"Nếu cho con điều ước, con ước có tiền chữa bệnh cho mẹ"
“Nếu cho con 3 điều ước, con sẽ ước có tiền chữa bệnh cho mẹ, có tiền mua gạo và có một chiếc xe đạp để đi học” - Đó là điều ước giản đơn của em bé mồ côi Y Quốc.
Bị cha mẹ ruột bỏ rơi khi vừa lọt lòng
Sáng 30/9, VTC News đăng tải bài viết “ Chú bộ đội con của đồn biên phòng Tuy Hòa ” kể về hoàn cảnh của cậu bé Lê Đức Thanh (13 tuổi, An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) mồ côi ba mẹ, được các chú bộ đội của Đồn biên phòng Tuy Hòa nhận nuôi.
Đọc câu chuyện của Thanh, ngay sau đó, một độc giả đã gửi tin nhắn về báo với nội dung: “ Mình mong muốn Đồn Biên phòng Tuy Hòa nhận đỡ đầu cho bé Y Quốc tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên.
Bé năm nay 13 tuổi là con nuôi người dân tộc, hiện tại mẹ nuôi bé đang ốm rất nặng mà bé không có anh em nên mong muốn bé được đồn nhận về nuôi cho ăn học nếu không bé sẽ bỏ học giữa chừng không biết cuộc sống sau này sẽ như thế nào.
Mong Quý báo làm cầu nối để bé có cuộc sống tốt hơn khi mẹ nuôi mất đi”.
Ngay trong buổi chiều 30/9, tôi và 2 anh chị trong nhóm thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên đã vượt 60 km từ Tuy Hòa lên đến nhà Y Quốc.
Vượt qua những con đường đất đá ngoằn ngoèo, căn nhà nhỏ nơi Y Quốc ở hiện ra cũ nát, lọt thỏm cô đơn giữa những ruộng mía sắp đến kỳ thu hoạch.
Nền nhà ẩm thấp, 4 bức tường bong tróc nham nhở, ẩm mốc khiến người bước vào cảm thấy đôi phần ngột ngạt, khó thở. Trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ và những chiếc giấy khen được dán kín một mảng tường.
Trên chiếc nệm cũ rích đặt giữa nhà, một người phụ nữ nhỏ bé gầy còm nằm thiêm thiếp, khuôn ngực phập phồng những hơi thở nặng nhọc. Đó chính là mẹ nuôi của Quốc, bà đang ở những giây phút cuối cùng của 65 năm cuộc đời.
Quốc ngồi cạnh, đôi mắt đỏ hoe, bàn tay nhỏ chốc chốc lại vuốt ve bàn tay chỉ còn da bọc xương của người mẹ cả đời sống trong đau đớn bệnh tật.
Mời chúng tôi lại bàn uống nước, chị Hờ Bẻo (45 tuổi, em gái của mẹ nuôi Y Quốc) kể cho chúng tôi câu chuyện về cuộc đời nhiều bất hạnh của người phụ nữ sắp bị căn bệnh u não đánh gục và mối duyên khiến Quốc thành con trai của người phụ nữ Chăm.
Bà Hờ Cứu (65 tuổi, ở Dốc Cát, xã Sơn Hòa) sinh ra trong gia đình đông anh em. Nhà nghèo nên bà phải nghỉ học từ sớm, chỉ quanh quẩn ở nhà theo mẹ làm nông, làm mía cùng các anh chị.
Lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng thì duyên chưa tới, rồi anh chị em trong nhà lần lượt “ra riêng” mà bà Cứu vẫn sớm khuya lẻ bóng. Tuổi càng cao, khao khát về một gia đình riêng càng nhạt nhòa, bà Cứu quyết định ở vậy chăm lo cho mẹ già.
Cuộc sống êm đềm cứ thế diễn ra cho đến một ngày cuối tháng Chín của 13 năm trước. Bà Cứu bị bệnh cảm cúm mãi không dứt nên quyết định đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên khám chữa.
