Nắng nóng giáng mạnh vào kinh tế Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 22:28:54

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm tốc đáng kể do dịch bệnh và tác động từ khủng hoảng ngành địa ốc. Giờ đây, đợt nắng nóng kỷ lục sẽ khiến tình hình càng thêm tồi tệ.

Nắng nóng giáng mạnh vào kinh tế Trung Quốc

Nói với CNBC, bà Dan Wang - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc - cho rằng đợt nắng nóng nghiêm trọng tại Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thứ hai thế giới.

Bà cho rằng đợt nắng nóng kỷ lục có thể kéo dài 2-3 tháng tới.

Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã ghi nhận những ngày nóng kỷ lục. Hôm 15/8, đài thiên văn của nước này phải ban hành cảnh báo đỏ. Khu vực sông Dương Tử lao đao vì sự cố mất điện. Cây trồng và vật nuôi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nắng nóng.

Trung Quốc đang đối mặt với cơn sóng nhiệt kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của con người, cây trồng và vật nuôi. Ảnh: AP.

Nắng nóng kỷ lục, mất điện kéo dài

Theo AFP, các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đang hứng chịu những ảnh hưởng xấu liên quan tới giá cả và sinh hoạt vì thời tiết cực đoan.

Chẳng hạn, giá trứng đã tăng lên mức kỷ lục vì sản lượng giảm mạnh. Nắng nóng gay gắt cũng gây ra tình trạng mất mùa ở một số khu vực, làm gia tăng áp lực lạm phát.

Theo truyền thông Trung Quốc, hầu hết khu vực thuộc lưu vực sông Dương Tử đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục kể từ tháng 7. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, lượng mưa trong khu vực đã giảm khoảng 45% so với mức trung bình những năm qua.

"Chúng ta còn đang ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất của ngành thép, hóa chất và phân bón. Đó đều là những lĩnh vực quan trọng đối với xây dựng, nông nghiệp và sản xuất nói chung", bà Wang bình luận.

Nắng nóng gay gắt cũng gây ra mất mùa ở một số khu vực của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nắng nóng kỷ lục và tình trạng mất điện gợi nhớ đến đợt cắt điện trên diện rộng tại Trung Quốc vào năm ngoái. Thời điểm đó, các trung tâm sản xuất như Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Theo ước tính của chúng tôi, đợt thiếu điện hồi năm ngoái đã khiến mức tăng trưởng GDP chung của Trung Quốc giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm. Năm nay, con số này sẽ cao hơn nhiều", bà Wang cảnh báo.

"Tăng trưởng GDP có thể sụt giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm", bà dự báo.

Khủng hoảng nối khủng hoảng

"Ở thời điểm hiện tại, chúng ta dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc là 4%. Nhưng nếu tình hình này tiếp diễn, tốc độ tăng trưởng có thể rơi xuống dưới 3%", vị chuyên gia cảnh báo.

Đợt nắng nóng kỷ lục diễn ra khi kinh tế Trung Quốc vốn đã giảm tốc tăng trưởng vì các đợt bùng phát Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo số liệu do được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp của nước này đã tăng 3,8%, thấp hơn mức dự báo và tốc độ tăng của tháng 6.

Theo ước tính của chúng tôi, đợt thiếu điện hồi năm ngoái đã khiến mức tăng trưởng GDP chung của Trung Quốc giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm. Năm nay, con số này sẽ cao hơn nhiều

Bà Dan Wang - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc

Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ và chỉ số đầu tư tài sản cố định cũng tăng thấp hơn kỳ vọng.

Trong tháng 8, đảo Hải Nam - nơi được mệnh danh là "Hawaii phương Đông" - ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng. Chính quyền địa phương đã hoãn các chuyến bay và dừng hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh để dập dịch.

Trong khi đó, các nhà sản xuất từ quần áo đến đồ gia dụng tại Trung Quốc đều ghi nhận số lượng đơn hàng từ nước ngoài sụt giảm.

"Rủi ro giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang tăng lên. Các chỉ số chủ chốt trong tháng 8 cho thấy tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tháng 7 do dịch bệnh tiếp tục lan rộng", ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered, nhận định.

Cuộc khủng hoảng tiền mặt của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc cũng khiến số dự án mới giảm mạnh. Có đến 5% dự án nhà ở bị tạm dừng thi công. Điều này đã làm dấy lên làn sóng dừng trả khoản vay thế chấp từ phía người mua nhà. Nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động nghiêm trọng từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc.

Theo các ước tính, ngành công nghiệp bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 25% GDP Trung Quốc.

Standard Chartered hiện dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc là 4,1%. Trong khi đó, mức dự báo tăng trưởng trung bình của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát là 3,8%.

Thảo Phương


Zing.vn

Chia sẻ Facebook