Nếu suy thoái kinh tế xảy ra...

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 14:32:56

Sau dự báo cập nhật của một số tổ chức kinh tế có ảnh hưởng lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) thì nỗi lo về một cuộc suy thoái của nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới ngày càng rộng lớn. Những dấu hiệu nào sẽ là cảnh báo và chúng ta cần chuẩn bị gì?

Nếu suy thoái kinh tế xảy ra...

Những cơ sở của nỗi lo suy thoái

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã làm tan biến hy vọng kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19: giá nhiều loại hàng hóa (commodities) tăng mạnh, đặc biệt là năng lượng, đã thổi bùng lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương đã và sẽ sớm tăng lãi suất với hy vọng hạ nhiệt lạm phát như Mỹ, châu Âu, Anh, Thụy Sỹ, Úc, Canada, New Zealand, và nhiều nước đang phát triển khác.

Riêng với Mỹ, lần gần đây nhất là ngày 15-6-2022 đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, và mức lãi suất đến cuối năm 2022 được nhiều dự đoán từ 18 thành viên của Fed là 3,4%. Lãi suất tăng không chỉ lớn về số tuyệt đối mà còn lớn về tỷ lệ khi nền xuất phát của lãi suất ở mức thấp. Ví dụ như lãi suất EFFR (effective federal funds rate) từ 0,83% tăng lên 1,58% thì tỷ lệ tăng đến 90%.

Có lẽ thấy được rằng lạm phát sẽ tăng mạnh, và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi khi Trung Quốc vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát chặt Covid-19 nên các cập nhật dự báo kinh tế thế giới đều cho rằng tăng trưởng GDP của thế giới năm nay sẽ giảm còn ở mức 2,9-3% thay vì khoảng 4% như dự báo lúc đầu năm.

Nhưng suy thoái kinh tế không chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng của GDP bị giảm mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác như các chỉ số sản xuất, hàng tồn kho, biên lợi nhuận của doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp, tín dụng, thu nhập nội địa (GDI), chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng (consumer confidence), và nhận định của các nhà quản lý, các nhà kinh tế.

Theo một khảo sát vừa mới công bố của tờ báo Wall Street với một nhóm 53 nhà kinh tế thì kết quả cho thấy xác suất xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng lên đến 44%, trong khi con số này ở tháng 4 và tháng 1 năm nay lần lượt là 28% và 18%.

Theo một khảo sát vừa mới công bố của tờ báo Wall Street với một nhóm 53 nhà kinh tế thì kết quả cho thấy xác suất xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng lên đến 44%, trong khi con số này vào tháng 4 và tháng 1 năm nay lần lượt là 28% và 18%. Trước đây, vào tháng 12-2007, tức là khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu, thì xác suất xảy ra được dự đoán là 38%.

Suy thoái kinh tế thường xảy ra khi trước đó nhiều điều kiện đã vượt quá mức bình thường (excesses). Điều này nếu nhìn lại các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 dường như quá thoải mái đã khiến cho bảng cân đối tài sản của các ngân hàng trung ương tăng chóng mặt: của Fed là gần 9.000 tỉ đô la Mỹ, của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 9.400 tỉ đô la Mỹ và của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là 5.500 tỉ đô la Mỹ, tổng cộng là 23.800 tỉ đô la Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp được nhiều lợi thế khi cung cấp các hàng hóa, dịch vụ trong giai đoạn phong tỏa sẽ phải đối mặt với doanh thu giảm, biên lợi nhuận giảm mạnh khi các chính sách hỗ trợ cũng như hạn chế đi lại không còn nữa. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã được hưởng lợi trong hai năm vừa qua như đồ dùng trong nhà, thiết bị điện tử sẽ có nhiều khó khăn trong năm 2022 này.

Sự vượt mức bình thường còn ở giá nhiều loại tài sản khác nhau, từ chứng khoán đến bất động sản, tiền mã hóa, và cũng chính vì vậy mà có đợt giảm giá mạnh trong những tuần gần đây. Chẳng hạn như chỉ số S&P 500 đã vào vùng giá “con gấu” – giảm hơn 20% so với thời điểm đầu năm.

Cần chuẩn bị gì nếu suy thoái sắp đến?

Vì nền kinh tế có tính chu kỳ nên sau giai đoạn tăng trưởng (expansion) một thời gian nào đó thì phải đến giai đoạn suy thoái (contraction). Nếu nhiều dấu hiệu tiêu cực xuất hiện từ các chỉ số sản xuất, tồn kho, biên lợi nhuận của doanh nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp, tín dụng thắt chặt, chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng… thì xác suất xảy ra suy thoái là rất cao.

Vẫn còn những khe hẹp để có một cú hạ cánh mềm: lạm phát được kiểm soát và giảm xuống từ từ, chính sách tiếp tục hỗ trợ những công ty lành mạnh thay vì các công ty zombie, một giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc chiến Nga – Ukraine, và Trung Quốc sớm nối lại các hoạt động kinh tế một cách bình thường.

Khi đó, chỉ những doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị để tồn tại được thì mới hồi sinh và phát triển mạnh ở chu kỳ tiếp theo. Lịch sử đã cho thấy những doanh nghiệp chủ động cắt giảm quy mô, kiểm soát hiệu quả chi phí, duy trì được biên lợi nhuận tối thiểu, là những doanh nghiệp vượt qua được suy thoái thành công.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thì đây là một giai đoạn có biên độ dao động lớn, thị trường có thể giảm rồi tăng rồi giảm bất ngờ. Và vì vậy sẽ rất rủi ro cho những ai muốn bắt đáy một lần (all-in) hay mua bán liên tục. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư đã xác định cho mình một kế hoạch dài hạn thì việc mua trung bình giá hay mua một cách có hệ thống thường mang lại kết quả tốt.

Điều chỉnh danh mục theo hướng phòng vệ cũng là một kinh nghiệm giúp được nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn trước và trong suy thoái. Muốn vậy, cần có sự đa dạng của danh mục ở nhiều loại tài sản khác nhau, và ưu tiên chất lượng của tài sản. Ví dụ như các loại trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và có tỷ lệ cổ tức tiền mặt ổn định.

Mặc dù xác suất xảy ra một cuộc suy thoái lúc này đang ở mức cao nhưng vẫn còn những khe hẹp để có một cú hạ cánh mềm. Đó là lạm phát đã được kiểm soát và giảm xuống từ từ, chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương tiếp tục hỗ trợ những công ty lành mạnh thay vì các công ty zombie (công ty “xác sống”- cần tiền cứu trợ để có thể hoạt động hoặc chỉ trả được lãi chứ không trả nổi nợ gốc), một giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc chiến Nga – Ukraine, và Trung Quốc sớm nối lại các hoạt động kinh tế một cách bình thường.

TS. Võ Đình Trí


TBKTSG

Chia sẻ Facebook