NASA: Hình ảnh mới nhất cho thấy có thể từng có sông trên sao Hỏa
Những hình ảnh mới từ tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) tiết lộ rằng những con sông có thể đã từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ.
Các nhà khoa học của NASA đang sử dụng tàu thám hiểm Perseverance để khám phá miệng núi lửa Jezero Crater trên sao Hỏa. NASA cho biết, dòng sông được phát hiện trên sao Hỏa sâu hơn và chảy nhanh hơn những gì các nhà khoa học từng thấy trước đây. Nó là một phần của mạng lưới đường thủy chảy trong miệng núi lửa Jezero, một địa điểm được hình thành do vụ va chạm thiên thạch cổ đại, rộng 1.200 km.
Ngày nay, địa điểm này giống như một cái bát rỗng chứa đất và đá khô, nhưng hơn 3,5 tỉ năm trước, Jezero từng được cho là một hồ nước lớn với mạng lưới sông ngòi chằng chịt.
Tàu thăm dò sao Hỏa đã hạ cánh ở đó hơn 20 năm trước. Kể từ đó, họ vẫn luôn khám phá miệng núi lửa này, với hy vọng cuối cùng sẽ tìm thấy các dấu hiệu cho thấy sự sống của vi sinh vật cổ đại từng tồn tại.
Perseverance đang nghiên cứu đỉnh của một đống đá trầm tích cao 820 foot (250 m). Các đặc điểm cho thấy nước đã từng tồn tại.
Hàng trăm hình ảnh mới được chụp bởi thiết bị Mastcam-Z đã được nhóm Mars 2020 Perseverance ghép lại với nhau để tạo ra một bức tranh khảm lớn hơn về các khối trầm tích thô và đá cuội của khu vực này.
Trong một tuyên bố, bà Libby Ives, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết, theo Fox News: “Những vật liệu này chỉ ra rằng từng có một dòng sông chảy với động năng cao (năng lượng mà nó có được từ chuyển động của chính nó), có thể di chuyển một lượng lớn các mảnh vụn. Dòng chảy càng mạnh, dòng sông càng dễ dàng di chuyển những mảnh vụn lớn hơn.”
Tàu thám hiểm sao Hỏa có thể nhìn thấy một loạt các dải đá xếp lớp được gọi là “Đơn vị đường cong” bên trong miệng núi lửa, và tiến hành khảo sát một địa điểm được gọi là “Skrinkle Haven”.
Trong khi các nhà khoa học của NASA tự tin rằng những dải đá uốn cong này được hình thành bởi những dòng nước mạnh, thì những hình ảnh lại đặt ra câu hỏi liệu dòng sông này thuộc dạng sông nào.
Nó có thể là một dòng sông uốn khúc hoặc dạng mạng lưới chằng chịt. Từ mặt đất, những khối đá cong này dường như xếp thành hàng. Chúng có thể là tàn tích của các bờ sông đã thay đổi theo thời gian; hoặc có thể là tàn dư của các bãi cát hình thành trên sông.
Điều đáng chú ý là trước đó, những khối đá này có thể tương đối cao hơn. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng chúng đã bị gió quật đổ và xói mòn theo thời gian.
Tại một địa điểm khác, cách Skrinkle Haven khoảng 1/4 dặm (khoảng 0,4 km), được gọi là “Pinestand” . Đây là một ngọn đồi bị cô lập với các lớp trầm tích uốn cong lên, trong đó có một số lớp cao tới 66 feet (khoảng 20m).
Mặc dù các nhà khoa học đang điều tra các nguyên nhân có thể khác, các lớp trầm tích cao lớn này cũng có thể được hình thành do tác động của một dòng sông chảy mạnh.
Trong khi đó, các nhóm của NASA đang sử dụng công cụ radar xuyên đất của Perseverance, như Imaging radar cho thí nghiệm dưới bề mặt sao Hỏa, hay RIMFAX, để xem những gì đang diễn ra bên dưới bề mặt.
Cô Katie Stack Morgan, nhà khoa học của dự án Perseverance, cho biết: “Thật thú vị khi chúng tôi đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của miệng núi lửa Jezero. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy loại môi trường này trên bề mặt sao Hỏa. Quy mô của những con sông mà chúng ta nghĩ từng tồn tại trên sao Hỏa hiện nay khác với trước đây.”
Được biết, SuperCam của xe tự hành cũng có thể sử dụng tia laser của nó để làm bốc hơi đá và đất, cho phép các nhà khoa học phân tích thành phần hóa học.
Bình Minh (t/h)
Video:
NASA phóng thành công 2 vệ tinh để theo dõi bão
Ngày 8/5, NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) đã phóng thành công 2 vệ tinh nhỏ theo dõi bão hàng giờ từ một căn cứ tại New Zealand, theo tờ Space.