Nên bảo tồn cầu Bình Lợi ra sao?
Các chuyên gia cho rằng bảo tồn công trình nên phối hợp với công viên, cảnh quan hai bên và nội dung câu chuyện để phát huy giá trị của công trình bảo tồn.
Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM vừa có văn bản trao đổi với Sở Giao thông vận tải về việc làm hồ sơ di tích cho cầu đường sắt Bình Lợi cũ và đề xuất hai phương án bảo tồn hai nhịp cầu còn lại ở phía bờ đông sông Sài Gòn (Tuổi Trẻ ngày 8-6).
Cần phục hồi lại trụ cầu đã hư hỏng
Theo đó, sở này đề xuất hai phương án bảo tồn các nhịp cầu Bình Lợi theo hai phong cách khác nhau.
Hoặc là chỉ tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh cấu kiện, sơn chống gỉ sét, sơn phủ bề mặt, thay các thanh gối đường ray bị mục...) và tháp canh (tu bổ, phục dựng...). Phương án này chỉ tốn kinh phí hơn 12 tỉ đồng và có thể kịp thời tu bổ, tránh hư hỏng hai nhịp cầu đã không sử dụng nhiều năm nay.
Tuy nhiên lại chưa phù hợp với quy định về quản lý và sử dụng tài sản công do công trình chưa được bàn giao về TP.HCM, thi công có thể làm tăng chi phí, không có đường dẫn, công trình phụ trợ... thì không bảo vệ được công trình và không phát huy được giá trị công trình.
Sở Văn hóa và thể thao TP cũng đề xuất thêm phương án bảo tồn tổng thể là UBND TP sẽ làm dự án tổng thể sau khi cầu sắt Bình Lợi cũ được bàn giao từ Tổng công ty Đường sắt về TP.HCM.
Sau đó, các cơ quan chức năng xác định ranh dự án sẽ tiến hành bảo tồn tổng thể… Cách làm này đem lại cho TP một công trình hoàn thiện, vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị công trình sau khi tu bổ, phục hồi.
Tuy nhiên, phương án này cần nhiều kinh phí và thời gian. Trong đó, sở muốn chọn phương án bảo tồn tổng thể để dự án bảo tồn được trọn vẹn và phát huy được giá trị của dự án.
Theo kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp, việc bảo tồn các nhịp cầu sắt Bình Lợi phải gắn với khai thác, phát huy giá trị và giới thiệu đến công chúng để nhiều người cùng biết được giá trị này.
Kiến trúc sư chuyên nghiên cứu các công trình bảo tồn tại TP.HCM này cho rằng hiện nay đoạn cầu sắt Bình Lợi còn lại nằm ở phía TP Thủ Đức, còn cả trục xoay, phần trụ gác khi cầu xoay dọc theo dòng sông cho tàu thuyền qua lại đã bị hư hỏng.
Cần phục hồi trụ cầu này, đưa hai nhịp cầu Bình Lợi còn lại xoay dọc theo dòng sông, sử dụng làm cầu tàu thủy cho các phương tiện giao thông đường thủy như buýt sông, du thuyền hay tàu khách du lịch.
Khu đất bờ sông ngay đầu cầu Bình Lợi trên bờ nên được cải tạo thành một công viên bờ sông, thiết kế thêm dịch vụ tạo thành điểm đến cho khách du lịch và người dân muốn tham quan, vui chơi.
"Cách làm này bảo tồn, lưu giữ được một phần cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn, cũng là cầu đường sắt nối Sài Gòn với các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc đầu tiên và duy nhất cho đến khi cầu Bình Lợi mới hoàn thành.
Đây cũng là cây cầu xoay duy nhất còn tồn tại hiện nay", kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp kiến nghị.
Quy hoạch lại đoạn không gian sông Sài Gòn nơi có cầu Bình Lợi
Theo cách nhìn của kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, cầu sắt Bình Lợi giống như một nhân chứng cho quá trình phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.
Để những di tích lịch sử đô thị của Sài Gòn - TP.HCM không biến mất, ông Vinh đề nghị cần phục hồi với chức năng mới của một không gian văn hóa ở khu vực này, kết hợp trở thành nhịp cầu kết nối quá khứ và tương lai mà điểm nhấn là một phần cây cầu lịch sử có 120 tuổi Bình Lợi.
Hai bên đầu cầu cần quy hoạch lại, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ở phía Bình Thạnh và phía Thủ Đức.
Trong khuôn viên đó, có phần tái hiện đường ray xe lửa kết hợp hành lang xanh ven sông gắn với câu chuyện lịch sử đường sắt, đường bộ qua sông Sài Gòn, đồng thời lồng ghép những hoạt động kinh tế để có kinh phí duy tu, sửa chữa nhằm tạo cân bằng trong phát triển.
Theo kiến trúc sư Hồ Viết Vinh, vấn đề không phải là bảo tồn hai nhịp cầu cũ mà cần phải quy hoạch lại đoạn không gian sông Sài Gòn nơi có cầu Bình Lợi cũ bắc qua; phải để người dân đến thưởng lãm và tìm hiểu lịch sử, mang lại một không gian văn hóa - xã hội ý nghĩa cho cộng đồng người dân.
"Theo tôi, Tổng công ty Đường sắt phải bàn giao công trình này cho TP.HCM. Khi TP.HCM được quản lý công trình thì sẽ dễ dàng quy hoạch đồng bộ khu vực xung quanh để tạo thành một quần thể công trình công cộng lịch sử. Nếu giao về cho TP.HCM, việc lập hồ sơ di tích và chỉnh trang, tôn tạo khu vực hai bên bờ sông sẽ thuận tiện hơn" - ông Vinh nói.
Cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào năm 1902, với chiều dài 276m và gồm 6 nhịp. Cầu có kết cấu vòm thép, có độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ TP Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.
Theo Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, cây cầu này có giá trị lịch sử - văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM, ngành đường sắt Việt Nam và có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành.
Cầu hiện nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Sở cho biết sẽ lập hồ sơ xếp hạng di tích cầu đường sắt Bình Lợi cũ ngay sau khi có đơn đề nghị xếp hạng di tích của tổ chức được giao quản lý trực tiếp công trình.
Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP về phương án bảo tồn công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ trong khi chờ xếp hạng di tích.