NATO tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương trước 'thách thức' Trung Quốc
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lý giải việc nhất trí tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là do phản ứng của Trung Quốc với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
“Chúng tôi nhất trí đẩy mạnh hợp tác với các đối tác của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương, vì cuộc khủng hoảng (Ukraine) phân nhánh trên toàn cầu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Brussels ngày 7-4 sau hai ngày họp của tổ chức này. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc được mời dự cuộc họp.
Theo NATO, các lĩnh vực hợp tác gồm không gian mạng, công nghệ mới, chống thông tin sai lệch. "Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu vì các thách thức toàn cầu cần có giải pháp toàn cầu", ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg cho rằng việc Trung Quốc không tham gia lên án Nga đặt ra "thách thức nghiêm trọng cho tất cả chúng ta". "Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc sát cánh cùng nhau để bảo vệ các tiêu chuẩn của chúng ta", báo Nikkei Asia dẫn lời nhà lãnh đạo NATO nói.
Trước cuộc họp, ông Stoltenberg cũng nói rằng NATO cần tăng cường hợp tác với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng năng lực và đầu tư quốc phòng của Trung Quốc.
Liên quan đến việc thảm sát dân thường ở thành phố Bucha của Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mới đây vẫn khẳng định cần phải xác thực vụ việc và "tránh đưa ra các cáo buộc không có căn cứ". Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ "hưởng lợi từ sự hỗn loạn" và kiếm tiền từ tình hình ở Ukraine.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ và đồng minh Anh, Úc sau khi 3 nước thuộc nhóm AUKUS tuyên bố sẽ phát triển vũ khí siêu thanh để đối phó với tình hình an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng bất ổn.
"Mục tiêu cuối cùng của họ là tạo ra phiên bản châu Á - Thái Bình Dương của NATO và phục vụ sự bá quyền của Mỹ. Các nước châu Á - Thái Bình Dương tất nhiên kiên quyết phản đối điều này", ông Triệu nói.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết không có dấu hiệu Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ 'tham vọng kiểm soát toàn bộ Ukraine' và cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm.