New Delhi khốn khổ đối phó với 'giặc muỗi'

Chia sẻ Facebook
18/09/2022 11:12:15

Người dân tìm đủ mọi cách để chống chọi với loại côn trùng này nhưng xem ra lực bất tòng tâm.

Khi mặt trời bắt đầu lặn ở New Delhi, Ấn Độ, cô Rani (45 tuổi) ngồi bên cạnh chiếc chảo sắt đặt ở ngay bên ngoài nhà mình và đốt một que diêm. Chẳng bao lâu đống phân bò khô bốc cháy, rực sáng trong ánh hoàng hôn.

Cô Rani ho sặc sụa khi làn khói nghi ngút bốc lên từ chảo sắt. Xung quanh, những người hàng xóm của Rani cũng đang làm công việc tương tự. Mục đích của họ đều là xua đuổi muỗi bằng khói.

Người Ấn Độ từ lâu đã sử dụng phương pháp này để kiểm soát côn trùng. Tuy nhiên trong vài năm qua, khi số lượng muỗi của thành phố sinh sôi nảy nở nhanh chóng, việc đốt như vậy đã trở thành "thủ tục" mỗi tối tại các khu nhà của người lao động có thu nhập thấp trong thành phố 30 triệu dân này.

Mỗi khi mặt trời lặn, người dân New Delhi lại bắt đầu "thủ tục" xua đuổi muỗi.

Nỗi ám ảnh mang tên muỗi

Theo một cuộc khảo sát gần đây do Tổng công ty thành phố thực hiện, mật độ muỗi ở New Delhi cao hơn gấp 9 lần so với bình thường vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, tăng 50% so với năm trước.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không đưa ra bất kỳ phương pháp giải quyết hữu hiệu nào vì loài côn trùng này thuộc giống Culex, không có khả năng lây truyền các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...

Muỗi Culex đa phần đều vô hại nhưng chúng cũng sẽ gây kích ứng da. Sự hiện diện đông đảo của chúng cho thấy các cống rãnh và vùng nước bẩn đang bị ứ đọng bởi các chất thải vì Culex chỉ sinh sản trong nước đọng bẩn

Một chuyên gia chia sẻ rằng, việc muỗi tăng đột biến ở New Delhi là do nhiệt độ không khí tăng đột ngột, thêm vào đó là cống bị tắc và nước tù đọng nhiều, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Những ao tù, nước đọng là nơi muỗi sinh sôi.


Người này cho biết: " Muỗi hoạt động mạnh mẽ và sinh sản nhiều ở trong nhiệt độ trên 35 độ C. Năm nay chúng ta đã chứng kiến một mùa hè sớm bất thường ".

Muỗi trong khu phố của cô Rani nhiều đến mức trẻ em và người lớn phải chật vật để ngủ mỗi đêm. Mặc dù chưa xảy ra nhiều vấn đề ở Delhi nhưng người dân được cảnh báo họ có thể đối mặt với một số nguy cơ mắc các bệnh như viêm não Nhật Bản. Theo các chuyên gia, nguy cơ này tăng lên khi muỗi 'tiến hóa' để đáp ứng với việc điều kiện khí hậu thay đổi.

Hiện tại người dân đều áp dụng phương pháp diệt muỗi truyền thống là đốt phân bò tạo ra khói độc hoặc thuốc diệt côn trùng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những biện pháp này không giải quyết được tận gốc việc muỗi sinh sôi nảy nở mà lại còn có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người.

Những thách thức ở phía trước

Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về việc thay đổi cảnh quan và khí hậu sẽ ảnh hưởng thế nào đến quần thể muỗi trong tương lai. Ở New Delhi, biến đổi khí hậu đã làm kéo dài mùa sinh sản của muỗi khi thời tiết ngày một nóng ẩm hơn. Trước đây, một số khu vực chỉ trải qua "mùa muỗi" trong 1 tháng nhưng giờ đây có thể kéo dài 6 - 8 tháng.

Muỗi là một trong những loài côn trùng có khả năng thích nghi nhanh chóng với những sự thay đổi trong môi trường xung quanh.

