Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thực sự đang “ốm yếu”?
Tình trạng vỡ nợ gia tăng chỉ là dấu hiệu mới nhất trong số nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế Đức đang không khỏe.
Số lượng các công ty mất khả năng thanh toán ở Đức đã tăng đáng kể trong tháng 7, nhiều hơn 23,8% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu do Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) công bố hôm 11/8.
Tỉ lệ vỡ nợ ở nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã liên tục gia tăng kể từ tháng 8/2022. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp lớn hơn tuyên bố đóng cửa trong nửa đầu năm 2023 cũng đã tăng 12,4% so với những năm trước.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP dự kiến sẽ giảm vào năm 2023, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao 6,2%.
Trước đó, hôm 7/8, Destatis thông báo rằng sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm mạnh 1,5% trong tháng 6 so với tháng 5, càng khiến các nhà phân tích lo ngại về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Các nhà quan sát đã đưa ra những điểm tương đồng với đầu những năm 2000 khi quốc gia này được gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” do hoạt động kinh tế trì trệ.
“Nếu chính phủ không có hành động quyết đoán, Đức có thể sẽ đứng cuối bảng tăng trưởng ở khu vực đồng euro”, ông Ralph Solveen, nhà kinh tế học tại Commerzbank, nói với Reuters.
Tác động của quá trình chuyển đổi
Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến ở Ukraine do Berlin phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, cũng có những lý do cơ cấu dẫn đến sự suy giảm sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu, thiếu đầu tư và thiếu lao động.
Để cho bản thân phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nước ngoài đã đặt Đức vào một tình thế khó khăn. Mặc dù các số liệu được Destatis công bố gần đây cho thấy xuất khẩu tăng, nhưng khối lượng hàng hóa Đức xuất đi nước ngoài vẫn gần bằng mức thấp nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm kể từ năm 2018, khi doanh số bán xe toàn cầu giảm lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Việc tái cân bằng chi tiêu cho các dịch vụ sau đại dịch đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Hiện sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch ở Trung Quốc – thị trường lớn thứ tư của các nhà xuất khẩu Đức – cũng là một yếu tố tác động.
Gã khổng lồ châu Á cũng là nhà cung cấp chính cho lĩnh vực sản xuất của Đức. Tuy nhiên, các công ty Đức đang bắt đầu suy nghĩ lại về cách họ phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính phủ Đức cũng đang yêu cầu các công ty giải quyết sự phụ thuộc này.
“Nói thì dễ hơn làm”, ông Wolfgang Fink, CEO của Goldman Sachs phụ trách Đức và Áo, nhận xét. Theo ông, làm thế nào để quản lý hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một chủ đề được bàn thảo trong mọi phòng họp của mọi công ty ở Đức.
Thay đổi mối quan hệ này là một quá trình mất thời gian – nhiều năm chứ không phải vài tháng, vì vậy tác động của quá trình chuyển đổi này sẽ được thấy trong vài năm tới, ông Fink cho biết.
Về năng lượng, việc chuyển đổi sang các nguồn điện các-bon thấp cũng là một xu hướng khác sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế Đức trong những năm tới.
Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh vào năm 2022, với mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của ngành công nghiệp Đức giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, điều này chủ yếu là do xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung của Nga, và một phần là do các nhà máy không có cách nào hơn là cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, lạm phát rõ ràng là một rủi ro đối với nền kinh tế Đức cũng như ở các thị trường phát triển trên thế giới.
Theo ông Fink, có lo ngại rằng lạm phát leo thang có thể góp phần làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Bằng chứng về mối lo này có thể được nhìn thấy trong báo cáo mới nhất của Chỉ số Ifo của Đức, trong đó cho thấy tâm lý kinh doanh tiếp tục xấu đi trong tháng 7.
Nhưng điều may mắn là người tiêu dùng ở quốc gia này vẫn có những khoản tiết kiệm đáng kể được tích lũy trong thời kỳ đại dịch. “Chúng tôi cảm thấy khá tích cực về động lực của người tiêu dùng trong tương lai mặc dù hiện tại chúng ta đang thấy xu hướng giảm”, ông Fink cho biết.
Câu trả lời cho thách thức tăng trưởng
Trong một thế giới nơi các quốc gia đang vật lộn để cạnh tranh vào thời điểm xu hướng “hồi hương” hoạt động sản xuất về đất nước ban đầu của doanh nghiệp (reshoring) đang ngày càng phổ biến, Đức có lợi thế với nền tảng công nghiệp được giữ gìn tốt.
Câu trả lời dễ dàng nhất cho thách thức tăng trưởng đối với Đức không phải là quay lưng lại với sản xuất mà là tăng gấp đôi, giống như cách Trung Quốc và bây giờ là Mỹ đang làm.
Trong khuôn khổ Đạo luật chip châu Âu vừa được EU thông qua, hồi tháng 6, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã thông qua khoản tài trợ 10 tỷ euro (khoảng 11 tỷ USD) cho nhà sản xuất chip Intel của Mỹ để xây dựng 2 nhà máy ở Đức, và đầu tuần này họ đã cam kết 5 tỷ euro để giúp TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) thành lập một nhà máy với các đối tác địa phương như Infineon.
Một cách tiếp cận tương tự là cần thiết để nâng cấp hệ thống sản xuất và truyền tải điện của đất nước, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các nhà sản xuất ô tô và các công ty công nghiệp khác. Bảo đảm năng lượng dài hạn có thể ngăn chặn sự thay đổi chi phí trong thời gian này.
Chính phủ của ông Scholz vẫn đang đặt niềm tin vào nền kinh tế Đức, với việc Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đặt cược vào các khoản đầu tư tư nhân để khắc phục tình hình.
“Hiện tại, khoảng 20 công ty đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào Đức, với tổng giá trị đầu tư khoảng 80 tỷ euro”, ông Habeck nói với Funke Media Group trong một cuộc phỏng vấn hôm 8/8.
Với ảnh hưởng chính trị của Berlin trong EU, khó có khả năng Đức sẽ để mình rơi vào thế yếu hơn khi nói đến nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh của khối.
Trong lịch sử, Đức từng là “kẻ ốm yếu của châu Âu”, nhưng vẫn luôn chứng tỏ được rằng họ là một “bệnh nhân” có khả năng phục hồi tốt và sớm được xuất viện .
Minh Đức (Theo WSJ, Goldman Sachs, Euractiv)