Nếu lịch sử là ‘kịch bản’, thì đâu là ‘cao trào’ cuối cùng? – Trung Hoa văn minh sử tập 5 (2)

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:24:34

Khi nghiên cứu lịch sử các dân tộc có 3 sự trùng hợp được khái quát thành 6 chữ: Nguồn gốc, Giáo huấn và Hy vọng. 

‘Nguồn gốc’ là chuyện Thần dùng đất bùn tạo người, ‘Giáo huấn’ là đại hồng thuỷ. Còn ‘Hy vọng’ là ‘Thần sẽ quay lại’, khoảng thời gian này chính là ‘cao trào cuối cùng’ bởi vì sẽ xảy ra một cuộc chiến phân định chính – tà.

Trọn bộ Trung Hoa văn minh sử

Sự trùng hợp của lịch sử

Là một người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã phát hiện rất nhiều sự trùng hợp. Nếu dùng xác suất để tính toán, chúng ta sẽ phát hiện rằng những điều ấy quả là khó tin. Ví như những nhà tiên tri hay những bậc Giác Giả đặt định cơ sở văn minh cho lịch sử nhân loại mà chúng ta gọi là ‘Phật’ hay ‘triết học gia’, họ hầu như đều sinh ra cùng thời đại.

Những năm cuối thời Xuân Thu xuất hiện Lão Tử đặt định học thuyết Đạo gia, sau đó xuất hiện Khổng Tử đặt định học thuyết Nho gia, gồm cả Tôn Tử thuộc Binh gia v.v. họ đều là những người cùng thời đại. Cũng trong thời này, tại tiểu lục địa Ấn Độ đã xuất hiện Phật Thích Ca Mâu Ni, sau đó ở địa khu Trung Đông xuất hiện Kinh Cựu ước, tiếp đó thời Hy Lạp cổ đại xuất hiện Socrates.

Văn minh mà chúng ta thấy hiện nay, tức văn minh xã hội nhân loại này trên cơ bản có 2 thể hệ (hệ thống). Một là thể hệ văn minh Trung Hoa, chính là 3 trường phái tư tưởng hoặc triết học lớn nâng đỡ nền văn minh Trung Hoa gồm Nho gia, Phật gia và Đạo gia; gọi tắt là Nho – Thích – Đạo. Chúng ta thấy rằng Khổng Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử đều là người cùng thời đại.

Còn văn minh phương tây là phát triển từ văn minh Hy Lạp cổ đại. Nền văn minh này có ‘Tam triết’, tức 3 triết gia nổi tiếng là Socrates, Plato và Aristotle; một số người gọi tắt là SPA. Aristotle là học trò của Plato, còn Plato là học trò của Socrates. Đồng thời phương tây còn có một thể hệ tín ngưỡng đó là Cơ Đốc giáo. Sách ‘Cựu ước toàn thư’ cũng nằm trong thời đại này.

Phần đóng trong khung đỏ lần lượt là các tượng của: Socrates, Plato và Aristotle.

Vì sao trong cùng một thời đại nhưng ở địa khu khác nhau lại xuất sinh những nhân vật vĩ đại khác nhau, lưu cấp cho nhân loại những kinh điển bất hủ để trở thành nền tảng cho các nền văn minh lớn khác nhau? Bản thân điều này là một sự trùng hợp.

Do đó các học giả phương đông/Trung Quốc liệt kê những hiện tượng này, và gọi thời kỳ ấy là thời đại ‘nguyên điển’ (元典: kinh điển đầu tiên), chính là xuất hiện kinh điển văn hoá các dân tộc khác nhau. Người phương tây gọi đó là thời đại ‘trục tâm’ (軸心: cốt lõi). Những kinh điển vĩ đại nhất của các nền văn minh khác nhau đều xuất hiện vào thời kỳ này. Liệt kê những sự việc trùng hợp như vậy rất nhiều.

Những kinh điển của thời đại ‘nguyên điển’ và thời đại ‘trục tâm’.

Giáo sư Chương kể thêm rằng, thời Hy Lạp cổ đại xuất hiện một loạt các nhà triết học thì cùng lúc đó là thời kỳ Chiến Quốc xuất hiện ‘bách gia tranh minh’ (trăm nhà đua tiếng). Khi ấy Tề Uy Vương đã xây Tắc Hạ học cung ở đô thành Lâm Truy, tương đương với trường đại học.

Sau đó các vị trong Tắc Hạ học cung như: Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, Công Tôn Long Tử của Danh gia, Mặc Địch của Mặc gia v.v. biện luận về chủ trương của họ. Khi ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều triết học gia, thì ở phương tây cũng xuất hiện hàng loạt các nhà triết học. Đây lại là sự trùng hợp.