Trong lúc ngồi chờ đến lượt được gọi vào khám, một người phụ nữ trẻ tuổi lân la đến bắt chuyện và nhờ bà Cứu ẵm giùm đứa trẻ sơ sinh để đi mua thức ăn. Bà Cứu vui vẻ đồng ý.
Nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn mở mắt nằm ngoan trong lòng bàn tay bà, lần đầu tiên trong cuộc đời, người đàn bà hơn 50 tuổi dâng lên khát khao căn nhà nhỏ của mình có thêm tiếng bi bô trẻ nhỏ.
1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng… rồi 5 tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa thấy mẹ đứa bé quay lại. Em bé khát sữa khóc ngằn ngặt, bà đành bế chạy khắp các phòng, chạy ra cả ngoài khuôn viên bệnh viện những mong tìm thấy mẹ đứa bé.
Nhưng dù có lục tung mọi ngóc ngách, bóng người mẹ trẻ vẫn bặt vô âm tín. Lúc ấy, bà hiểu rằng, cô ta đã cố tình bỏ rơi đứa trẻ.
Nhìn khuôn mặt đáng yêu trong tay, nước mắt bà tuôi rơi, bà thương phận đời bất hạnh của bé, lại thấy mình may mắn vì "ông trời" đã để người phụ nữ kia trao cho bà một thiên thần đáng yêu. Nhưng lòng bà cũng muôn vàn mâu thuẫn bởi bác sĩ vừa thông báo bà bị bệnh thận và sẽ phải thường xuyên đến bệnh viện để chữa trị.
Gia cảnh bần hàn, lại mang bệnh “người giàu”, rồi giờ làm sao bà có thể chăm lo cho thêm một đứa trẻ? Ngắm cậu bé đang ngằn ngặt khóc vì thiếu sữa bỗng dưng im bặt và chúm chím cười, bỗng dưng trong bà xuất hiện một thứ tình cảm gắn kết đến kỳ lạ. Và, bà đã có quyết định của mình…
Gạt vội dòng nước mắt, bà bế theo đứa bé về nhà, rồi đi khai báo chính quyền và sau đó làm thủ tục nhận con nuôi trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bà con hàng xóm.
Do bà Cứu hay đau bệnh, hoàn cảnh lại khó khăn nên nhiều người khi biết tin về cậu bé bị mẹ bỏ rơi đã tìm đến, ngỏ lời xin được đưa về nuôi, bà Cứu nhất quyết lắc đầu. Bà nói cha mẹ đặt bà tên Cứu nên "ông trời" cho bà cứu đứa bé này. Bà đặt tên cho bé là Y Quốc, với ý nghĩa cầu cho “quốc thái dân an”.
Y Quốc lớn lên trong vòng tay của người mẹ nuôi ốm yếu, nhưng có tình yêu thương vô bờ. Từ khi được đồng ý nhận nuôi Quốc, một tay bà Cứu chăm sóc bé đầy đủ từ miếng ăn tới giấc ngủ. Nhiều lúc không đủ tiền mua sữa, bà lại chạy vạy khắp xóm để mượn tiền, làng xóm thương tình góp tiền mua sữa, quần áo cho Quốc.
Hơn 50 tuổi, sức khỏe đã yếu dần theo thời gian nhưng bà Cứu vẫn cố đi chặt mía thuê, nhận thêm ruộng để canh tác, mong có thêm đồng ra đồng vào nuôi Quốc khôn lớn từng ngày.
Người phụ nữ ấy thương Quốc hơn cả bản thân, mang bệnh trong người nhưng bà hạn chế đến mức thấp nhất chi phí chạy chữa, không dám đi bệnh viện vì không muốn xa Quốc và cũng để tiết kiệm tiền lo cho Quốc được ăn học, để Quốc được đủ đầy bằng bạn bằng bè.
Ngày qua ngày, 2 mẹ con nương tựa nhau trong sự nghèo khó, bà lấy Quốc làm động lực để sống, để chiến đấu với những căn bệnh mà bà nói với Quốc đó là bệnh “vặt” tuổi xế chiều.
Còn Quốc, bà Cứu chính người mẹ duy nhất, người không có công sinh nhưng công dưỡng thì như trời bể. Đứa trẻ bị mẹ ruột bỏ rơi cứ thế lớn lên trong sự yêu thương của bà Cứu.
Những năm gần đây, sức khỏe bà Cứu yếu hơn nhiều. Bà biết, cuộc sống của mình chẳng thể kéo dài được lâu. Khi có người tới thăm, bà lại nắm tay và cầu xin hãy chăm sóc giùm Quốc khi bà có chuyện chẳng may. Ước nguyện của bà là nuôi Quốc ăn học đến nơi, đến chốn.
Hai tháng trở lại đây, bà Cứu lại phát hiện thêm bệnh u não và sức khỏe yếu dần. Bà không thể gắng gượng thêm được nữa, đành bất lực nằm một chỗ, không thể ăn uống, rồi dần dần không thể nói chuyện.
Trong những lần tỉnh lại ngắn ngủi, bà lại cố đảo mắt, ú ớ tìm Quốc, cố đưa đôi tay sờ mặt đứa con trai yêu quý. Đôi lúc nước mắt chảy ngược, bà vẫn muốn sống để lo cho con, nhưng cảnh đời quá trớ trêu...
Điều ước của cậu bé 13 tuổi
“Nếu cho con 3 điều ước, con sẽ ước gì?” - Tôi hỏi
“Con ước có tiền mua thuốc cho mẹ, có tiền mua gạo ăn và có một chiếc xe đạp đi học” - Quốc nói.
Nghe xong, đôi mắt tôi cay sè, tôi nghẹn lại, nói: “ Ngày mai sẽ có xe đạp cho con đi học nhé”.
Quốc bẽn lẽn cười, cậu chàng chạy lại, nắm tay mẹ nói: “ Ngày mai, cô chú cho con xe đạp mẹ ạ”. Đáp lại lời Quốc chỉ là sự im lặng đáng sợ, nhưng có lẽ đối với Quốc chỉ cần mẹ còn đó, mọi niềm vui cậu sẽ sẻ chia cho mẹ.
Quốc nhìn mẹ nuôi, nụ cười vì niềm vui mới nhóm lại thay bằng ánh mắt long lanh.
Một đứa trẻ 13 tuổi trắng trẻo, có nốt ruồi buồn ngay mí mắt lúc nào cũng chực trào nước mắt khi nhìn mẹ đang nằm bất động.
“ Con sợ mất mẹ lắm. Nếu mẹ mất thì con sẽ côi cút lần thứ hai. Con sẽ chỉ còn lại một mình trên cõi đời này thôi ” - Quốc nghẹn giọng.
Điều ước có mẹ ở bên thật lâu có lẽ chẳng thể thành hiện thực. Bởi, mẹ Quốc đã yếu lắm rồi, không còn nhận thức được, sự sống đang tính bằng ngày, bằng giờ chứ không thể tính bằng năm, bằng tháng.
Hai điều ước còn lại: Có gạo ăn để không còn nhịn đói khi đến trường, có chiếc xe đạp như bao đứa trẻ khác hi vọng sẽ được các mạnh thường quân quan tâm và giúp đỡ để thành hiện thực thật sớm…
Y Quốc năm nay học lớp 7, trường THCS Sơn Hà. Đã 1 tháng của năm học mới trôi qua, các bạn cùng trang lứa với Quốc đều có quần áo mới, dép mới nhưng Quốc mặc lại đồ cũ. Em chỉ có một bộ quần áo từ năm ngoái do mẹ may cho. Năm nay, mẹ bệnh, Quốc chẳng đòi hỏi gì, vì em cũng muốn để dành tiền cho mẹ có thuốc chữa trị.
