Nếu được nâng hạng lên thị trường Mới nổi, thị trường vốn của Việt Nam sẽ ngang tầm với các nước nào trong khu vực Đông Nam Á?
Theo Investopedia, các quốc gia được xếp hạng là nền kinh tế thị trường Mới nổi là những nước có một số (nhưng không phải tất cả) đặc điểm của một thị trường phát triển.
Thị trường Mới nổi là gì?
Khi nền kinh tế thị trường Mới nổi phát triển thường trở nên hòa nhập hơn với nền kinh tế toàn cầu, thể hiện qua việc tăng tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường nợ trong nước, tăng khối lượng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, và sự phát triển của các tổ chức tài chính và pháp lý hiện đại trong nước.
Theo đó, các chuyên gia khác nhau phân loại các nền kinh tế thị trường Mới nổi theo những cách khác nhau. Mức thu nhập, chất lượng của hệ thống tài chính và tốc độ tăng trưởng là những tiêu chí phổ biến được sử dụng, nhưng các tiêu chuẩn đánh giá toàn diện của mỗi người có thể khác nhau.
Trên thế giới các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường Mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market).
Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones. Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như: mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn,...
Nguyên tắc chắc chắn là một nguyên tắc cơ bản khi các tổ chức xem xét để đưa ra quyết định nâng hạng hay hạ bậc thị trường. FTSE ghi rõ "các quốc gia không nên thay đổi xếp hạng thường xuyên, chỉ khi các tiêu chí đã được thỏa mãn và xác nhận trong một thời gian, và nhà đầu tư cần được báo trước về sự thay đổi", trong khi MSCI cũng chỉ quyết định nâng bậc thị trường nếu "việc thay đổi xếp hạng thị trường khó có thể đảo ngược".
Nếu được nâng hạng lên thị trường Mới nổi, Việt Nam sẽ ngang tầm với các quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á?
nếu được nâng lên thị trường Mới nổi, Việt Nam sẽ nằm cùng nhóm với các nước ở trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được tổ chức mới đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp để góp phần nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường Mới nổi góp phần thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ ban hành ngày 21/3/2022 vừa qua.
Theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%.
"Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ" - ông Zafer Mustafaeglu ví von và nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD. Theo đại diện WB, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả.
Theo Giang Anh
Nhịp Sống Kinh tế