NASA phóng vệ tinh tỷ đô nghiên cứu nước trên Trái Đất
Hôm 16/12 vừa qua, một vệ tinh đã cất cánh từ tiểu bang California (Mỹ) với sứ mệnh khảo sát gần như tất cả các vùng nước trên Trái Đất, theo hãng tin AFP.
Cụ thể, Vệ tinh Địa hình Đại dương và Nước bề mặt (SWOT), một dự án trị giá hàng tỷ USD do NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) và cơ quan vũ trụ CNES của Pháp cùng phát triển, được phóng lên lúc 18h46 ngày 16/12 (theo giờ Việt Nam) trên một tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California, Mỹ.
“SWOT sẽ mang lại một bước tiến mang tính cách mạng trong hiểu biết về cách nước di chuyển quanh Trái Đất” , Karen St. Germain, Giám đốc Bộ phận Khoa học Trái Đất của NASA, cho biết. “Vệ tinh sẽ cho phép nhìn thấy chi tiết về các dòng xoáy, dòng chảy và sự lưu thông trong các đại dương mà chúng ta chưa từng thấy trước đây” .
Germain nói thêm rằng điều này sẽ giúp dự đoán lũ lụt ở những khu vực có quá nhiều nước và quản lý nước ở những khu vực dễ xảy ra hạn hán.
Trong cuộc họp báo hôm 13/12, chuyên gia Selma Cherchali từ cơ quan vũ trụ Pháp CNES cho hay rằng SWOT đại diện cho một cuộc cách mạng về thủy văn học. Chúng ta đang hướng tới việc cung cấp các quan sát quy mô tốt hơn 10 lần so với công nghệ hiện tại.
Từ độ cao 890 km so với mực nước biển, SWOT sẽ có cái nhìn rõ ràng nhất về các đại dương trên thế giới, qua đó cho phép theo dõi sự gia tăng mực nước biển cũng như sông hồ.
Vệ tinh sẽ đo chiều cao của nước trong các vùng nước ngọt và đại dương ở hơn 90% bề mặt Trái Đất ít nhất 21 ngày một lần. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu về hàng triệu hồ, thay vì chỉ vài nghìn hồ hiện có thể nhìn thấy từ không gian.
NASA đang điều hành khoảng 25 nhiệm vụ quan sát Trái Đất và SWOT được ví như một chiếc kính giúp chúng ta thấy bức tranh rõ nét hơn. Thierry Lafon, người đứng đầu dự án SWOT tại CNES, cho biết sứ mệnh SWOT sẽ kéo dài trong 3,5 năm, nhưng có thể mở rộng đến 5 năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Công nghệ đột phá nằm ở trung tâm vệ tinh được gọi là KaRin, một giao thoa kế radar dải Ka, mà Lafon mô tả là “đầu tàu cho một thế hệ máy đo độ cao mới trong không gian” .
Radar sẽ gửi xuống một tín hiệu, thứ được phản xạ lại bởi mặt nước. Tín hiệu phản xạ sau đó được thu nhận bởi 2 ăng-ten, tạo ra 2 bộ dữ liệu mang lại độ chính xác cao cho việc phát hiện và phân tích nước.