Năng lượng Nga đang thành “hàng ế” ở Trung Quốc?
Người mua ở Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng hơn đối với thương mại và đầu tư năng lượng với Nga. Một số đang tạm dừng hoặc giảm mua, trong khi những người khác chọn giao dịch thông qua bên thứ ba.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, mọi con mắt đều đổ dồn vào Trung Quốc. Họ chờ xem liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hỗ trợ gì cho nước láng giềng phương bắc và "đối tác chiến lược" về ngoại giao hoặc kinh tế hay không.
Gần ba tháng trôi qua, phía Trung Quốc không hề có sự hỗ trợ ngoại giao nào, nhưng cũng không lên án chiến dịch quân sự của Nga như nhiều chính trị gia phương Tây từng dự đoán.
Mặt khác, bất chấp sức ép và nỗ lực của phương Tây nhằm cắt đứt huyết mạch kinh tế với Nga, các số liệu thương mại mới nhất giữa hai nước dường như cho thấy Bắc Kinh và Moscow đã có sự hợp tác khá tốt. Vào tháng 4, nhập khẩu hàng tháng của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục 8,89 tỷ USD, tăng 56,6% so với một năm trước đó và cao hơn 13,3% so với tháng 3.
"Ốc không mang nổi mình ốc"
Thế nhưng, viễn cảnh này có thể trở nên xám xịt hơn. Theo các chuyên gia, thay vì tăng cường mua các sản phẩm của Nga, Trung Quốc sẽ cảm thấy ngần ngại, đặc biệt là khi những đợt phong toả nghiêm ngặt do dịch bệnh đã "giáng đòn" vào các khu vực giàu có nhất ở Trung Quốc trong hai tháng qua, bóp nghẹt nền kinh tế và kìm hãm nhu cầu.
Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng thương mại bình thường với Nga sẽ tiếp tục bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, họ cần có sự tính toán liệu các sản phẩm giảm giá của Nga bị nhiều nước xa lánh có đủ rẻ để bù đắp cho những rủi ro và bất ổn xung quanh việc thanh toán, vận chuyển và khả năng bị trừng phạt thứ cấp hay không.
Hiện tại, khoảng 80% hàng hóa Nga nhập khẩu của Trung Quốc là khoáng sản và dầu thô chiếm hơn 70% lượng khoáng sản nhập khẩu đó, theo tính toán của SCMP dựa trên số liệu của hải quan Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là bất kỳ sự biến động nào của giá dầu thô trên thị trường toàn cầu sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong tổng lượng nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc.
Các tính toán của Post cũng chỉ ra rằng giá nhập khẩu dầu thô trung bình trong tháng 4 cao hơn 70,3% so với cùng thời điểm năm 2021. Và giá dầu thô của Nga cũng tăng 50,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga tăng 26,39% so với cùng thời điểm năm ngoái, tính theo đô la Mỹ, trong đó nhập khẩu dầu thô tăng 29,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Và vào tháng 4, các con số lần lượt là 56,6 và 59,01%.
Ngay cả khi lượng dầu và khí đốt từ Nga giảm, khi được bán với giá cao hơn, doanh thu của Nga vẫn cao và có khả năng còn cao hơn so với trước đây.
Trung Quốc được cho là sẽ nhập khẩu nhiều dầu thô của Nga hơn kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào cuối tháng 2, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt của phương Tây leo thang. Mỹ và Anh tuyên bố cấm nhập khẩu dầu của Nga và Liên minh châu Âu thông báo trong tuần này một kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khoảng thời gian 5 năm.
Thế nhưng, các số liệu thương mại theo khối lượng đã nói lên một câu chuyện khác. Trong tháng 3, mặc dù giá trị nhập khẩu tăng, lượng nhập khẩu dầu thô của Nga đã giảm 14,12% so với cùng kỳ năm ngoái - tương đương với mức giảm 14% của tổng lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu trong cùng tháng.
Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Oxford cho biết: "Các biện pháp trừng phạt nhằm giảm doanh thu của Nga cũng đồng nghĩa với việc giảm nguồn cung dầu và khí đốt của Nga trên thị trường toàn cầu, từ đó bóp nghẹt thị trường toàn cầu và tăng giá."
"Nhưng có những hợp đồng và những thứ không thể thay đổi được. Điều đó có nghĩa là không phải tất cả người mua đều có thể ngừng mua dầu và khí đốt của Nga. Ngay cả khi khối lượng xuất khẩu từ Nga giảm, với giá cao hơn, doanh thu của Nga vẫn cao và có khả năng còn cao hơn so với trước đây."
Trong tháng 4, lượng dầu thô của Nga đến Trung Quốc tăng 2,6% so với tháng trước, so với mức tăng 6,6% từ tất cả các nguồn nhiên liệu.
Theo ông Zha Daojiong, một giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Bắc Kinh, nhu cầu của Trung Quốc đang ngày càng giảm. Nguyên nhân xuất phát từ các đợt phong toả nghiêm ngặt kéo dài ở Thượng Hải và nhiều nơi khác trên cả nước.
"Thượng Hải bị phong toả, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường Trung Quốc trở nên yếu hơn bình thường," Zha nói.
Trước khi cuộc xung đột bắt đầu, Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô từ Nga. Quốc gia này là nơi cung cấp nguồn cung ứng phổ biến cho các nhà máy lọc dầu nhỏ độc lập, do vị trí địa lý gần sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển.
Năm 2021, 72% dầu thô Trung Quốc được mua từ nước ngoài và khoảng 79,6 triệu tấn (tương đương 15,5% tổng lượng dầu thô nhập khẩu) là từ Nga - nhà cung cấp lớn thứ hai sau Ả Rập Xê-út. Hầu hết dầu thô của Nga được chuyển đến Trung Quốc bao gồm ESPO Blend từ cảng Kozmino ở viễn đông. Năm ngoái, khoảng 80% các chuyến hàng ESPO Blend bằng đường biển đã được xuất xưởng ở Sơn Đông, cho thấy hầu hết đã đến các nhà máy lọc dầu độc lập, Song tại S&P cho biết.
"Trong những tháng gần đây, chúng ta đã thấy con số này giảm xuống 70% hoặc thấp hơn một chút, và điều này một phần là do các nhà máy lọc dầu độc lập giảm số lần vận hành nhà máy lọc dầu của họ để đáp ứng nhu cầu giảm cũng như các vấn đề liên quan khác với các biện pháp phòng chống Covid-19," bà cho hay.
Các công ty lớn hơn sẽ thận trọng hơn
Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cho đến nay vẫn chưa được mở rộng đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này với các nước khác, nhưng hầu hết người mua ở Trung Quốc đang hành động một cách thận trọng hơn đối với thương mại hoặc đầu tư năng lượng với Nga. Họ chọn cách ngừng hoặc giảm mua hoặc giao dịch thông qua bên thứ ba, theo một nhà nghiên cứu và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh năng lượng, nói với điều kiện giấu tên.
Nguời này cho biết: "Các công ty lớn hơn có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu sẽ thận trọng hơn vì sợ rằng hoạt động kinh doanh của họ ở Mỹ hoặc toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt."
Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin rằng Bắc Kinh đang đàm phán với Moscow để mua thêm dầu, nhằm tăng cường lượng dự trữ dầu thô chiến lược của Trung Quốc.
Không giống như các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước, vốn được cho là phải thận trọng hơn với tư cách là đại diện của nhà nước, các thương nhân độc lập có nhiều khả năng sẽ tận dụng cơ hội để mua các thùng dầu rẻ hơn của Nga, Meidan nói.
"Tuy nhiên, đối với các công ty lọc dầu độc lập, việc tiếp cận nguồn tài chính sẽ khó hơn," bà nói.