Lấy ví dụ về sự thống nhất, năm 221 TCN Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, thì A Dục Vương cũng thống nhất tiểu lục địa Ấn Độ cổ. Một bên là thống nhất Trung Nguyên, một bên là thống nhất khu vực Nam Á. Đây cũng là sự trùng hợp.

Sau đó Hán Vũ Đế nhà Đại Hán mở rộng lãnh thổ, thì có quốc gia huy hoàng cùng tồn tại với nhà Hán đó là Đế quốc La Mã. Khi Đại Hán mở rộng lãnh thổ thì Đế quốc La Mã cũng khuếch trương cương vực.

Cương vực của Đại Hán và Đế quốc La Mã.

Chúa Giê-su đản sinh năm thứ nhất Công nguyên, sau đó Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá khoảng 30 tuổi, thì khoảng năm 67 SCN là Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc. Đây là thời kỳ vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển văn minh và lịch sử tư tưởng.

La Mã cổ đại là đế quốc vô cùng huy hoàng, sau đó bị diệt vong do sự xâm lược của tộc Man (tộc người chưa được khai hoá). Thời kỳ ấy ở Trung Quốc là nhà Tây Tấn vốn thuộc về văn hoá Hán. Sự diệt vong của vương triều này là do Hung Nô xâm chiếm. Sau đó Trung Quốc bước vào thời kỳ tranh hùng của các tộc thiểu số phương bắc, lịch sử gọi là ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’.

Khi Đại Hán khuếch trương cương vực thì La Mã cổ đại cũng mở rộng lãnh thổ, sau đó Đại Hán quy về Tây Tấn rồi rơi vào giai đoạn ‘Ngũ Hồ loạn Hoa’ thì La Mã cổ đại cũng bị tộc thiểu số xâm chiếm. Do đó sự hưng khởi (trỗi dậy) và suy tàn của hai Đại quốc này là gần như đồng thời. Đây cũng là sự trùng hợp rất quan trọng.

Sau đó chúng ta thấy rằng, khi châu Âu xuất hiện Thời kỳ Phục Hưng, thì ở Trung Quốc xuất hiện rất nhiều nhà viết kịch và nhà văn vĩ đại, giống như ‘Nguyên khúc Tam đại gia’, sự hưng khởi của hội hoạ do văn nhân vẽ thời Tống Nguyên, hay Tứ đại danh tác: Thuỷ hử, Tam quốc diễn nghĩa, Tây Du Ký, Hồng lâu mộng. Khi xuất bản Tây Du Ký thì đại văn hào Shakespeare còn sống ở Anh. Vì thế Văn nghệ Phục Hưng cùng thời đại với thời kỳ phồn vinh về văn nghệ ở Trung Quốc.

Sau đó vào thời Minh Thành Tổ, Trịnh Hoà ‘hạ tây dương’ (đi về biển phía tây như Ấn Độ…), thời kỳ này rất gần với ‘đại hàng hải’ ở phương tây. Khi đó Trịnh Hoà 7 lần ‘hạ tây dương’, ông vừa mới dừng lại thì ‘đại hàng hải’ của phương tây bắt đầu với việc phát hiện lục địa mới, Ma-gien-lăng vòng quanh thế giới v.v. Sự việc này hầu như xuất hiện cùng thời đại.

Tranh vẽ Trịnh Hoà trong phần đề-mô Tiếu đàm phong vân tập 5: Đại Minh vương triều.

Khi ở Trung Quốc xảy ra Đại Cách mạng văn hoá, tức có thái độ phủ định và đập phá văn hoá truyền thống, và những cuộc vận động đường phố; thì ở phương tây có phong trào phản chiến. Khi ấy ở phương tây xuất hiện những người Hippie tôn sùng giải phóng tình dục, chơi nhạc rock, để tóc dài, ngồi trong xe ôm đàn ghita hát v.v. Thời kỳ đó rất giống với một chuỗi sự kiện xảy ra ở Trung Quốc.

Những bức ảnh thời Đại Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc và phong trào phản chiến ở phương tây.

Do đó chúng ta thấy rằng, cùng một khoảng thời gian, phương đông xuất hiện đại sự thì phương tây cũng xuất hiện đại sự. Những sự việc này nếu dùng ‘trùng hợp’ để giải thích thì không có cách nào nói cho thông, đây lại giống như câu chuyện Địch Thanh tung 100 đồng xu để ra được cùng một mặt vậy. Vậy nên Giáo sư Chương nhìn nhận, đằng sau những sự ‘trùng hợp’ này nhất định có nguyên nhân.

