung đột và bất ổn.
Bình luận về tình hình ở Sudan, Thứ trưởng Nga Bogdanov cho biết, cần phải “ngồi vào bàn đàm phán và trước hết là chấm dứt sự tàn phá đất nước, cuộc xung đột đẫm máu có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ”.
“Đây là những điềm xấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan. Một điều chúng tôi luôn kêu gọi là củng cố và đoàn kết đất nước, và điều này chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán”, vị quan chức Nga nói.
Nhà ngoại giao này cũng tuyên bố Nga sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng.
“Chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán ở Jeddah, với vai trò trung gian hòa giải của Ả Rập Xê-út, và sẵn sàng tổ chức một số cuộc họp nếu chúng tôi được yêu cầu làm như vậy”, ông Bogdanov nói.
Tình hình ở Sudan leo thang vào tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh bất đồng giữa Tư lệnh SAF Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người cũng đứng đầu Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan và là lãnh đạo trên thực tế của quốc gia Đông Phi, và người đứng đầu Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự, Mohamed Hamdan Dagalo.
Những điểm tranh chấp chính giữa 2 tổ chức quân sự liên quan đến tiến trình và phương pháp thành lập các lực lượng vũ trang thống nhất của Sudan, cũng như ai sẽ trở thành Tổng tư lệnh.
Vào ngày 15/4 năm ngoái, các cuộc đụng độ vũ trang giữa các phe phái quân sự đối địch đã nổ ra gần một căn cứ quân sự ở Merowe và thủ đô Khartoum. Cuộc xung đột ở Sudan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương. Các bên xung đột đã tổ chức một loạt cuộc tham vấn tại Jeddah vào năm 2023 nhưng chưa có kết quả.
Mỹ cùng Ả Rập Xê-út đã làm trung gian cho một số lệnh ngừng bắn ngay sau khi giao tranh nổ ra vào năm ngoái nhưng các lệnh ngừng bắn này đã sụp đổ ngay sau khi có hiệu lực hoặc hoàn toàn bị phớt lờ .
Minh Đức (Theo TASS, The National News)