Nâng tầm sông nước từ những bước chạy
"Cặp đôi hoàn hảo" - sông Sài Gòn và Đồng Nai cùng mạng lưới kênh rạch đan xen ở TP.HCM, sẽ trở thành điểm đến lý tưởng nếu biết kết hợp phát triển mô hình "4 trong 1".
Đó chính là "công thức": giao thông đường thủy, kinh tế, du lịch và thể thao. TP.HCM có quá nhiều lợi thế để xây dựng và phát huy thế mạnh của "bộ tứ" này.
Từ những bước chạy bộ
Tôi "hiến kế phát triển sông Sài Gòn", bắt đầu bằng hình ảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng gây "bão mạng", khi ông cùng cận vệ của mình chạy bộ 30 phút ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào một buổi tối tháng 11-2017.
Từ kết quả cải tạo kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố nên "thừa thắng xông lên", tiếp tục đầu tư chỉnh trang cảnh quan ven các sông rạch. Không gì lý tưởng hơn việc hình thành các đoạn đường nhỏ hai bên bờ sông, chỉ phục vụ cho người dân đi bộ hoặc đạp xe rèn luyện thể chất.
Sông ở thành phố này có lợi thế không phải bên lở bên bồi. Việc tận dụng diện tích ven sông để xây dựng các công trình công cộng vừa giúp bảo vệ sông không bị lấn chiếm, lại vừa tạo không gian thoáng đãng, thu hút người dân và du khách.
Sông Sài Gòn vẫn như "nàng công chúa ngủ quên", đoạn qua Thủ Đức, Bình Thạnh, Nhà Bè, Củ Chi còn khá nhiều dải đất thoai thoải ven bờ chưa dùng đến. Nhiệm vụ "đánh thức" để hình thành nên những điểm sinh hoạt cộng đồng, hữu ích cho sức khỏe, khai thác du lịch không hề khó.
Tiềm năng và giá trị do đặc thù sông nước luôn dồi dào sẽ rất khả thi nếu chú trọng thiết lập các hành lang có chức năng của đường "piste" chạy bộ, như hai vạch kẻ tôn lên vẻ đẹp mạnh mẽ đầy chất thể thao.
Tất nhiên, không thể thiếu mảng xanh, những hàng cây dọc theo đường chạy. Gió sông lồng lộng thổi, tha hồ sải bước chân dưới bóng mát, con người hòa mình vào thiên nhiên sẽ trở thành hiện thực ngay giữa đô thị sầm uất.
Không đơn thuần chỉ chạy bộ hoặc đạp xe, những khu vực bên bờ sông rạch đều có thể tổ chức nhiều sân chơi, bộ môn thể thao khác như bóng đá mini, bóng chuyền, bóng rổ, xà đơn xà kép, khiêu vũ tập thể… Đà Nẵng thực hiện được từ lâu, thành phố ta dù hơi muộn vẫn còn hơn không.
Bên cạnh những cây cầu hiện hữu, rất nên đầu tư nhiều cầu dành riêng cho người đi bộ. Thiết kế có tính thẩm mỹ cao, giúp người dân qua lại đôi bờ dễ dàng và độc đáo hơn ở chỗ thêm nhiều điểm selfie, check-in hấp dẫn.
Tuyệt vời biết bao nếu làm cầu đi bộ, nằm giữa cầu Sài Gòn và cầu vượt sông của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tại những vị trí "nóc nhà" thành phố như Bitexco, Landmark 81, nhìn xuống chiêm ngưỡng hẳn sẽ mang lại cảm giác thích thú hơn.
Kết hợp giao thông - du lịch - kinh tế
Các tuyến tàu cao tốc "đường dài" liên tỉnh: TP.HCM - Vũng Tàu - Côn Đảo; TP.HCM - Cần Thơ đang tiếp tục khẳng định hiệu quả trong khai thác du lịch và vận tải khách đường thủy.
Tương lai gần nên mở thêm những tuyến khác nối TP.HCM với những điểm đến vùng Đông Nam Bộ. Đường bộ có các tuyến cao tốc thì đường thủy cũng vậy, thậm chí còn thuận lợi hơn bởi khả năng kết nối sông - biển.
Du khách vốn quá quen với việc đến TP.HCM bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ đủ cả. Duy chỉ có đường thủy là vẫn còn thiếu.
