New Zealand đề xuất buộc nông dân trả tiền cho lượng khí thải từ 10 triệu con bò và 26 triệu con cừu

Chia sẻ Facebook
10/06/2022 00:36:39

New Zealand ngày 8-6 công bố dự thảo kế hoạch định giá khí thải nông nghiệp, trong một động thái nhằm giải quyết một trong những nguồn thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất của nước này là ngành chăn nuôi bò và cừu.

New Zealand chỉ có 5 triệu dân nhưng sở hữu tới 10 triệu con bò và 26 triệu con cừu - Ảnh: The Guardian


Bộ Môi trường cho biết đề xuất trên sẽ khiến New Zealand , một nhà xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên buộc nông dân phải trả tiền cho lượng khí thải từ hoạt động chăn nuôi.

New Zealand chỉ có 5 triệu dân nhưng sở hữu tới 10 triệu con bò và 26 triệu con cừu.

Gần một nửa tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động chăn nuôi, chủ yếu là khí methane, nhưng từ xưa tới nay, khí thải nông nghiệp không nằm trong danh mục cơ chế mua bán quyền khí thải của nước này.

Thực tế trên khiến chính phủ vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến cam kết ngăn chặn hiện tượng Trái đất nóng lên.

Theo kế hoạch dự thảo trên, người nông dân sẽ phải trả tiền cho lượng khí thải từ năm 2025. Các loại khí từ nông trại sẽ được định giá khác nhau tùy theo thời gian tồn tại của khí đó, thông qua một phương pháp duy nhất để tính tổng lượng khí thải.

Kế hoạch cũng bao gồm các khích lệ cho những nông dân giảm khí thải thông qua sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế độ ăn cho vật nuôi để giảm lượng khí methane thải ra, trong khi việc trồng cây trong trang trại cũng có thể được coi như một cách giảm khí thải.

Tiền thu từ cơ chế mới sẽ được đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và các dịch vụ tư vấn cho người nông dân.

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu James Shaw cho biết: "Rõ ràng chúng ta cần cắt giảm lượng khí methane bị thải vào khí quyển và một hệ thống định giá khí thải hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu này".

Về phần mình, ông Michael Ahie, người đứng đầu nhóm đối tác các ngành sơ cấp He Waka Eke Noa, cho biết: "Những khuyến nghị của chúng tôi nhằm tạo điều kiện để ngành chăn nuôi và sợi dệt phát triển bền vững trong nhiều thế hệ tới, đồng thời đóng góp tương đối vào các nỗ lực đạt cam kết khí hậu của quốc gia".

Quyết định cuối cùng về bản đề xuất trên sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới.

Sự xuất hiện gần đây của hàng trăm ca đậu mùa khỉ trên thế giới làm phát sinh nhiều thông tin sai trên mạng, phần lớn giống như các thuyết âm mưu xuất hiện hồi đầu đại dịch COVID-19.

Chia sẻ Facebook