NATO: sự 'lỗi thời' lại 'hồi sinh'
Khi khối Warszawa không còn, sự tồn tại của NATO với tư cách một liên minh quân sự đã luôn bị nghi ngờ. Chuyện vì ai và vì cái gì của một liên minh quân sự đã không còn thì lý do tồn tại của nó sẽ luôn bị đặt câu hỏi.
Dù cố gắng làm mới mình với những chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Iraq, Syria... trong các năm tiếp theo song những hoạt động ở vùng ngoại biên xa xôi là không đủ để thuyết phục những ý kiến cho rằng sự tồn tại của NATO là không còn hợp thời thế, hay những quan điểm nói việc duy trì liên minh chỉ là sự hoài niệm của tư tưởng chiến tranh lạnh.
Ngay cả lãnh đạo của nhiều nước thành viên chủ chốt NATO cho đến tận gần đây vẫn còn nghi ngờ về tính chính danh của liên minh. Cựu tổng thống Trump gọi tổ chức này là "lạc hậu", Tổng thống Pháp Macron nói NATO là "chết não", các nước Liên minh châu Âu theo đuổi xây dựng quân đội riêng, và các nước thành viên đưa ngân sách quốc phòng về mức thấp kỷ lục thay vì tăng lên như cam kết.
NATO được "hồi sinh"
Nhưng cục diện đã thay đổi khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Câu hỏi về lý do tồn tại của NATO không còn nữa, thay vào đó là việc làm thế nào để hồi sinh liên minh này trong cục diện mới. Xét trên khía cạnh đó, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vừa kết thúc hôm 30-6, cũng là hội nghị quan trọng nhất của liên minh này kể từ sau chiến tranh lạnh, là câu trả lời cho vấn đề đó.
Một là việc "chấn hưng" liên minh. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, sự ủng hộ của công luận các nước thành viên tăng trở lại. Tư cách thành viên NATO từ chỗ bị nghi ngờ lại trở thành chỗ dựa cho an ninh quốc gia. Nếu với nhiều nước bên ngoài, NATO là cái tên gây khó chịu thì với nhiều nước thành viên, liên minh lại trở thành lá chắn cho sự tồn tại của họ.
Những bất đồng trong nhiều năm trước được dẹp bỏ, một cam kết gây tranh cãi là dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự lần đầu tiên được hiện thực hóa. Một ngân sách quốc phòng với hàng trăm tỉ USD tăng thêm được thông qua, và một bản khái niệm chiến lược mới sau hơn 10 năm được thống nhất để định hình hướng đi những năm tới.
Hai là sự "mở rộng" của liên minh. Ngay cả trong những thời khắc cao điểm của chiến tranh lạnh, một Thụy Điển vẫn trung thành với đường lối trung lập của mình, một Phần Lan vẫn cảm thấy an toàn với vai trò là vùng đệm. Nhưng những biến chuyển mới trong cục diện an ninh đã làm thay đổi tính toán của họ khi việc tham gia NATO được coi sẽ có lợi hơn cho an ninh hai nước.
Không những thế, lần đầu tiên sự liên kết không chỉ còn ở trong phạm vi "Đại Tây Dương" như tên gọi của khối, mà còn mở rộng ra Thái Bình Dương với việc nguyên thủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand được mời dự hội nghị. Sự tham gia của họ không phải chỉ để đối phó với những thay đổi nhất thời mà còn là sự chuẩn bị cho những chuyển dịch tương lai trong khu vực.
Cục diện thế giới mới
Ba là sự thay đổi về "đối tượng" của liên minh, cũng là sự thay đổi đáng chú ý và có tính chiến lược nhất. Câu hỏi vì ai và vì cái gì trong mấy chục năm qua cuối cùng cũng có lời giải. Nếu Nga là "mối đe dọa đáng chú ý nhất hiện thời" thì Trung Quốc là "thách thức có hệ thống". Nói cách khác, nếu những bất ổn ở khu vực châu Âu chỉ là nhất thời thì sự chuyển dịch chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới là sâu rộng.
Lịch sử thế giới đã chứng minh sự "hưng thịnh và suy vong" của một cường quốc sẽ phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó. Một nước Nga đang đi tìm lại vị thế siêu cường của mình với nền kinh tế 1.200 tỉ USD và ngân sách quốc phòng hơn 60 tỉ USD có thể sẽ gây ra những khó khăn trước mắt. Nhưng Nga không thể là đối trọng lâu dài như Trung Quốc - nền kinh tế 20.000 tỉ USD và ngân sách quân sự gần 300 tỉ USD - đối với một liên minh có sức mạnh kinh tế gần 50.000 tỉ USD và ngân sách quốc phòng hơn 1.000 tỉ như NATO.
Tựu trung lại, hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là để thích ứng với những thay đổi nhất thời đang hiện hữu trước mắt, cũng như những biến chuyển chiến lược đang âm thầm diễn ra. Nhưng hội nghị cũng sẽ chỉ là một trong những viên gạch đầu tiên trong quá trình định hình một cục diện an ninh mới với những tác động sâu rộng trong những năm tới.
Có lẽ trong một cục diện như vậy, những ước mơ về một thế giới hòa bình và hợp tác, về sự cáo chung của chính trị cường quyền sau chiến tranh lạnh sẽ tạm thời không còn nữa. Không ai có thể nói được điều gì sẽ diễn ra trong một thế giới khi mà các nước lớn đối đầu trực diện với nhau, một cục diện mà có lẽ lành ít dữ nhiều cho những nước vừa và nhỏ.
Lịch sử thế giới từ sau Thế chiến 2 đến nay đã gần 100 năm nhưng cũng chỉ có 3 lần thay đổi cục diện. Nếu cục diện thứ nhất có đặc trưng là sự "đối đầu" giữa hai khối do Mỹ và Liên Xô đứng đầu trong chiến tranh lạnh, thì cục diện thứ hai là sự "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" hậu chiến tranh lạnh giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga...
Cục diện thứ ba đang bắt đầu hình thành, được đánh dấu bởi cuộc chiến tranh Ukraine trong bối cảnh một nước Mỹ dù không còn ở vị thế độc tôn vẫn tìm cách giữ vị trí siêu cường, một nước Nga dù không còn vị thế của Liên Xô cũ nhưng mong muốn tìm lại vinh quang, một Trung Quốc mới nổi từng bước thách thức trật tự hiện hữu một cách cứng rắn.
Lần đầu tiên Trung Quốc được xác định là 'thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương' trong tài liệu chiến lược về an ninh và quân sự của NATO trong 10 năm tới.