Nắng nóng và mưa lũ: Sự cảnh báo dữ dội

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 09:32:13

"Hỗn loạn khí hậu", "Trái đất chệch đường ray", "Giới hạn của sự chịu đựng", "Đại dương mất trí nhớ"... là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên truyền thông quốc tế trong tuần thứ 3 của tháng 5/2022.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, trong năm 2021, các đợt nắng nóng khốc liệt ở Tây Bắc Mỹ, Địa Trung Hải; lũ lụt chết người ở Trung Quốc và Tây Âu; lần đầu tiên có mưa trên đỉnh khối băng Greenland... cho thấy khí hậu đang biến đổi dữ dội. Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng của năm 2022 này, những gì đang diễn ra cho thấy tình hình còn nguy hiểm hơn.

Nắng nóng dữ dội gây ra những đám cháy rừng tại bang Oregon (Mỹ). Nguồn: Shutterstock.


Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO: "Khí nhà kính do con người gây ra sẽ làm ấm hành tinh trong nhiều thế hệ sau. Một số sông băng tan chảy đã đạt đến điểm không thể phục hồi, gây ra hậu quả lâu dài trong một thế giới mà hơn 2 tỉ người đã phải trải qua căng thẳng về nước". Trong khi đó, Văn phòng MET (Cơ quan thời tiết Anh) lại cho rằng những đợt nắng nóng khủng khiếp tại Ấn Độ và Pakistan vừa qua vẫn chưa phải là đỉnh điểm, vì tâm điểm mùa hè sẽ rơi vào tháng 6.

MET cho rằng, khả năng tái diễn năm nhiệt độ "tử thần" 2010 trong năm nay là rất có thể, nhiệt độ tối đa có thể đạt tới 50 độ C ở một số nơi. "Đó là ác mộng bởi ở khung nhiệt độ đó thì mùa màng bị hủy hoại còn đời sống và con người bị truy đuổi" - theo MET.

Đáng chú ý, nhiều khu vực của Tây Ban Nha đang trải qua tháng 5 nóng chưa từng thấy, với nhiệt độ ở Jaén lên đến 40,3 độ C vào ngày 20/5, cao hơn 16 độ C so với nhiệt độ trung bình tháng 5 của thành phố này. Những khu vực khác ở Tây Ban Nha ghi nhận mức nhiệt cao hơn ít nhất 7 độ C so với mọi năm. Cơ quan Thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) đã ban bố cảnh báo nắng nóng bất thường đối với 17 vùng trên khắp cả nước.

Một người bán nước ở New Delhi (Ấn Độ) trong cái nóng gay gắt. Ảnh: REUTERS.

Đại dương mất tính chu kỳ và "mất trí nhớ"

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng đó là thất bại của nhân loại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. "Tương lai bền vững duy nhất là một tương lai có thể tái tạo. Gió và mặt trời luôn sẵn có và trong hầu hết trường hợp đều rẻ hơn than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu chúng ta cùng hành động, việc chuyển đổi năng lượng tái tạo có thể là dự án hòa bình của thế kỷ XXI" - ông Guterres kêu gọi.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu như trong 2 năm đại dịch Covid-19, thế giới có khoảng 15 triệu người đã chết vì dịch bệnh, trong khi ô nhiễm giết chết tới 9 triệu người/năm, tương đương 1/6 ca tử vong toàn cầu do mọi nguyên nhân. Tạp chí Lancet Planetary Health dẫn một nghiên cứu cho rằng ô nhiễm từ công nghiệp và đô thị hóa cũng là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, đã làm tăng thêm 7% số ca tử vong do ô nhiễm chỉ từ năm 2015 đến 2019.

Nếu đúng quy luật, khi chu kỳ La Nina xuất hiện sẽ dẫn tới trạng thái "nguội" toàn cầu một cách tự nhiên. Nhưng năm nay đã khác, cho dù có sự hiện diện của La Nina thì mùa hè đã đến rất sớm và khốc liệt ở Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước Nam Á khác. Việc đại dương "mất tính chu kỳ" đã tạo ra sự thất thường của khí hậu. Giới khoa học gọi đó là đại dương "mất trí nhớ", trong khi chính biển cả lại là nơi cân bằng nhiệt độ toàn cầu.

Thật đáng lo ngại khi Tiến sĩ Alexandre Lees từ (Đại học Manchester Metropolian, Anh), lại cho biết có tới 48% loài chim trên thế giới đang bị suy giảm số lượng. Thống kê năm 2019 cho thấy số chim ở Bắc Mỹ đã giảm gần 3 tỉ con so với năm 1970. Số phận tương tự bủa vây hàng triệu con khác ở châu Âu. Ít nhất một nửa loài chim ở Nam Phi đang mất môi trường sống và chết dần.

