Nền quốc phòng Ukraine: Di sản từ thời Liên Xô
Ukraine từng là trung tâm sản xuất vũ khí của các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ. Quá khứ huy hoàng đó cùng với hệ quả của xung đột với Nga hiện nay sẽ là những nhân tố định hình nền quốc phòng Ukraine hiện đại.
Theo một số chuyên gia nhận định, tình hình chiến sự bắt đầu leo thang hiện nay đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine cũng như nền quốc phòng của nước này trong việc đối phó với Nga kể từ sau khi giành độc lập vào năm 1991.
Trước đó, sản xuất vũ khí từng là ngành công nghiệp mũi nhọn ở Ukraine vào đầu những năm 1990. Lợi thế của Ukraine chính là việc thừa hưởng nền tảng công nghệ của ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng lao động đông đảo từ 14 quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ. Theo tờ The Wall Street Journal , vào thời điểm đó nền quốc phòng Ukraine ước tính có khoảng 700.000 lao động trên tổng số 52 triệu dân.
Vào đầu những năm 1950, Liên Xô đã tìm cách hồi sinh các thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh bằng việc xây dựng các khu công nghiệp quốc phòng ở khắp các quốc gia thuộc khu vực Đông Âu ngày nay.
Ban lãnh đạo Liên Xô lúc đó đã chọn thành phố Dnipropetrovsk ở miền nam Ukraine (thành phố Dnepropetrovsk ngày nay) để xây dựng nhà máy sản xuất vệ tinh quân sự và nhà máy sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới.
Sự kết hợp giữa việc sản xuất vũ khí và quyền lực chính trị bao trùm khắp vùng Đông Âu đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực Dnipropetrovsk, đồng thời biến nơi này thành bệ phóng cho sự nghiệp của rất nhiều chính khách Liên Xô thời điểm đó. Sản xuất quốc phòng ở Dnipropetrovsk và các khu vực lân cận gia tăng nhanh chóng cùng với thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.
Kể từ đó, nền quốc phòng của Ukraine đã trải qua nhiều sự thay đổi lớn sau khi tách khỏi Liên Xô vào năm 1991. Dưới thời Tổng thống Leonid Kuchma năm 1994, khu vực Dnipropetrovsk và Donetsk đã phát triển thành khu công nghiệp nặng. Sau đó, chính quyền ông Kuchma bắt đầu mở rộng khu vực này thành trung tâm chính trị, văn hóa, tài chính và truyền thông của đất nước.
Dưới thời Tổng thống Petro Poroshenko, chính quyền Kiev đã thúc đẩy việc thay thế các điều khoản trung lập và không liên kết của đất nước từ thời Tổng thống Leonid Kuchma bằng đề xuất gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nền quốc phòng Ukraine đã chịu ảnh hưởng rất lớn kể từ thời điểm đó.
Theo Đài Russia Today , hồi đầu tháng 4-2022, Tổng thống Ukraine đương nhiệm Volodymyr Zelensky nhấn mạnh để giải quyết cuộc xung đột hiện nay và đối phó với các kẻ thù tiềm tàng tiếp theo, đất nước ông sẽ phải vạch ra những kế hoạch nhằm hiện đại hóa nền quốc phòng để đảm bảo an ninh quốc gia tốt hơn và toàn diện hơn.
Các hãng thông tấn phương Tây nhận định quân đội Ukraine có thể bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự quan trọng ở Lugansk, Donbass… với điều kiện có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn về khí tài cũng như trang thiết bị quân sự từ NATO và Mỹ.
Như cách Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã từng nói trong cuộc họp với các quan chức NATO vào tháng 4-2022 rằng, điều mong muốn nhất của Ukraine chỉ có ba thứ, đó là "vũ khí, vũ khí và vũ khí".
Tuy nhiên, tiến sĩ Taris Ferdiko, nhà nghiên cứu nhân chủng học xã hội tại Đại học St. Andrews (Anh), nhận định trên tờ The Wall Street Journal hôm 26-5 rằng, "cuộc xung đột với Nga hiện nay sẽ định hình lại nền chính trị và ngành công nghiệp quốc phòng ở Ukraine theo những cách khác nhau".
Ukraine rất có thể "sẽ trở thành một Israel phiên bản lớn hơn" như ông Zelensky đã từng phát biểu. Một quốc gia hùng mạnh (nơi quốc phòng đi trước các cân nhắc) và có an ninh được đảm bảo là yêu cầu tối quan trọng để đạt được sự tự do.
Nga kiểm soát phần lớn thành phố Sievierodonetsk ở miền đông Ukraine; Indonesia mời tập đoàn Tesla đầu tư vào khu công nghiệp xanh; Người Anh tưng bừng chuẩn bị Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng... là những tin tức thế giới đáng chú ý.