NASA tiếp tục công bố 3 tuyệt tác mới do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp được, cung cấp cái nhìn chưa từng có về vũ trụ

Chia sẻ Facebook
14/07/2022 09:26:33

NASA tiếp tục công bố 3 tuyệt tác mới do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp được, cung cấp cái nhìn chưa từng có về vũ trụ

Tấm ảnh lan tỏa khắp các mạng xã hội ngày hôm qua chỉ là mở đầu cho loạt tuyệt tác mới chụp của “thợ ảnh không gian”. Lên không hôm Giáng sinh năm ngoái, mất nhiều tháng để tới được điểm cuối và tinh chỉnh thành công, Kính viễn vọng Không gian James Webb được cho là sẽ mở mang tầm mắt cho loài người, khi có thể quan sát được phổ hồng ngoại phát ra từ những thiên thể xa xôi.

Tấm ảnh trên có tên gọi Trường Sâu Đầu tiên của Webb chụp lại cụm thiên hà SMACS 0723, bao gồm hàng ngàn thiên hà nhỏ và có cả những thiên thể mờ ảo nhất ngành thiên văn học từng phát hiện ra. Đây là góc nhìn hồng ngoại sâu nhất con người từng hiện được, quan sát SMACS 0723 của thời điểm 4,6 tỷ năm trước.

Mặc dù Kính viễn vọng Không gian Hubble đã từng chụp những góc máy tương tự, quy trình thực hiện trải qua rất nhiều ngày quan sát liên tục. Với kính Webb, các nhà khoa học chỉ mất một buổi để có được kết quả ngoài mong đợi.

Với JWST, các nhà khoa học có thể quan sát được những thiên hà nơi xa tỏa những ánh sáng yếu ớt, những thiên thể lâu đời với tuổi thọ ngang ngửa vũ trụ, thậm chí dấu vết của hơi nước trong khí quyển của những ngoại hành tinh xa xôi. Loạt dữ liệu mới được NASA công bố bao gồm cả những gì kính Webb thu thập trong quá trình tinh chỉnh.

Sáng hôm nay theo giờ Việt Nam, NASA tiếp tục công bố một loạt những hình ảnh mới, mang tới cái nhìn rõ nét chưa từng có về không gian.


Vách núi Vũ trụ

Tấm ảnh cho thấy phong cảnh của “núi” và “thung lũng” được tô điểm bởi hàng sa số ngôi sao đang tỏa sáng. Thực tế, đây là rìa của một vùng không gian sinh sao có tên NGC 3324 thuộc Tinh vân Carina. Tấm ảnh bao gồm những ngôi sao còn rất trẻ và cả những sao đang hình thành, cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên chúng ta chụp được “cái nôi” sản sinh sao.

“Đỉnh” cao nhất của Vách núi Vũ trụ cao khoảng 7 năm ánh sáng, tương đương 66.230.000.000.000 km.


Nhóm năm thiên hà của Stephan

Được đặt tên theo nhà thiên văn học người Pháp Édouard Stephan, năm thiên hà đã từng xuất hiện trên màn bạc trong bộ phim kinh điển “It’s a Wonderful Life” công chiếu năm 1946. Tấm ảnh mới được NASA công bố là tác phẩm lớn nhất mà kính Webb thực hiện tính đến giờ, bao gồm 150 triệu pixel và ghép từ gần 1.000 file ảnh.

Nó sẽ cung cấp những cái nhìn mới về cách các thiên hà tương tác, đồng thời hé lộ cho ta quá trình trưởng thành của một thiên hà trong buổi bình minh của vũ trụ.


Cái chết của một ngôi sao

Ngôi sao nằm giữa tấm ảnh ấn tượng đã và đang tỏa khí và bụi về mọi hướng suốt hàng ngàn năm nay. Đây là lần đầu tiên con người sở hữu thiết bị chụp lại chi tiết cảnh tượng bụi vũ trụ bọc lấy một ngôi sao chết. Khi phân tích được thành phần đám mây khí bụi, chúng ta sẽ có cơ hội hiểu hơn về những thiên thể đang tỏa sáng trong vũ trụ, bao gồm cả Mặt Trời.

Như người ta thường nói, không ai cất lời dối lừa khi đối mặt với cái chết cả. Một ngôi sao vốn thành thật từ thuở lọt lòng chắc chắn sẽ kể ra những câu chuyện giàu ý nghĩa.


Dữ liệu quý giá không chỉ tới dưới dạng ảnh

Biểu đồ cho thấy mây và hơi nước tồn tại trong khí quyển của WASP-96b.

Ngoại hành tinh - thiên thể quay quanh ngôi sao khác ngoài Mặt Trời - đang là một trong những ưu tiên nghiên cứu của NASA nói riêng và ngành thiên văn học nói chung. Những ngoại hành tinh khí sẽ chứa những vật chất vốn quen thuộc với giới chuyên môn, trong khi đó những hành tinh có bề mặt đất đá sẽ là nơi cư ngụ tiềm năng của một dạng sống.

Đối tượng WASP-96b đang được kính Webb để tâm thuộc vế thứ nhất. Trong số dữ liệu gửi về, các nhà khoa học thấy rằng ngoại hành tinh khí đang chứa nước, bên cạnh dấu vết của các đám mây. WASP-96b đang quay quanh một ngôi sao có tính chất tương tự Mặt Trời, giống với cách Sao Thổ và Sao Mộc của Thái Dương Hệ.

Tuy nhiên, điểm tương đồng của WASP-96b và hai hành tinh thân thuộc với chúng ta chỉ dừng lại ở ngôi sao trung tâm. Là một trong 5.000 ngoại hành tinh đã được xác thực là tồn tại ở Dải Ngân hà, nằm cách chúng ta 1.150 năm ánh sáng, WASP-96b không giống bất cứ hành tinh khí khổng lồ nào ta đã biết.

Với khối lượng chỉ bằng nửa Sao Mộc nhưng đường kính lại lớn hơn tới 1,2 lần, WASP-96b “bông xốp” hơn nhiều. NASA đã phát hiện được dấu vết của hơi nước trong khí quyển WASP-96b, xác định thành công mật độ oxy và carbon cũng như nhiệt độ khí quyển - WASP-96b nóng tới hơn 500 độ C, khi quay ở quỹ đạo rất gần ngôi sao trung tâm.

Bằng những thông tin trên, NASA có thể xác định được cấu tạo hành tinh khí khổng lồ, đồng thời tìm ra cách thức, thời điểm và vị trí nó hình thành trong không gian.

Tạm thời vậy đã

Những hình ảnh đầu tiên do Kính viễn vọng Không gian James Webb chụp được mở đầu cho thời đại mới của ngành thiên văn học, và cũng mới chỉ là đợt công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên. Tất cả chúng đều được chụp khi JWST đạt tối đa công suất, cũng là lời tuyên bố cho thấy thiết bị đã sẵn sàng bước vào giai đoạn nghiên cứu mới, nhìn một vũ trụ với một con mắt hồng ngoại.

Trong tương lai gần, NASA và các tổ chức nghiên cứu thiên văn liên quan sẽ tiếp tục họp bàn, phân tích dữ liệu kính Webb gửi về để công bố những thành tựu đáng chú ý nhất.

Trong khi đó chúng ta, những người yêu thích cái đẹp, sẽ có thêm hình nền mới để cài cho máy tính, điện thoại. Bạn có thể tải những hình ảnh chất lượng cao tại các địa chỉ sau:

- Tấm ảnh đầu tiên do kính Webb chụp được.

- Vòng tinh vân phía nam, mô tả cái chết của một ngôi sao.

- Bộ năm thiên hà của Stephan.

- Tinh vân Carina, “cái nôi” sinh sao tô điểm những thiên thể mới chào đời.


Theo NASA


Theo Kim

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook