Nếu một ngày tài khoản chứng khoán ''bốc hơi'' cả tỷ đồng, đừng buồn vì có những người đã mất hàng chục nghìn tỷ...!
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, tài sản của các tỷ phú Việt đã ''bốc hơi'' tổng cộng 67.803 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD.
Ngày 25/4/2022 chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam kể từ tháng 1/2021, được xem như ngày ''thứ Hai đen tối''. Trong phiên, có lúc VN-Index rớt gần 80 điểm, thủng mốc 1.300 điểm - mức giảm kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, xét theo giá trị tuyệt đối.
Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư than trời, trách mình, trách thị trường, xin rút khỏi chứng khoán bởi thị trường quá khốc liệt. Còn với các tỷ phú Việt, số liệu thống kê cho thấy, 3 tỷ USD giá trị tài sản ròng đã bị ''thổi bay'' kể từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng ''bay hơi'' 41.751 tỷ, tương đương 20% tổng tài sản tính đến ngày 24/4. Năm 2021, người đứng đầu Vingroup vẫn còn sở hữu hơn 210.000 tỷ đồng. Cổ phiếu VIC cũng không thoát khỏi đà giảm với thị giá đóng cửa ngày 25/4 là 76.200 đồng/cp, giảm 1,5%.
''Chia tay'' 12% tài sản, Chủ tịch Hòa Phát thiệt hại 5.690 tỷ đồng. Tính đến 2021, ông Trần Đình Long sở hữu 54.121 tỷ đồng nhưng đến ngày 24/4 chỉ còn 47.531 tỷ đồng. Trong phiên 25/4, cổ phiếu HPG có lúc rơi sâu đến 6,96%, đóng cửa ở mức 40.750 đồng/cp.
Nắm trong tay 44.844 tỷ đồng năm ngoái, đến nay tỷ phú Hồ Hùng Anh cũng chỉ còn 36.519 tỷ đồng, mất 19% tài sản. Sở hữu cả cổ phiếu TCB và MSN, tiền của vị tỷ phú gốc Huế này đồng loạt ''bay'' do cả hai cổ phiếu này đều giảm mạnh trong phiên 25/4 với lần lượt 3.05% và 7,3%.
Tương tự, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng mất 8.216 tỷ đồng do biến động giá cổ phiếu MSN và TCB, tương đương 19% tài sản. Hiện ông còn 35.981 tỷ đồng.
Đáng chú ý, là người phụ nữ duy nhất trong danh sách tỷ phú nhưng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo lại trụ vững nhất khi thất thoát vỏn vẹn 1% trước diễn biến nóng của thị trường. Bà đang cầm chắc 28.253 tỷ đồng. Mã VJC kết phiên ngày 25/4 ở mức 131.000 đồng/cp.
Lần đầu góp mặt trong danh sách tỷ phú năm nay, ông Bùi Thành Nhơn mất 2.919 tỷ đồng khi cổ phiếu NVL giảm xuống còn 80.100 đồng/cp phiên ngày 25/4, tương đương giảm 12% tài sản.
Về tỷ phú Trần Bá Dương, do không góp mặt trên sàn chứng khoán nên ông không nằm trong danh sách thống kê này.
Ngoài ra, tuy không nằm trong danh sách tỷ phú của Forbes, nhưng trong top 10 người giàu nhất TTCK Việt còn ghi nhận hai gương mặt có tài sản biến động mạnh nhất trong thời gian qua, đó là ông Nguyễn Văn Đạt (top 7 - mất 3.200 tỷ, tương đương 11% tài sản), ông Nguyễn Đức Thụy (top 13 - mất 9.601 tỷ, tương đương 38% tài sản),...