Nền kinh tế kém sức mua
Mất việc và lạm phát khiến người dân ít lui tới các nhà hàng, trung tâm mua sắm và chấp nhận chọn hàng thiết yếu rẻ tiền hơn.
Nhiều cuối tuần gần đây, một số trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ của các tòa nhà ở cả TP HCM và Hà Nội vắng khách lui tới hơn. Một số nơi ở Hà Nội, TP HCM thậm chí xuất hiện tình trạng mặt bằng bỏ trống.
Từ kinh doanh hàng tiêu dùng đến dịch vụ ăn uống, theo giới kinh doanh, đều không còn sôi động như trước.
Golden Gate là đơn vị sở hữu 22 thương hiệu chuỗi ăn uống như Manwah, Kichi-Kichi, Hutong Sumo BBQ, GoGi House trên cả nước. Bà Lan Nguyễn, Giám đốc tài chính của đơn vị được xem là "ông trùm chuỗi lẩu nướng" này, cho biết ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) sau khi tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 đã yếu đi từ quý IV/2022. Đến tháng 12, lượt khách mùa lễ hội không như kỳ vọng.
"Suy thoái rõ nét hơn sau Tết, khi mọi người tiết giảm chi tiêu", bà Lan nói tại một sự kiện mới đây.
Bà Kim Hân, một người bán văn phòng phẩm lâu năm tại một trường THPT ở quận 1 ( TP HCM ), kể nếu mỗi ngày trước đây kiếm được 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 6 đồng. Từ đầu năm, sức mua của học sinh giảm đáng kể. Theo bà giải thích, thu nhập của phụ huynh bị ảnh hưởng nên tiền cho con cái sinh hoạt cũng giảm theo. "Vì thế, chi tiêu của gia đình tôi cũng phải siết chặt", bà Hân nói.
Không thay đổi chất lượng các sản phẩm quen dùng nhưng bà mua hàng với số lượng ít hơn. Trước kia hàng siêu thị chỉ cần có khuyến mãi hoặc chưa cần thiết lắm bà cũng mua. "Giờ những món có nhu cầu cấp thiết mới sắm", bà nói thêm.
Từ góc độ nhà bán lẻ, bà Lê Huỳnh Phương Thục, CEO Guardian Việt Nam, cũng cho biết giá trị đơn hàng của người mua đã giảm. Lượng hàng bán không đổi nhưng khách chuyển sang sản phẩm bình dân hơn. "Túi tiền người tiêu dùng bị ảnh hưởng nên cẩn trọng trong chi tiêu sản phẩm chăm sóc cá nhân", bà Thục nói.
Đại diện một nhà bán lẻ lớn có cửa hàng khắp cả nước cho biết sức mua hiện tại chỉ bằng khoảng 65% trung bình năm ngoái. Ngay cả những ngày cuối tuần, sức mua cũng không tăng lên đáng kể.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho hay doanh số bán xe toán thị trường tháng 1/2023 giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với tháng 1/2022.
Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.2000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2022, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 9,2%. Có cải thiện nhưng quy mô này chỉ bằng 77,7% mức tăng trưởng thông thường theo kịch bản không có dịch.
Tại TP HCM , tháng 2, sau khi Tết Nguyên đán đi qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lập tức quay đầu giảm giảm 5,2%. Trong đó doanh thu bán hàng giảm 8,3%, lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch lữ hành giảm 27,1%.
Phân tích ngành bán lẻ của Công ty chứng khoán SSI phát hành cuối tháng 1 dự báo toàn ngành sẽ đối diện sức chi tiêu thấp trong nửa đầu năm. Với các mặt hàng giá trị cao, người có tiền cũng hoãn chi tiêu.
Thế Giới Di Động ( MWG ), một "ông lớn" trong lĩnh vực bán lẻ, gần đây công bố kế hoạch doanh thu thuần vào khoảng 135.000-150.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4.200-4.700 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2022, MWG vẫn tăng trưởng nhưng không còn mức hai chữ số. Chưa kể, kế hoạch này là dựa trên giả định hoạt động sản xuất, tiêu dùng tích cực hơn từ giữa quý III hoặc quý IV.