Trong khi giới khoa học cho rằng chim chính là chiếc chuông báo động của Trái đất. Việc suy giảm số lượng các loài chim được coi là hiệu ứng "chim hoàng yến trong mỏ than": Những người thợ mỏ hay đem theo một con chim hoàng yến, loài vô cùng nhạy cảm với những yếu tố độc hại trong môi trường. Khi con chim hoàng yến chết bất thường, họ phải nhanh chóng ra khỏi mỏ để bảo toàn tính mạng.

Sự nóng lên bất thường tại nhiều vùng Trái đất kể từ tháng 3 đến nay cũng đã tác động tới các hìnht hái cấu trúc được cho là "vĩnh cửu" ở Nam Cực lạnh giá. Giáo sư Patricia Yager (Khoa Khoa học hàng hải, Đại học Georgia, Mỹ), cho biết sông băng Thwaites (còn gọi là Sông băng ngày tận thế) đang tan chảy, khiến hải cẩu và chim cánh cụt cũng lao đao.

Theo nhà sinh vật học Marcela Libertelli (Viện Nam Cực Argentina) thì chim cánh cụt ở Nam Mỹ có thể tuyệt chủng trong vòng 50 năm nữa. "Nếu như hiện tượng tan băng ở Nam Cực đẩy hải cẩu và chim cánh cụt và chỗ suy tàn thì nó lại làm mực nước biển dâng lên, nhấn chìm nhiều vùng đất ven biển trên phạm vi toàn cầu, có thể tước đi nguồn sống của trên dưới 1 tỷ người"- cảnh báo của Tiến sĩ Libertelli.

Không chỉ mùa hè mà mùa mưa bão cũng đến sớm

Nếu như tại nhiều vùng ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã và đang tiếp tục sống trong "chảo lửa", thì Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người lại phải chịu đựng cảnh lũ lụt ở cả miền Bắc lẫn miền Nam.

Bloomberg dẫn dự báo của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc (NCC) cho thấy lũ lụt ở miền Bắc và miền Nam nước này có thể còn diễn biến phức tạp hơn khi mà người dân ở 22 quận/huyện thuộc tỉnh Quảng Tây bị ảnh hưởng bởi mưa lớn hồi giữa tháng 5. Còn tại Quảng Đông, nhiều thành phố buộc phải đóng cửa các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học do những trận mưa như trút nước.

Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn cùng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho rằng các thành phố phải cảnh giác và nhận ra mối nguy hiểm ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hồi năm ngoái, lũ lụt ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến 398 người thiệt mạng. Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Swiss Re Institute (Thuỵ Sĩ) cho rằng năm 2021 Trung Quốc thiệt hại khoảng 25 tỉ USD do lũ lụt.

Tương tự, tại Nam Phi, mưa lớn và lụt lội cũng đang gia tăng cường độ. Rất nhiều người đã phải sơ tán đến nơi an toàn sau khi mưa lớn một lần nữa trút xuống tỉnh ven biển KwaZulu-Natal. Ông Sipho Hlomuka, thành viên hội đồng điều hành Bộ Hợp tác chính phủ và Các vấn đề truyền thống Nam Phi (CGTA) cho biết thêm một vài khu vực "đã thành đảo" và không thể tiếp cận nổi chỉ sau một đợt mưa lớn. Cơ quan Thời tiết Nam Phi trong ngày 26/5 cho biết, đợt mưa lớn đã diễn ở một vài khu vực thuộc vùng KwaZulu-Natal, với mức độ cảnh báo duy trì ở mức 10 - mức cao nhất. Đây được coi là hình thái thời tiết bất thường liên quan tới biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu.


Nếu như khu vực Nam Á và Trung Đông nhiều nơi nắng nóng đến sớm, kéo dài gây hạn hán và những trận bão bụi, thì nhiều nơi lại mưa như trút nước. Tại Australia, giới chức các bang Queensland, New South Wales và Tây Úc đã đồng loạt cảnh báo rủi ro lũ lụt vì thời tiết xấu. Tại Canada, nhà chức trách thông báo, trận giông bão mạnh quét qua 2 tỉnh đông dân nhất nước này mới đây là cảnh báo nguy hiểm khi mùa mưa lũ đã đến gần.

Bí ẩn "cổng địa ngục" cháy không ngừng hơn 50 năm: Khoa học vào cuộc, chưa thể dập tắt

Chia sẻ Facebook