Nếu minh bạch hóa chính sách thì tham nhũng sẽ khó tồn tại?
Tôi thật hú vía và cũng đã thở phào nhẹ nhõm khi vụ bê bối chuyến bay giải cứu bị phơi bày ra những "ung nhọt" bên trong của nó.
Tự nhìn lại, chỉ suýt chút nữa, tôi đã có bài ca ngợi một chủ trương tưởng là rất nhân văn của chúng ta khi Nhà nước ta quyết định tổ chức 200 chuyến bay giải cứu hàng trăm ngàn đồng bào mình ở nước ngoài được trở về Tổ quốc lúc đại dịch CoVid-19 xảy ra nghiêm trọng. Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ hơi ngượng với bạn đọc .
Khi đó, tôi theo dõi trên thế giới thì có vẻ không nước nào họ làm như chúng ta đã làm. Thật may là vì tôi không có điều kiện đến thẳng các cơ quan Nhà nước để tìm hiểu các văn bản hoặc chủ trương sâu xa về sự vụ giải cứu này bởi tôi nghỉ hưu cũng đã lâu. Các mối quan hệ cũ gần như không còn mấy nên hơi gặp khó. Nếu viết thì rất dễ một chiều...
Thế rồi, có một người bạn của tôi, anh T.N. công tác tại Bộ Ngoại giao. Anh đã bày tỏ những điều bất ổn xung quanh một chủ trương rất nhân đạo nói trên với góc nhìn của người trong cuộc với tôi.
Nó khiến tôi cũng giật mình.
Số là chúng tôi quen biết với nhau cũng từ vài chục năm trước, vì bức xúc mà không biết thổ lộ cùng ai chăng nên anh T.N có gọi cho tôi, một nhà báo về hưu để thông tin. Âu có lẽ cũng chỉ là để trút bầu tâm sự nhưng mà anh không ngại tôi viết bài "bóc mẽ" nội bộ bên anh vì anh biết tôi khá rõ.
Chính anh đã giúp tôi "cảnh giác" hơn qua câu chuyện rất nóng này ngay từ hồi đó.
Tôi cũng nhờ vậy mà không viết bài tán dương cái chủ trương tưởng như thấm đẫm tính đồng loại nói trên. Anh T.N. cho tôi biết, trong vụ này có một cái sai mà từ đó bắt đầu sai mọi thứ. Nhưng lại không ai nói ra và chắc cũng ít người nghĩ tới.
Theo anh thì cả thế giới khi đó hầu như họ không tổ chức các chuyến bay giải cứu. Thế thì tại sao Việt Nam lại tổ chức" bay giải cứu?"
Tôi thì tôi nhớ, nó bắt đầu có lẽ là những chuyến bay sát vùng tâm dịch khi đó tại Trung Quốc và Hàn Quốc nếu tôi không nhầm. Sau đó là một số quốc gia khác nữa...
Anh T.N. kể tiếp : Em đã đề nghị ( anh T.N khi đó cũng là lãnh đạo cấp vụ của Bộ) nên cho máy bay thương mại chở bình thường và chỉ hạn chế số lượng người nhập cảnh tuỳ theo sức chứa ( tức khả năng tiếp nhận tại các khu cách ly) mà các các cơ sở y tế chúng ta theo dõi, quản lý.
Theo anh," một khi có chuyện giải cứu thì sẽ sinh ra cơ chế để người ta xin- cho. Không có chuyện bị người ta lợi dụng cơ chế này thì đó mới là lạ. Chính em ngay từ đầu đã phản đối. Thế nhưng tiếng nói ấy đã trở nên lạc lõng. Rất tiếc là lẽ ra Bộ Ngoại giao phải hiểu rõ điều này rồi tư vấn cho Chính phủ ra quyết sách như các nước thì ngược lại, họ không làm. Vì thế, lỗi lớn nhất vẫn thuộc về Bộ Ngoại giao. Trong một số cuộc họp, em cũng bày tỏ quan điểm, thậm chí nhắn tin trình bày thêm với Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhưng ông ấy không tán thành.
Sau này khi cơ sự xảy ra, đọc cáo trạng về vụ việc trên thì em đã hiểu vì sao quan điểm của một số người trong bộ khi ấy đã không được đồng tình, lắng nghe ... "
Mới đây, khi Toà án vừa đưa vụ này ra xử, tôi chủ động chat với anh như để nhớ lại những tâm sự của anh từ vài năm trước đó vì thấy nó khá chuẩn. Thế là anh có dịp để trả lời tôi rằng "Chủ đề này hay đấy, nhà báo viết đi ! Bây giờ là lúc nói để tránh những việc tương tự cho sau này . Còn lúc đấy em chỉ cười. Cười với người dửng dưng tự đắc, ngạo nghễ, cười với sự ngu dốt và cười với sự bất lực của chính mình. Đến khi có các chuyến bay combo, chính em đã nhắn tin cảnh báo ông Tô Anh Dũng là cái này rồi sẽ mang tiếng Bộ Ngoại giao. Nhưng ai ngờ Tô Anh Dũng cũng ăn đậm nên làm sao mà nghe em can gián!".
Trở lại sự vụ chúng ta sẽ càng thấy rất rõ cái tai hại của cơ chế xin- cho khi dịch đang bùng phát nặng mà vaccine thì chưa có. Ai cũng lo kiếm việc để nuôi nhau, nhất là khi thấy có một chính sách hấp dẫn vừa ban hành thì doanh nghiệp rất khó bỏ lỡ thời cơ ...
Ông Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An trình bày trước Toà hôm 12/7 rằng, Công ty ông phải sau 8 lần thất bại vì bị Cục Lãnh sự luôn làm khó mà không giải thích lý do. Mãi đến lần thứ 9 công ty ông ta mới được cấp phép" chuyến bay giải cứu" đầu tiên. Sở dĩ nó suôn sẻ cũng do ông Thắng đã "bắt đúng mạch", biết được các doanh nghiệp như ông nếu "đi dưới gầm bàn" thì giành được giấy phép. Ông Thắng đã buộc phải chi 600 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.
Nhờ có cách biết "bôi trơn" nói trên mà các doanh nghiệp nào tinh, khôn sẽ giành suất thuê tàu bay rồi tìm người có như cầu trở về đất nước.
Kẻ có cái quyền cho ấy từ đó bắt đầu sinh chuyện hư đốn kiểu như bên Bộ Y tế, được cựu thư ký Kiên đánh tiếng rằng Thứ trưởng của ông ta đã ký. Cứ chuyển tiền đi thì sẽ đóng dấu ", như một số bộ, địa phương khác...
Ác nhất là nếu doanh nghiệp nào mà không chi tiền hối lộ ngay thì đến sát ngày bay họ mới được thông báo. Vậy thì khách bay vô cùng bị động trong khi họ đã tạm ứng 3-4 tỷ đồng trước cả 30 ngày thì mới có được một chuyến bay mà họ đã thuê trọn gói...
Từ một vài ví dụ ta được nghe tại phiên toà này càng cho thấy một bất cập đã hiển hiện ngày đó. Họ vô cùng cay đắng, bất đắc dĩ mới phải làm. Đó là các doanh nghiệp, doanh nhân luôn là đối tượng bị các cơ quan công quyền “hành là chính”. Họ cố gây khó dễ để lấy lý do mà" chặt chém" các doanh nghiệp càng nhiều càng tốt.
Ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao, một chính khách được đào tạo đầy đủ về chuyên môn ngoại giao cũng như chính trị, luật pháp. Vậy mà ông vẫn có sự "ngây thơ" đến lạ lùng khi cho rằng cứ nghĩ nhưng phong bì đó chỉ là quà cáp cho mình kiểu" trả ơn" chứ không nghĩ đó lại là tiền hối lộ(!).
Ông ta từng nhận tiền doanh nghiệp trong nội vụ này những... 37 lần, tổng cộng là 21,5 tỷ đồng của 13 doanh nghiệp trong suốt thời gian chúng ta thực hiện các chuyến bay giải cứu trong đại dịch Covid-19 thì... còn gì để nói.
Trong số tiền đó, người ta hối lộ cho ông bằng nhiều kiểu mà thuộc cấp cấp của ông đã bắt ép người dân "cống nộp". Chuyện đau xót đến nghẹn lòng nhất chắc phải kể đến vụ việc công dân Việt Nam chấp nhận nộp tiền tại Cơ quan Đại sứ quán ta tại Malaysia hầu được về nước .
Gần 1.900 công dân Việt Nam trước đó bị nước sở tại bắt giam. Do dịch bệnh, chính quyền nước Bạn đành thả ra, cho ta đưa về nước. Họ chính là những bà con từng vi phạm pháp luật nước sở tại. Họ bị bắt giữ do đi đánh bắt cá ngoài biển Đông rồi lỡ hoặc cố ý vi phạm vùng khai thác biển của họ; là người Việt Nam sang lao động bất hợp pháp, không có giấy tờ tuỳ thân; là những cô gái sang bên đó làm nghề “nhạy cảm”- cách gọi của ông Trần Việt Thái khai trước tòa.
Rồi những ai không còn Hộ chiếu trong tay để trở về nước thì còn phải nộp cho Đại sứ quán của ta bên đó 4,6 triệu đồng để được cấp Hộ chiếu mới thì mới có thể làm thủ tục xuất nhập cảnh là càng thêm xót xa bội phần ...
Nghe những thông tin này, tim chúng ta không thể không nhói đau bởi những cách nghĩ để kiếm ăn bất chất đạo lý, lương tâm này.
Chống tham nhũng chúng ta đã quyết liệt thì sẽ khiến nhiều kẻ tham lam khiếp sợ, không dám tham những. Thế nhưng xem ra vài năm qua họ vẫn không hề biết sợ. Phải chăng hình phạt của luật pháp vẫn chưa đủ sức răn đe. Phải chăng vì hạn chế án tử hình nên khiến những kẻ tham lam sẵn sàng nảy sinh tư tưởng "hy sinh đời bố củng cố đời con", coi đó như một phương pháp làm giàu bất chấp lương tâm, đạo đức của người cán bộ nhà nước ? Đã đến lúc phải nhìn lại vấn đề này trên nhiều bình diện chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm tẩy trừ làm sao để tránh bị lờn thuốc ...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.