3 sự trùng hợp: Nguồn gốc, Giáo huấn, Hy vọng. Khoảng thời gian ‘Hy vọng’ là ‘cao trào’ cuối cùng

Còn có 3 sự trùng hợp nữa mà Giáo sư Chương khái quát bằng 6 chữ đó là: Nguồn gốc, Giáo huấn và Hy vọng.

Đầu tiên Giáo sư Chương nói về Nguồn gốc. Trên thực tế xã hội nhân loại có rất nhiều dân tộc khác nhau lại lưu truyền 3 truyền thuyết giống nhau. Thứ nhất là truyền thuyết ‘đất bùn tạo người’.

Chúng ta biết rằng trong Thánh Kinh giảng Giê-hô-va dùng đất bùn tạo người, ở Trung Quốc cũng có giảng Nữ Oa dùng đất bùn tạo người, rất nhiều địa phương trên thế giới như Nam Phi, Trung Đông, thậm chí cả Nam Mỹ… đều có truyền thuyết này.

Một số người có thể nói rằng: bởi vì con người cần trồng lương thực hoặc ăn hoa quả, đây chẳng phải đều từ đất mà lớn lên sao? Người ta cho rằng đại địa là mẹ của con người, nuôi dưỡng con người, chết rồi cũng quay về đất, nên họ nói rằng con người là từ bùn đất.

Nhưng Giáo sư Chương đưa ra một phản biện: nếu dùng cách giải thích như trên, thì thực tế chỉ ra rằng, người Hy Lạp cổ đại nên tạo ra từ… nước biển, bởi vì Hy Lạp cổ đại là nền văn minh hải dương, một số đảo bị nước vây quanh, nhưng tại sao người Hy Lạp cổ đại không nói là ‘nước biển tạo người’?

Là người am hiểu lịch sử văn hoá, Giáo sư Chương giải thích rằng: người Hy Lạp cổ đại cũng nói rằng Thần Prometheus dùng đất bùn tạo người. Các dân tộc khác nhau đều lưu truyền những câu chuyện tương tự.

Điều này có gì đặc biệt? Đặc biệt ở chỗ: thời cổ đại, con người không có giao lưu với nhau, nhưng các dân tộc đều lưu truyền cùng một truyền thuyết, do đó bản thân điều này là một hiện tượng rất kỳ lạ. Đây là điểm giống nhau trong truyền thuyết giải thích về ‘Nguồn gốc con người’ trong các dân tộc khác nhau.

Điều trùng hợp thứ hai chính là ‘Giáo huấn’, tức là bài học giáo huấn. Các dân tộc khác nhau đều lưu lại ký ức giống nhau, đó là trận ‘đại hồng thuỷ’. Ở Trung Quốc có ‘Đại Vũ trị thuỷ’, trong Thánh Kinh có con thuyền Noah.

Có người từng căn cứ theo lịch Do Thái mà suy tính ra rằng: đại hồng thuỷ xảy ra vào thời Nghiêu (Nghiêu trong Nghiêu Thuấn Vũ). Thời kỳ ấy ‘hồng thuỷ hạo thiên’ (hồng thuỷ ngập trời), điều này được ghi chép lại trong rất nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc: từ thời Nghiêu đã bắt đầu có đại hồng thuỷ.

Thời kỳ đó ở phương tây cũng xảy ra đại hồng thuỷ. Điều này trông có vẻ là sự trùng hợp, nhưng các nhà khoa học, nhà khảo cổ, nhà sử học đã phát hiện trong các sách cổ hoặc kinh điển khác nhau trên toàn thế giới có 170 truyền thuyết như thế, chính là truyền thuyết liên quan đến đại hồng thủy, gồm cả sử thi ‘Gilgamesh’ của Babylon cổ đại. Nhiều dân tộc đều có lưu lại ký ức liên quan đến đại hồng thuỷ.

Chúng ta biết rằng sau đại hồng thủy hầu như văn minh toàn thế giới đều bị quét sạch, ‘một chiêu tận hết’, nhưng con người vẫn nhất mực ghi chép lại sự kiện đó. Các nền văn minh khác đã không còn nhớ những gì như: cách xây nhà, viết chữ, chế tạo thiết bị cơ giới v.v. nhưng mọi người đều lưu lại câu chuyện ‘đất bùn tạo người’ và ‘đại hồng thuỷ’. Tại sao như vậy?

Là một người có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương nhìn nhận 2 điều này vô cùng vô cùng quan trọng đối với tương lai con người, từ đó đưa đến sự ‘trùng hợp’ thứ ba.

Các dân tộc khác nhau lưu truyền một truyền thuyết giống nhau, đó là: đến một ngày ‘Thần sẽ quay lại’. Chúng ta biết rằng trong Kinh Phật giảng rằng: đến một ngày Chuyển Luân Thánh Vương sẽ quay lại. Khi nào Ngài ấy quay lại? Chính là khi hoa Ưu Đàm Bà La khai nở, Chuyển Luân Thánh Vương sẽ quay lại, đây là truyền thuyết trong Kinh Phật, đến lúc đó sẽ có Giác Giả quay lại.


Các Pharaon Ai Cập đã làm thi thể họ biến thành xác ướp, họ cũng đang đợi Thần quay lại để đánh thức họ. Trong Thánh Kinh có giảng về ‘Thẩm phán cuối cùng’, đến lúc đó Cứu Thế Chủ (Chúa Cứu Thế) Messiah sẽ quay lại, nhưng TRƯỚC ĐÓ SẼ CÓ TRẬN CHIẾN CHÍNH TÀ . Điều này trong Thánh Kinh Khải Huyền giảng rất rõ, Thượng Đế sẽ thẩm phán (phán xét) con người, những ai ‘đứng cùng hàng ngũ với ma quỷ’ (1) sẽ bị Thượng Đế ném vào hố lửa lưu huỳnh, còn những người tốt sẽ quay về Thiên quốc.

Người Maya ở khu vực Trung và Nam Mỹ có lưu lại 13 chiếc đầu lâu thuỷ tinh. Dùng khoa học kỹ thuật hiện đại căn bản không có cách nào mài được những thứ như thế này. Những ‘Đại tế tự’ tức thầy tế tự người Maya đã dùng phương pháp của họ để cố gắng khôi phục lại thông điệp mà những chiếc đầu lâu truyền tải cho con người, họ phát hiện nội dung chính là: đã đến lúc Thần quay lại.

Chúng ta thấy rằng các dân tộc khác nhau đều lưu truyền 3 truyền thuyết giống nhau đó là:

Nguồn gốc: đất bùn tạo người. Giáo huấn: đại hồng thuỷ. Hy vọng: Thần sẽ quay lại.

Tại sao lại phát sinh đại hồng thuỷ tiêu diệt con người? Tại sao Giáo sư Chương gọi điều này là Giáo huấn? Giáo sư Chương giải thích rằng, trong Thánh Kinh giảng: Khi đó Thần thấy đạo đức con người bại hoại, nên đã hối hận tạo ra con người. Thế là Giê-hô-va nói ông muốn làm đại hồng thuỷ huỷ diệt thiên hạ. Vì đạo đức bại hoại nên tạo thành việc con người bị huỷ diệt, sau đó mọi người đều đang chờ Thần sẽ quay lại.

Trong quá trình dài đằng đẵng mấy nghìn năm, dù nhân loại trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, thống khổ; bao nhiêu lần văn minh bị huỷ diệt, những thay đổi cự đại; nhưng con người vẫn nhớ rõ 3 sự kiện. Thứ nhất, con người là do Thần tạo; thứ hai, nếu làm không tốt sẽ bị Thần trừng phạt hoặc thậm chí tiêu hủy; thứ ba, con người nhất định phải làm tốt để chờ Thần quay lại, điều này giống như trong Thánh Kinh nói rằng: ‘Thiên quốc rất gần, chỉ là bạn muốn hối cải hay không’.

Trên thực tế truyền thuyết thứ ba đưa đến cho chúng ta một vấn đề rất khó giải thích. Là vấn đề gì? Nếu có một ngày Thần quay lại, ví như trong Phật giáo nói Chuyển Luân Thánh Vương sẽ quay lại, Cơ Đốc giáo nói Thượng Đế sẽ quay lại, các dân tộc khác nhau đều giảng Thần của họ sẽ quay lại… vậy thì: những vị Thần đó cùng đến đây như đã hẹn, hay là có vị trước vị sau? Đây là điều mà chúng ta cảm thấy rất khó nói.

Bởi vì Thần của mỗi dân tộc đều nói họ là vị Thần duy nhất. Ví như khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, Ngài chỉ một tay lên trời một tay xuống đất và nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, tức là không thừa nhận những cái khác. Còn Giê-hô-va cũng giảng “Ta là Thần duy nhất của các ngươi”. Cho nên đến lúc ấy, nếu quay lại một nhóm Thần, thì mọi người khẳng định sẽ bối rối, không biết nên tin ai.

Từ thắc mắc trên, Giáo sư Chương đã dùng cách ‘chứng minh phản chứng’ để đưa ra góc nhìn của mình như sau.

Nếu Thần có vị đến trước có vị đến sau thì cũng không được. Ví như nếu vị Thần đến đây là Giê-hô-va, thì khẳng định người dân toàn thế giới sẽ tin Giê-hô-va. Vậy thì khi Chuyển Luân Thánh Vương đến thế gian thì phải làm thế nào? Do đó vấn đề này Giáo sư Chương lý giải rằng: chỉ có một vị Thần đến. Vị Thần này có đầy đủ quyền uy, vinh diệu và năng lực, Ngài chính là Sáng Thế Chủ hoặc là Cứu Thế Chủ, hay Đức Chuyển Luân Thánh Vương – Vua của chư Phật, ‘vạn vương chi vương, vạn chủ chi chủ’.

Trên thực tế, chúng ta đang sống trong ‘thời đại phi thường’. Trong Kinh Phật giảng: Khi hoa Ưu Đàm Bà La khai nở thì Chuyển Luân Thánh Vương sẽ đến. Hoa Ưu Đàm Bà La không phải là hoa trên mặt đất, nó có thể mọc bất cứ đâu, trên ống thép hoặc ống nhựa, có thể xuất hiện bất cứ đâu.

Hoa Ưu Đàm Bà La mọc trên một nhánh cây khô. Ảnh chụp từ một video quay ngày 27/11/2020 ở toà nhà Bali 1, khu đô thị New City, quận 2, Sài Gòn do dịch giả cung cấp.

Theo truyền thuyết, Hoa Ưu Đàm Bà La là hoa trên Thiên giới, 3000 năm mới nở một lần. Trên thực tế, từ trước sau năm 2000, hoa Ưu Đàm Bà La đã ‘tranh nhau’ khai nở khắp nơi trên thế giới. Đây là báo trước sự quay lại của Chuyển Luân Thánh Vương. Rất nhiều các dân tộc khác nhau đều giảng, ví như người Maya nói khi tập hợp được 13 đầu lâu pha lê thì Thần sẽ quay lại, người Do Thái nói khi Israel phục quốc là đêm trước Ngày Thẩm phán, mà Israel phục quốc từ năm 1948 v.v.

Trong truyền thuyết của các dân tộc đều chỉ về thời đại chúng ta đang sống hiện nay là một thời đại vô cùng đặc thù. Dù mọi người có tin chuyện này được bao nhiêu, thì những người khác nhau, những dân tộc khác nhau đều có một cảm giác mơ hồ rằng Thần sẽ quay lại.

Vấn đề Giáo sư Chương giảng không phải là truyền giảng đạo hay tôn giáo. Con người có lý trí, có khao khát tìm kiếm chân lý, do đó những thông tin trên mọi người có thể xác nhận lại. Những điều trên có người tin, có người không thể, và cũng có người không dám tin. Nhưng dù tin hay không, thì trong tương lai không xa hoặc những năm tháng cuộc đời, chúng ta có thể thấy được điều này.

Sự phát triển của lịch sử, sự phát triển của văn minh Trung Hoa là chuẩn bị cho cao trào lịch sử. ‘Cao trào này là gì’, chúng ta phải hiểu được tính đặc thù của thời đại chúng ta đang sống, thì mới liễu giải được cao trào cuối cùng của lịch sử là gì.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, văn minh Trung Hoa là nền văn minh rất đặc thù. Khi các dân tộc khác bị đại hồng thuỷ huỷ diệt, những thứ của dân tộc khác đều không còn lưu lại chút gì, thì văn minh Trung Hoa lại bảo lưu được một bộ phận rất lớn.

Trong tai nạn ‘đất nứt trời sập’, trải qua những kiếp nạn như Hạng Vũ đốt cung A Phòng, hay đốt sách thời cách mạng văn hoá v.v. thì văn minh Trung Hoa vẫn còn lưu lại. Rốt cuộc là vì điều gì, văn minh Trung Hoa có những tải thể nào để vượt qua hạo kiếp, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.


Mạn Vũ

Chú thích:


(*) Ngoài những bức ảnh ghi chú chi tiết (có ngày tháng hoặc có nguồn) thì những bức còn lại được chụp từ Trung Hoa văn minh sử tập 5 : Sự trùng hợp của lịch sử.


(1) Hiện nay đã có gần 400 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Chia sẻ Facebook