Từ ngày bà Hờ Cứu bệnh nằm một chỗ, người dì Hờ Bẻo sang chăm sóc. Gia cảnh của dì Bẻo cũng hết sức khó khăn khi phải chăm sóc mẹ chồng già mù lòa, người chồng bệnh xuất huyết dạ dày và 2 đứa con gái đang tuổi ăn học. Dì Bẻo cũng thương Quốc như máu mủ ruột thịt nhưng biết làm sao được khi “lực bất tòng tâm”.
“ Tôi cũng muốn chăm sóc và nuôi dạy cháu Quốc chu toàn nhưng hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn lắm, hiện tại có sao thì nuôi vậy thôi ”, bà Hờ Bẻo ngậm ngùi.
“Con sẽ ở lại ngôi nhà này, cùng gia đình dì Bẻo”
Những ngày gần đây, khi sức khỏe mẹ yếu dần, Quốc không dám đi học vì sợ mẹ Cứu sẽ đi mãi mãi. Quốc sợ không được nhìn mẹ ở giây phút cuối.
“ Mỗi lần Quốc đi học là tôi lại an ủi con, nói con đi học đi rồi chiều về thăm mẹ. Mẹ vẫn ở nhà đợi con đi học về mà. Vậy là nó mới đi học chứ không đòi nghỉ học để được ở bên mẹ ”, dì Bẻo khóc.
Thấy người lạ, Quốc sợ người ta tới đưa cậu đi nơi khác sinh sống khi mẹ qua đời, Quốc sợ xa làng quê đã từng gắn bó 13 năm. Quốc sợ xa ngôi nhà ấp áp của mẹ, Quốc sợ sẽ xa các anh chị nơi đây.
“ Dù mẹ chết thì con vẫn muốn ở đây với nhà dì Bẻo, con đã quen sống nơi đây, con không muốn rời xa nơi đây ”, Quốc nói với ánh mắt ầng ậc nước.
Đó cũng là mong muốn của bà Hờ Cứu khi còn khỏe mạnh, bà muốn Quốc sẽ được dì Bẻo chăm sóc, nhưng cuộc sống quá khó khăn, dì Bẻo cũng không có kinh tế khi phải nuôi 4 miệng ăn, không biết đoạn đường Quốc sau này sẽ ra sao khi không còn mẹ.
Đi cùng tôi, có anh Lê Thoại Kỳ (Hội thiện nguyện Đom Đóm Phú Yên ) đã hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng để vượt qua khó khăn ban đầu. Anh Kỳ cũng đứng ra kết nối lo hậu sự cho bà Hờ Cứu khi trường hợp xấu xảy ra.
Ông La Hoàng Lực - Phó Chủ tịch xã Sơn Hà - cho biết, trường hợp của gia đình bà Hờ Cứu rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Hiện bà Cứu đang bị bệnh rất nặng, khả năng không qua khỏi. Bà có một người con nuôi là Quốc. Cháu Quốc đang được người dì chăm sóc, người dì cũng rất nghèo khổ nên mong các mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình Quốc.
Trưa ngày 1/10, chúng tôi đã kết nối với Cửa hàng xe đạp xe đạp điện Thiện Nữ (179 Trần Hưng Đạo, phường 3, TP Tuy Hòa, Phú Yên). Khi nghe về hoàn cảnh của bé Quốc, chủ cửa hàng đã tặng em một chiếc xe đạp mới tinh.
Quốc vui lắm, điều ước thứ ba của em đã thành sự thật. Từ đây, con đường đi tìm con chữ của Quốc đã bớt gian nan.
Nhưng đường đời của cậu bé còn là một hành trình vời vợi khi mà một mai mẹ nuôi mất đi, tất cả những người thân xung quanh đều có hoàn cảnh không mấy khá giả. Liệu rồi đây, những bước chân đến trường của Quốc có đủ no? Có còn những ngày phải nhịn đói vì nhà hết gạo?