Karthikeyan Chandrasegaran, một nhà nghiên cứu tại Virginia Tech, cho hay, việc quản lý chất thải kém, thiếu vệ sinh và tưới tiêu mỗi ngày là những điều kiện thuận lợi để côn trùng phát triển mạnh. Một số thành phố như Delhi cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, điều này khiến người dân sử dụng nhiều dụng cụ để tích trữ nước, làm muỗi xuất hiện nhiều hơn.

Muỗi đã tạo ra nhiều thành thức cho thành phố New Delhi.

Tình hình này ít nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều loài vật săn muỗi như cá hay ếch. Nhưng tại đây cũng đối mặt không ít thách thức như là cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém hay mức độ hiểu biết của người dân về các loại bệnh truyền nhiễm chưa cao.

Nhà nghiên cứu Karthikeyan Chandrasegaran cho rằng cần có những giải pháp cụ thể cho từng khu vực để loại bỏ muỗi nhằm tránh mất nhiều thời gian, công sức và tiền của.

Cô Rani chia sẻ rằng, nhiều trẻ em đã buộc phải nghỉ học vì mệt mỏi vào buổi sáng. Nguyên do là đêm hôm trước, các em không thể ngủ được vì muỗi. Người lớn cũng khó ngủ hơn trong mùa muỗi.

Một người dân cho hay, huyết áp của bà tăng lên mỗi khi muỗi tập trung dày đặc. Một số người khác thì nói rằng họ phải ngủ bù trên xe buýt hay xe lửa trong khi đi làm.

Một vài gia đình đốt lửa trong chảo suốt đêm. Còn cô Rani thì thường dập tắt lửa mỗi khi chuẩn bị đi ngủ để cả nhà không ngạt thở vì khói. Gia đình cô Rani có màn chống muỗi nhưng các con cô thường xuyên phải rời khỏi giường để đi vệ sinh hoặc uống nước. Chỉ cần một khe hở trong màn thì muỗi có thể bay vào bất cứ lúc nào.

Palak Balyan, một nhà khoa học ở New Delhi, cảnh báo rằng bất kỳ việc đốt cháy vật liệu nào cũng đều tạo ra bụi mịn gọi là PM2.5, một loại ô nhiễm không khí có thể gây chết người. Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải PM2.5 đã rút ngắn tuổi thọ trung bình của người dân Delhi tới 10 năm. Trong khi nguồn ô nhiễm lớn nhất ở Delhi là giao thông vận tải, các chuyên gia lo ngại việc kiểm soát muỗi bằng việc đốt các vật liệu tạo ra khí độc diệt côn trùng đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Các biện pháp diệt mỗi hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ngoài việc đốt chất phân bò, người dân New Delhi còn dùng các cuộn dây, nhang và một số vật liệu dễ cháy khác... Một nghiên cứu cho thấy đốt một cuộn dây sẽ giải phóng lượng PM2.5 tương tự như đốt 75 đến 137 điếu thuốc lá.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề?

Các quan chức y tế New Delhi cho biết các chất đuổi muỗi hiện nay chỉ là giải pháp ngắn hạn và không thực sự hiệu quả. Các chất này không giết được muỗi, chúng chỉ khiến côn trùng bay đi nơi khác mà thôi.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh các giải pháp diệt muỗi tận gốc như cải thiện hệ thống vệ sinh và thoát nước. Khu phố nơi cô Rani sống không có có hệ thống ống nước trong nhà nên nước thải chảy thẳng ra đường, tạo ra môi trường sinh sản cho muỗi. Cống lớn nhất của thành phố, dẫn nước thải ra sông địa phương, đi qua ngôi nhà của Rani.

Chất lượng nhà ở cũng rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu cho biết, muỗi thích không gian tối tăm, ẩm thấp. Đây lại là nơi sinh sống của những người nghèo nhất Ấn Độ. Nhà cô Rani chỉ có một cửa sổ, thường xuyên mở để không khí có thể lưu thông. Mặc dù vậy, hơi ẩm vẫn đọng lại trên nền bùn và tường xi măng.

Mỗi buổi tối trôi qua, Meenakshi, con gái cô Rani phải vừa quạt xua đi làn khói mù mịt vừa lật giở từng trang sách để học bài. Rani đang nghĩ đến việc mua một loại thuốc bôi ngoài da cho con, nhưng loại thuốc này rất đắt và ai biết được liệu nó có hiệu quả hay không?


Nguồn: Hindustantimes, Popsci

Chia sẻ Facebook