Nâng sao sản phẩm OCOP tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng nông thôn mới

Chia sẻ Facebook
20/12/2022 11:12:21

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tỉnh Bắc Giang hiện có 180 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (có 42 sản phẩm 4 sao và 138 sản phẩm 3 sao). Bên cạnh việc chú trọng phát triển về số lượng thì việc nâng cao chất lượng bằng việc nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP cũng là vấn đề được các cấp các ngành quan tâm.

Tại hội thảo "Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022", ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đánh giá cao những kết quả tích cực mà chương trình OCOP mang lại sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đây đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.


Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (chiếm 2,07% tổng sản phẩm OCOP toàn quốc trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%). Có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao là vải thiều Lục Ngạn và 01 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy hơn 75% các sản phẩm OCOP của tỉnh mới đạt ở tiêu chuẩn 3 sao tức là mới đáp ứng cơ bản các tiêu chí của chương tình đưa ra.

Điểm du lịch là Du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven huyện Yên Thế

Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Qúa trình nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP là tất yếu không phải là bắt buộc, nhưng là một trong những vấn đề luôn được các cấp các ngành quan tâm và tập trung thúc đẩy bởi đây là thước đo để nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó, mở rộng đầu ra cho sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn cho chủ thể sản xuất.

Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng phát biểu trong Hội thảo "Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP”, Bắc Giang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP, do vậy, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Các huyện, thành phố nên xây dựng danh mục cụ thể, từ đó có hành động, định hướng rõ ràng để thực hiện. Duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP chính là nâng sao cho sản phẩm. Điều này được rất nhiều người quan tâm”.

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022, tỉnh Bắc Giang có 01 sản phẩm đăng ký nâng hạn từ 3 sao lên 4 sao là Ổi Tân Yên. Chị Đỗ Thị Quyên, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyên Phong cho biết: “Năm nay, chúng tôi đăng ký nâng từ 3 sao lên 4 sao đối với sản phẩm Ổi lê Tân Yên. Việc thay đổi bao bì không chỉ bắt mắt hơn mà còn giúp sản phẩm được bảo quản tốt hơn trong quá trình vận chuyển. Với hệ thống máy sục ô-zôn, ổi sạch sẽ càng sạch, an toàn hơn”.

Trên thực tế, phần lớn các sản phẩm OCOP là các sản phẩm sơ chế, chế biến đơn giản với giá trị thấp theo quy mô nhỏ như HTX hoặc nhóm hộ sản xuất nên tiềm lục kinh tế không mạnh, việc đầu tư hoàn thiện quy trình đánh giá lại hoặc nâng sao cũng gặp nhiều khó khăn, cụ thể: Chủ thể cần chứng minh được sự mở rộng về quy mô, quy trình cũng như thị trường tiêu thụ,...và phải được đăng ký lên hội đồng thẩm định cấp tỉnh xét và công nhận mới đủ điều kiện nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; Chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 4 sao muốn lên 5 sao cần có tính đặc sắc bản địa, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý tiên tiến, hơn nữa cần tiếp cận với thị trường quốc tế,... được hội đồng thẩm định cấp Trung ương xét duyệt và công nhận. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đánh giá lại, nâng sao sản phẩm OCOP chưa đủ sức hấp dẫn các chủ thể tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Thêm vào đó, những khó khăn và hạn chế về chất lượng, hình thức tổ chức sản xuất, mẫu mã bao bì sản phẩm... của các doanh nghiệp, hợp tác xã, việc thiếu những quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình là những rào cản khiến sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP chưa đạt được mức cao.

Xác định rõ những tồn tại, hạn chế này, UBND tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh chỉ đạo triển khai giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đối với các cấp các ngành cần chủ động hỗ trợ kinh phí cấp các chứng nhận về quy trình sản xuất, tăng cường hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng hàng năm. Đối với các chủ thể sản xuất cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao cho sản phẩm.

Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang là điều cần thiết bởi các sản phẩm OCOP khi từ 4 sao trở lên sẽ khẳng định được thương hiệu, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó không chỉ giải quyết được bài toán về đầu ra cho sản phẩm mà còn có cơ hội đưa sản phẩm đến rộng rãi với thị trường trong nước và quốc tế, cải thiện đời sống cho người dân góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.


Hà Anh

Chia sẻ Facebook