Đưa thêm một món thú vị (đường sông) trong "thực đơn" di chuyển hẳn sẽ "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Hành khách được "đổi gió", thay đổi phương tiện sẽ làm phong phú thêm cho chuyến hành trình.
Đi lại ở nội đô bằng đường thủy cũng cần biết khai thác. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thương lái chở hoa quả tươi từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn cũng bằng đường sông. Kênh rạch thông thoáng giúp tăng thêm hiệu quả thông thương.
Nhân rộng mô hình chợ nổi trong lòng thành phố, thiết lập các sân khấu nhạc nước vào buổi tối cũng là điểm nhấn không nên bỏ qua. Giảm áp lực giao thông vận tải cho đường bộ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đa dạng hơn sản phẩm du lịch, sẽ có tác dụng "níu chân" du khách.
Cũng đừng quên loại hình du lịch miệt vườn khi thành phố có nhiều nơi đủ điều kiện đáp ứng. Thủ Đức với dự án du lịch sinh thái sông nước "một thoáng miền Tây" (phường Long Phước), có ý tưởng từ thập niên 2000; sông Sài Gòn đoạn lững lờ chảy qua Bình Dương đã tắm mát cho những vườn cây trái sum sê; Củ Chi có đền Bến Dược và khu di tích địa đạo, các làng nghề truyền thống làm bánh tráng, bên cạnh là "người hàng xóm" Trảng Bàng (Tây Ninh) vốn nổi tiếng với món bánh canh quyến rũ thực khách.
Thoải mái thưởng thức tại chỗ và mua làm quà mang về, giúp người dân địa phương có nguồn thu ổn định, lại vững tâm giữ gìn nghề gia truyền. Danh sách dài điểm dừng chân hấp dẫn đủ sức khiến du khách lưu luyến không muốn rời đi.
Còn do dự gì mà không tạo cơ hội cho các nhà hàng nổi tiếp tục phục vụ ẩm thực buổi tối trên sông. Vừa ăn uống vừa ngắm cảnh thành phố ban đêm là nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Lợi thế của hoạt động này nằm ở chỗ không làm ảnh hưởng giờ nghỉ ngơi của cộng đồng, phù hợp với xu hướng du lịch "không ngủ" của nhiều vị khách.
Hiện nay tuyến tàu buýt đường thủy Bạch Đằng - Linh Đông được hoạt động suốt ngày đêm, đã chứng minh rằng lượng khách đi buổi tối đông hơn ban ngày. Vậy nên, có thêm "tàu ẩm thực" làm bạn đồng hành hứa hẹn sẽ tăng hiệu quả. Những món ăn dân dã, đơn giản của nước ta rất phù hợp với nhu cầu ăn nhẹ vào ban đêm.
Quy hoạch hài hòa để phát triển kinh tế và du lịch trên sông, trong đó các cảng sông lớn, đón được tàu chở container nên tập trung về khu vực Cát Lái, Phú Hữu (thuộc TP Thủ Đức) và Q.7, huyện Nhà Bè.
Khẩn trương xúc tiến xây cầu Nhơn Trạch nối Cát Lái với Đồng Nai, chỉ cần đi thêm 40km là đến được Vũng Tàu. Địa bàn Q.1, Q.4, Q.12, Bình Thạnh, Củ Chi nên ưu tiên phát triển du lịch sông nước.
Không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của sông, vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, vừa tạo nên bản sắc sống động cho "dải lụa xanh" có 80km uốn lượn qua địa phận thành phố. Trong tương lai, trên các dòng sông cũng nhộn nhịp không kém phương tiện lưu thông, xuôi ngược chở khách, chở hàng như đường bộ.
"Biết người biết ta", khai thác hợp lý tiềm năng cùng những thế mạnh trên sông và ven sông sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn.
Sông rạch ở TP.HCM hội tụ gần như đầy đủ những gì cần có để xây dựng một đô thị mang đặc trưng sông nước. Từ những bước chạy khỏe khoắn của đương kim thủ tướng Canada, đưa hình ảnh thành phố ta đến với bạn bè quốc tế, là "cơ hội ghi bàn" cần được tận dụng thành công.
Kỳ vọng những cây cầu nối đôi bờ vui trên sông Sài Gòn Nhắc đến TP.HCM sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến vị trí của những cây cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn.