Nắng nóng kỷ lục gần 50 độ C, một quốc gia vẫn phải cắt điện 9 tiếng/ngày, người dân than ‘lần đầu trải qua một năm không có mùa xuân’
Tình trạng nắng nóng tại khu vực này có thể sẽ là viễn cảnh thế giới phải đối mặt trong tương lai khi nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng lên.
Tờ The Guardian vừa chia sẻ câu chuyện của ông Nazeer Ahmed, một người dân đang sống tại thành phố Turbat, miền nam Pakistan. Ông tâm sự mình đang phải sống ở một trong những khu vực nóng nhất Trái Đất sau khi đợt nắng kỷ lục quét qua Ấn Độ và Pakistan trước đó đẩy nhiệt độ trung bình tại đây lên tới gần 50 độ C trong suốt nhiều tuần. Người dân địa phương không những chỉ có thể làm việc vào ban đêm, khi nhiệt độ giảm xuống, mà còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và điện trầm trọng.
NẮNG NÓNG KỶ LỤC
Với Ahmed, viễn cảnh đen tối mới chỉ bắt đầu. Ông lo sợ rằng nhiệt độ sẽ sớm tăng cao hơn nữa bởi đây mới chỉ chớm hè. Hồi năm 2021, nhiệt độ trung bình tại thành phố Turbat trong tháng 5 còn được cho là cao nhất thế giới sau khi chạm mốc 54 độ C.
“Tuần trước ở Turbat nóng kinh khủng. Nó không giống như tháng 4 chút nào”, Ông Ahmed nói.
Nắng nóng khiến Ấn Độ và Pakistan - những nơi vốn chịu thiệt hại nặng nề do khan hiếm điện và năng lượng nay càng thêm khốn đốn. Turbat, thành phố với khoảng 200.000 dân đã buộc phải cắt điện tới 9 tiếng/ngày để giảm áp lực lên hệ thống điện chung, song điều này đồng nghĩa với việc người dân phải tự mình chống chọi với cái nóng - không quạt, không cả máy lạnh.
“Chúng tôi đang sống trong địa ngục”, ông Ahmed nói.
Ông Ahmed đã nói thay tâm sự của rất nhiều người dân Ấn Độ - những người đang hứng chịu sâu sắc sự khắc nghiệt của tình trạng biến đổi khí hậu. Khu vực Tây Bắc và miền Trung Ấn Độ đã trải qua tháng 4 nóng nhất trong suốt 122 năm. Các bang như Tây Bengal và Odisha cũng buộc phải đóng cửa trường học vì ghi nhận quá nhiều trường hợp học sinh chảy máu cam do nắng nóng kéo dài. Tại Jacobabad, thành phố ở tỉnh Sindh, Pakistan, nhiệt độ cũng đã lên tới 49 độ C hôm 30/4 vừa qua - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong tháng 4.
MÙA MÀNG THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG
Theo The Guardian, đợt nóng kỷ lục này đã tàn phá nhiều loại cây trồng, từ lúa mì đến trái cây và rau củ. Cụ thể, tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sản lượng lúa mì đã giảm tới 50%. Khan hiếm nguồn cung, một hệ lụy từ sau xung đột căng thẳng Nga - Ukraine theo đó lại càng thêm phần dai dẳng.
Tại quận Mastung, Balochistan của Pakistan, mùa màng bị tàn phá dữ dội. Anh nông dân Haji Ghulam Sarwar Shahwani đau khổ nhìn những cây táo của mình ra hoa sớm, sau đó nhanh chóng héo úa trong cái nóng thiêu đốt. Toàn bộ số cây trồng coi như mất trắng.
“Đây là lần đầu tiên mùa màng của chúng tôi bị tàn phá kinh khủng đến vậy”, Shahwani nói. “Chúng tôi không biết phải làm gì vì không có sự trợ giúp của chính phủ. Hoạt động trồng trọt suy giảm vì hoa quả không thể ra trái. Nông dân chúng tôi thiệt hại rất nhiều”.
Theo bà Sherry Rehman, Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu của Pakistan, nước này đang phải đối mặt với một một "cuộc khủng hoảng hiện hữu" khi điều kiện thời tiết cực đoan ở mức báo động. Bà cũng cảnh báo đợt nắng nóng này đang khiến các sông băng phía bắc Pakistan tan chảy với tốc độ chưa từng có và hàng nghìn người có thể phải đối mặt với lũ lụt.
“Các vấn đề khí hậu vẫn đang diễn ra và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu không sớm hành động”, bà nói. "Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua một năm không có mùa xuân".
NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU
“Những đợt nắng nóng khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài không còn được coi là nguy cơ nữa. Nó đã xảy ra rồi và điều này là khó tránh khỏi ”, Giáo sư Abhiyant Tiwari thuộc Viện Quản lý Thảm họa Gujarat cho biết.
Theo The Guardian, hồi cuối tuần qua, Bikaner là khu vực nóng nhất tại Ấn Độ với mức nhiệt lên tới 47,1 độ C, theo Cục Khí tượng Ấn Độ. Tuy nhiên, tại khu vực phía tây bắc Ấn Độ, hình ảnh vệ tinh lại cho thấy nhiệt độ có lúc đã vượt quá 60 độ C ở một số nơi.
“Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận là phía đông nam và tây nam Ahmedabad, với nhiệt độ bề mặt tối đa là khoảng 65 độ C”, Cơ quan Vũ trụ châu Âu thông báo.
Đáng nói hơn cả, cái nóng kỷ lục này lại đến đúng vào khoảng thời gian người dân Ấn Độ và Pakistan phải chịu đựng cảnh cắt điện liên miên. Nhiều nhà máy đã buộc phải dừng hoạt động.
Tình trạng diễn ra tại rất nhiều bang, bao gồm Jharkhand, Haryana, Bihar, Punjab và Maharashtra do nguồn cung than trong nước giảm trầm trọng trong khi giá than nhập khẩu tăng vọt. Để khắc phục, hệ thống đường sắt Ấn Độ trước đó đã phải hủy bỏ hơn 600 chuyến tàu chở khách và hàng hóa để nhường chỗ cho việc vận chuyển than đến các nhà máy điện.
Theo: The Guardian
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế