Nàng tiên cá trước khi bị đổi màu da nâu trên phim ảnh
Không ít khán giả chỉ ra việc tỏ thái độ không hài lòng với Halle Bailey chẳng liên quan đến vấn đề sắc tộc mà do diễn viên không phù hợp. “Những bé gái lớn lên với The Little Mermaid xứng đáng có một nàng tiên cá đích thực”, một cư dân mạng viết.
Việc Disney “đổi màu da” nàng tiên cá Ariel trong phiên bản người đóng là câu chuyện khiến cộng đồng mạng tranh cãi không ngừng suốt thời gian qua.
Theo đó, nữ ca sĩ R&B Halle Bailey sinh năm 2000 đảm nhận vai nàng tiên cá. Cô lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất ngay thời gian đầu tuyển chọn và được đạo diễn Marshall đánh giá là “sự tổng hòa hiếm có từ các yếu tố nhiệt huyết, tinh thần, tuổi trẻ, sự ngây thơ và khả năng ca hát tuyệt vời”.
Trong trailer The Little Mermaid (Nàng tiên cá) công bố ngày 10/9, Halle Bailey xuất hiện với giọng hát cao vút, làn da nâu và kiểu tóc tết dreadlocks đặc trưng của các cô gái châu Phi. Sau gần một tuần, đoạn quảng cáo đạt 1,2 triệu lượt thích nhưng hơn 2,5 triệu lượt "dislike" (không thích).
Khắp các mạng xã hội, diễn đàn phim, những cuộc tranh luận bùng nổ về việc Disney cố tình làm lệch lạc nguyên tác, phá vỡ hình ảnh kinh điển mà nhà Chuột thành công gây dựng trong tuổi thơ của nhiều người. Bên cạnh đó, có những ý kiến bênh vực rằng Andersen là nhà văn Đan Mạch nhưng người cá có thể thuộc bất kỳ chủng tộc nào, bởi ông không miêu tả chi tiết trong nguyên tác.
Vậy sự thực, Hans Christian Andersen đã viết gì?
Nguyên tác của Hans Christian Andersen miêu tả về nàng tiên cá
Truyện cổ tích Nàng tiên cá của Hans Christian Andersen, xuất bản lần đầu vào năm 1837 u ám hơn nhiều so với bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em của Disney sau này. Thông qua ngòi bút của mình, ông lặp đi lặp lại các cụm từ “chân trắng”, “tay trắng”, “đôi mắt xanh sâu thẳm” để mô tả về cô bé người cá.
Một trích đoạn trong nguyên tác của Andersen: “Her fish’s tail was gone, and that she had as pretty a pair of white legs and tiny feet as any little maiden could have; but she had no clothes, so she wrapped herself in her long, thick hair. The prince asked her who she was, and where she came from, and she looked at him mildly and sorrowfully with her deep blue eyes; but she could not speak”. (Tạm dịch: Nàng nhìn xuống thấy đuôi cá đã biến mất, thay vào đó là cặp chân trắng muốt như chân của một người con gái. Thấy mình thân thể lòa lỗ nàng vội lấy mái tóc dài quấn vào người. Hoàng tử hỏi nàng là ai, ở đâu đến, nàng nhìn chàng với đôi mắt xanh thẳm, âu yếm nhưng buồn rầu, không thể cất tiếng nói).
Bản phim hoạt hình do Disney thực hiện năm 1989, hình tượng nàng tiên cá da trắng, mắt xanh giữ đúng nguyên tác, riêng mái tóc đỏ được biến tấu vì bản gốc, nhà văn Đan Mạch chỉ đề cập đến "long waving hair" (mái tóc dài gợn sóng) chứ không miêu tả cụ thể màu tóc.
Nàng tiên cá Ariel là cá thể đã định danh không thể thay đổi
Mọi chuyện chẳng có gì to tát nếu Disney không đưa ra mô tả rằng bộ phim dựa trên tác phẩm hoạt hình năm 1989 của hãng. Disney hoàn toàn có thể lấy cái tên khác Ariel, phát triển tuyến truyện gắn kết với văn hóa của người da đen. Nhưng không, họ chọn cách xóa bỏ hình tượng tuổi thơ của khán giả. Đa số nhận định rằng The Little Mermaid làm lệch lạc nguyên tác, hướng tới bình đẳng sắc tộc để đoạt giải hay vì một mục đích "cao cả" nào khác.
"Giống Doraemon, da màu xanh dương, cụt tai, thích ăn bánh rán. Chú không phải là một con mèo máy bất kỳ, bạn không thể nào tạo hình khác với miêu tả kia được vì nó không phải Doraemon nữa! Đó là lý do chúng tôi không thể chấp nhận tạo hình mới này của Ariel, bởi nó không phải Ariel”, một khán giả bình luận.
Dragon Ball Evolution là ví dụ điển hình cho những “thảm họa” phim người đóng không tôn trọng nguyên tác khi nam chính gốc Âu Justin Chatwin thủ vai Goku. Việc “tẩy trắng” nhân vật Goku, biến họ thành những thiếu niên trung học tầm thường, thêm đó là cốt truyện rời rạc đã phá bỏ hoàn toàn hình tượng các nhân vật vốn quá quen với fan Dragon Ball suốt nhiều năm.
Kết quả, phim trở thành bom xịt phòng vé mùa hè 2009, chỉ đạt 2,5 điểm trên IMDB và thu về hơn 50 triệu USD.