Nên chăng có nghị quyết để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Chia sẻ Facebook
14/06/2022 23:32:34

Nhiều cán bộ cho rằng nên thể chế hóa những vấn đề của Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bởi cán bộ đột phá nhưng nếu xảy ra sai sót vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: THẢO LÊ

Kết luận 14 rất quan trọng và kịp thời với tình hình của TP.HCM


Phát biểu gợi mở, ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng Kết luận 14 với TP.HCM là rất quan trọng và kịp thời. Thời gian qua trên địa bàn TP cũng xảy ra nhiều sai sót, sai phạm.


Cán bộ cho rằng lằn ranh giữa đổi mới sáng tạo và vi phạm quy định rất mong manh, chế độ khen thưởng còn hạn chế nhưng xử lý sai phạm rất nghiêm minh khiến nhiều người e ngại. Do đó, cần phải có cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

Theo ông Hải, khi Thành ủy lấy ý kiến về thực hiện Kết luận 14, nhiều ý kiến hoài nghi việc này có đáp ứng được nhu cầu đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung nhưng không may có sai sót hay không?

Cũng có ý kiến lo lắng, bởi cán bộ năng động, sáng tạo nhưng khi các cơ quan vào kiểm tra, thanh tra lại không xem xét các kết luận của Đảng, mà dựa trên các quy định pháp luật để xử lý. Do đó, ông Hải mong muốn nhận được những ý kiến góp ý của các cán bộ để tạo sự thống nhất về những nội dung của Kết luận 14.

Đưa ý kiến tại tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho rằng hiện nay nói ngại thì cán bộ không ai ngại đổi mới sáng tạo, nhưng lại sợ vướng các quy định pháp luật khi đổi mới sáng tạo.

Thực tế, thời gian qua nhiều vụ việc sai phạm xảy ra trên địa bàn TP làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ. Tinh thần đổi mới sáng tạo hiện nay gặp không ít rào cản, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bởi dễ gây rủi ro về pháp lý. Bởi theo ông Nhân, hiện nay một số quy định chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất...

"Việc này khiến cán bộ nhiều lúc đứng giữa lằn ranh đổi mới sáng tạo và vi phạm quy định. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra lại theo quy định pháp luật để xử lý cán bộ, liệu có xem xét yếu tố bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, không vụ lợi hay không?", ông Nhân đặt vấn đề.


Nên thể chế hóa các vấn đề của Kết luận 14


Theo ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, Kết luận 14 là kết luận của trung ương, nhưng khi xử lý cán bộ thì các cơ quan thực hiện theo quy định của Nhà nước. Như vậy, khi cán bộ bị xử lý thì các văn bản cấp ủy chỉ đạo khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo có giá trị hay không?

Theo ông Dũng, trong phần tổ chức thực hiện, Kết luận 14 có nêu ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc trung ương cụ thể hóa kết luận.

"Như vậy, ban cán sự Đảng của Quốc hội, Chính phủ có phải nghiên cứu thể chế hóa kết luận bằng một cái nghị định, quyết định hay không? Từ đó, cấp ủy của các tỉnh ủy mới dựa trên các văn bản này để cụ thể hóa. Bởi cuối cùng, khi xử lý cán bộ vẫn theo quy định pháp luật chứ không phải theo kết luận, hay kế hoạch gì cả", ông Dũng nói.

Ông Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường đưa ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ

Còn theo ông Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, 2 năm trước khi nghe trung ương chuẩn bị ban hành văn bản để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, ông đã rất chờ đợi. Sau đó Bộ Chính trị đã có Kết luận 14.

"Trong đầu tôi suy nghĩ trung ương phải ban hành nghị quyết thì mới xứng tầm, mới đáp ứng được nhu cầu đổi mới sáng tạo", ông Bảy nói.

Bên cạnh đó, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng khi cán bộ đã năng động, sáng tạo xuất phát từ động cơ trong sáng thì phải có sự khẳng định là không hình sự hóa. Có như vậy, cán bộ mới yên tâm đổi mới sáng tạo.

"Lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái rất mong manh. Nếu khuyến khích mà không bảo vệ sẽ rất khó để thúc đẩy cán bộ, bởi cán bộ nóng lòng với công việc nhưng lại sợ vướng quy định pháp luật" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Chia sẻ Facebook