Nga bác bỏ mức giá trần 60 USD đối với dầu, cảnh báo đáp trả
Nga bác bỏ mức giá trần 60 USD đối với dầu, cảnh báo đáp trả
Embed from Getty Images
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Bảy cho biết Nga sẽ không chấp nhận mức giá trần, đồng thời cho biết thêm rằng họ cần phân tích tình hình trước khi quyết định một phản ứng cụ thể.
EU, G7 và Australia hôm thứ Bảy đã thông qua mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết trong một tuyên bố: “G7 và tất cả các quốc gia thành viên EU đã đưa ra quyết định sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn đến doanh thu của Nga và làm giảm khả năng gây chiến ở Ukraine”.
Bà nói: “Nó cũng sẽ giúp chúng tôi ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt với giá dầu cao.”
Nhưng đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Mikhail Ulyanov, đã cảnh báo rằng châu Âu sẽ đưa ra quyết định sai lầm.
“Từ năm nay, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga,” ông Ulyanov viết trên Twitter. “Moscow đã nói rõ rằng họ sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia ủng hộ giá trần chống lại giá thị trường. Rất nhanh thôi, EU sẽ cáo buộc Nga sử dụng dầu mỏ làm vũ khí”.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm Chủ nhật cho biết động thái của phương Tây là sự can thiệp thô bạo đi ngược lại các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu bằng cách gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.
“Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để cấm sử dụng công cụ giá trần, bất kể mức nào được đặt ra, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường”, ô ng Novak nói.
“Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải giảm sản lượng một chút”, ông nói thêm.
Novak cho biết mức giá trần của phương Tây có thể gây ra rắc rối trên thị trường và có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài Nga.
Những nước mua dầu lớn nhất của Nga – Trung Quốc và Ấn Độ – đã không cam kết với mức trần giá dầu.
Theo các thỏa thuận hôm thứ Sáu, các công ty bảo hiểm và các công ty khác vận chuyển dầu sẽ chỉ có thể giao dịch với dầu thô của Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần. Hầu hết các công ty bảo hiểm đều ở EU và Vương quốc Anh và có thể phải tuân theo mức trần này.
Dầu thô của Nga đã được bán với giá khoảng 60 USD/thùng, giảm sâu so với dầu Brent chuẩn quốc tế, đóng cửa hôm thứ Sáu ở mức 85,42 USD/thùng.
EU cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga kể từ ngày 5/2. Mức trần giá G7 đối với các sản phẩm xăng dầu cũng sẽ được ấn định vào một ngày sau đó, sử dụng cơ chế chính xác giống như đối với dầu thô, Ủy ban cho biết.
Mức trần giá này nhằm gây áp lực kinh tế đối với Nga và hạn chế hơn nữa khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy vậy, Tổng thống Ukraine nói rằng mức giá trần 60 USD/thùng không phải là “nghiêm trọng”.
“Nga đã gây ra tổn thất lớn cho tất cả các nước trên thế giới bằng cách cố tình gây bất ổn thị trường năng lượng,” ông lập luận trong bài phát biểu hàng đêm của mình.
Kyiv cho biết họ đã đề xuất mức trần thấp hơn là 30 USD để “phá hủy nền kinh tế của kẻ thù nhanh hơn”.
Ngân Hà (t/h)
Các quốc gia G7 thúc đẩy việc áp giá trần dầu Nga vào đầu tháng 12 Các thành viên của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu đang tìm cách thúc đẩy việc áp đặt giá trần với dầu Nga vào ngày 5/12.