Việc làm và thu nhập là động lực của sức mua. Càng nhiều người làm việc và kiếm được nhiều tiền thì càng có nhiều nguồn lực trong nền kinh tế để chi tiêu. Nhưng cả hai yếu tố này từ đầu năm đều gặp khó.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 1 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong số lao động bị ảnh hưởng, hơn 48.600 người mất việc.
Việt Nam là nước có ngành sản xuất thiên về xuất khẩu nhưng kim ngạch hai tháng đầu năm nay giảm 10,3% so với cùng kỳ. Suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chủ đạo. Đơn hàng cải thiện chậm khiến tình trạng cắt giảm lao động vẫn còn.
Cùng với đó, lạm phát toàn phần tháng 2 ở mức 4,3% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn được giới phân tích đánh giá là cần "cẩn trọng". Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải là 5,8% năm 2023, khi tác động mở cửa trở lại sau dịch mờ dần và ảnh hưởng của việc giá cả tăng cao trở nên rõ ràng hơn.
Làm gì để cải thiện sức mua
Khác với giai đoạn đại dịch, khi động lực tăng trưởng là ngoại thương, sức cầu từ các bạn hàng nước ngoài đang yếu càng khiến tiêu dùng nội địa nhận nhiều trọng trách hơn trong tăng trưởng kinh tế.
Ông chủ ABC Bakery Kao Siêu Lực cho rằng việc phục hồi sức mua cần thời gian trong bối cảnh này, có thể mất thêm vài tháng hoặc đến cuối năm để người tiêu dùng mạnh dạng mở hầu bao hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng tín hiệu mua sắm đợt lễ 8/3 vừa qua phần nào khả quan.
Đại diện một chuỗi bán lẻ lớn xin được giấu tên cũng cho rằng do tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, người lao động mất việc và việc thắt chặt chi tiêu nên có thể sức mua sẽ trở lên khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023.
Nhưng trước đó, theo một số chuyên gia, một động lực có thể đến sớm hơn cho tăng trưởng tiêu dùng chính là du lịch nếu được khai thác hiệu quả. Nhìn vào số liệu tháng 2, trong khi tăng trưởng hàng hóa chậm lại đáng kể thì mảng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục tăng trưởng. Riêng tháng 2, Việt Nam đón 933.000 lượt khách nước ngoài, kỷ lục từ khi có Covid-19.
Tháng trước, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đáng kể, đạt 55.000 lượt. Con số này bằng 10% trung bình trước dịch nhưng diễn ra trong bối cảnh tần suất chuyến bay hạn chế và không có tour theo đoàn. Lượt khách nhiều khả năng sẽ bùng nổ khi chính phủ nước này vừa quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3.
Ngoài ra, việc tìm ra những phân khúc không suy giảm chi tiêu để tập trung đầu tư và tung ra sản phẩm mới cũng là hướng doanh nghiệp nên cân nhắc. Bà Phương Thục cho hay dù các mặt hàng chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm sức mua giảm thì nhóm làm đẹp vẫn sống khỏe.
Ông Kao Siêu Lực cũng cho rằng sáng tạo thêm những sản phẩm, dịch vụ mới cũng là lối ra.
Nắm bắt thay đổi hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ tăng khả năng kích cầu. Khảo sát bình chọn Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 với 16.700 người tham gia chỉ ra thị trường hàng tiêu dùng đang phát triển "về chiều sâu".
Theo đó, người mua giờ không chỉ coi trọng chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như: an toàn sử dụng, độ tươi ngon, thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc/xuất xứ, công dụng/tính năng, chứng nhận chất lượng đang rất được quan tâm.
Ví dụ, với thực phẩm, top 3 tiêu chí ưu tiên hàng đầu về tỷ lệ đồng thuận là: vệ sinh - an toàn (55%); tươi ngon - hợp vị (53%); dễ tìm mua (46%). Cùng với đó, 47% và 41% được hỏi cho biết sẵn sàng chi thêm tiền để chọn hàng truy xuất được nguồn gốc và có lợi sức khỏe.
Thương mại điện tử cũng dù không tăng trưởng nóng như thời đại dịch nhưng vẫn là xu hướng lớn, giúp doanh nghiệp tiếp cận rộng hơn và giảm chi phí mặt bằng. Một số ông lớn xác nhận việc tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số để tăng trải nghiệm người dùng.