Lo ngại về những tác động có thể xảy ra bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, các chi nhánh ở nước ngoài của một số ngân hàng lớn của Trung Quốc được cho là đã ngừng các giao dịch tài trợ liên quan đến hàng hóa của Nga ngay sau khi cuộc xung đột bắt đầu.
"Để giải quyết vấn đề này, có thể có các yêu cầu thanh toán trước cho hàng hóa chưa đến nơi. Nhưng với giá dầu cao như hiện nay, điều này sẽ cản trở rất nhiều việc dùng vốn cho các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ hơn và ngăn việc họ mua hàng hóa của Nga," Song nói.
Meidan cho biết, với việc Bắc Kinh đã tăng gấp đôi sự nghiêm ngặt của chính sách Zero-Covid và việc vận chuyển xuyên khu vực bị hạn chế kể từ tháng 3, vẫn chưa rõ khi nào nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại.
Đối với khí đốt tự nhiên, Nga là nhà cung cấp lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Australia và Turkmenistan. Nhưng kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu, giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga đã giảm xuống, mặc dù giá toàn cầu tăng vọt.
Theo các chuyên gia, Nga không thể chuyển hướng đường ống dẫn khí đốt từ châu Âu sang Trung Quốc do hạn chế về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Elizabeth Wishnick, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại CNA, một tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cho biết Nga sẽ có cơ hội bán thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc.
Sau khi giảm 19,4% trong tháng 3 cùng năm, khối lượng nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng trở lại vào tháng 4, tăng 79,63% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Tuy nhiên, vận chuyển LNG có thể là một trở ngại khác, vì các tàu mang cờ quốc tế sẽ gặp khó khăn trong việc này, trong khi Nga thiếu tàu chở dầu chịu được băng đá, Wishnick nói.
Cô nói: "Nga đã đưa các tàu chở dầu của Hàn Quốc vào biên chế, nhưng Hàn Quốc lại đang tuân thủ các biện pháp trừng phạt và đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hải và thiết bị hàng hải. Các công ty Trung Quốc đã hợp tác với Nhật Bản và Phần Lan để đóng các tàu chở LNG chịu được băng đá để sử dụng ở Bắc Cực của Nga, nhưng cả Nhật Bản và Phần Lan đều đang tuân thủ các lệnh trừng phạt, vì vậy vẫn chưa rõ sẽ có những tác động gì có thể xảy ra."
So với dầu, việc giảm giá mạnh từ các công ty khai thác than của Nga gần đây đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người mua Trung Quốc, theo dữ liệu hải quan và vận tải hàng hoá.
Than đá là sản phẩm quan trọng thứ hai của Nga mà Trung Quốc không nhập khẩu, với giá trị thương mại của nó bằng khoảng 1/8 giá trị của dầu thô, theo tính toán của Post.
Nhập khẩu than của Nga của Trung Quốc đã tăng lên, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh không chính thức cấm nhập khẩu than của Australia vào cuối năm 2020 do căng thẳng chính trị với Canberra. Năm 2021, nước này trở thành nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc sau Indonesia, cung cấp 52 triệu tấn - bao gồm 37,3 triệu tấn than nhiệt và 10,7 triệu tấn than cốc - và chiếm 14,4% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tương tự như tình hình thương mại dầu mỏ, lượng than nhập khẩu của Nga trong tháng 3 đã giảm 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của cơ quan hải quan. Theo Pranay Shukla, phó giám đốc S&P Global Market Intelligence, nguyên nhân chủ yếu là do các thương nhân Trung Quốc hạn chế mua khi các ngân hàng đình chỉ việc phát hành thư tín dụng (LC) đối với hàng hóa chở than của Nga.
Thế nhưng, việc Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với tất cả than nhập khẩu (trước đây chỉ có than Indonesia được miễn thuế) từ ngày 1/5 sẽ hỗ trợ thêm cho hàng hóa than của Nga, theo các chuyên gia.
Shukla cho biết: "Vào tháng 5/2022, các chuyến hàng bằng đường biển dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 7,5 triệu đến 8,5 triệu tấn.
Theo Minh Phương