Năng lực sản xuất vũ khí Ukraine bị tổn hại nặng nề vì loạt cuộc tập kích tầm xa của Nga?

Chia sẻ Facebook
12/01/2024 04:56:33

Loạt các cuộc tập kích của Nga nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể đến năng lực sản xuất vũ khí cho quân đội, báo Nga Izvestia đưa tin.


Ukraine đang trải qua mùa đông đầy khó khăn khi Nga đẩy mạnh tập kích bằng tên lửa tầm xa.

Đây là tuyên bố của nhà khoa học chính trị người Ukraine, Vadim Karasev, đưa ra hôm 8/1 trong một cuộc phỏng vấn. Ông Karasev hiện là Giám đốc Viện Chiến lược Toàn cầu ở Kiev.

"Năng lực sản xuất vũ khí của Ukraine đang bị ảnh hưởng đáng kể, từ sản xuất đạn pháo, đạn xe tăng cho đến các vũ khí phức tạp. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực chiến đấu của quân đội", ông Karasev nói.

Nga bắt đầu tập kích dữ dội ở Ukraine kể từ ngày 29/12. Khác với chiến lược tập kích năm ngoái nhắm đến cơ sở hạ tầng năng lượng, các cuộc tập kích của Nga hiện nay chủ yếu nhắm tới nhà máy, xưởng sản xuất vũ khí của Ukraine.

"Nga cũng giáng đòn không kích nhằm vào các căn cứ không quân, nơi các chiến đấu cơ Su-24 mang tên lửa hành trình Storm Shadow của Ukraine cất cánh để tấn công mục tiêu ở bán đảo Crimea", ông Karasev cho biết.

Hôm 8/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội nước này đã giáng đòn không kích tầm xa nhằm vào các cơ sở sản xuất vũ khí, kho đạn, nơi Ukraine tập hợp lực lượng và trang thiết bị quân sự.

Theo tờ Kyiv Post, 8/1 là ngày tồi tệ nhất kể từ đầu chiến sự khi Ukraine chỉ đánh chặn không đến một nửa số tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát được Nga sử dụng tập kích.

Theo thống kê của quân đội Ukraine, Nga đã phóng tổng cộng 59 tên lửa và UAV trong cuộc tập kích ngày 8/1. Kiev đánh chặn 18 tên lửa hành trình và 8 UAV tự sát. Tất cả các tên lửa đạn đạo của Nga, bao gồm 4 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đều xuyên qua mạng lưới phòng không Ukraine.

Tỉ lệ đánh chặn thành công hôm 8/1 chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình mà Ukraine tuyên bố là 80%.

Theo truyền thông Ukraine, quân đội Ukraine hiện sở hữu 2 hoặc 3 tổ hợp phòng không Patirot do Mỹ sản xuất và 2 tổ hợp phòng không SAMP/T do Italia và Pháp cung cấp. Đây là các hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Vị trí đặt các hệ thống phòng không này là bí mật quân sự. Nhưng Ukraine thường bố trí từ 1-2 tổ hợp phòng không Patriot để bảo vệ vùng trời ở thủ đô Kiev.

Trong cuộc tập kích ngày 8/1, Nga tuyên bố giáng đòn nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở sản xuất vũ khí của Ukraine gần các thành phố Kryvyi Rih, Kharkiv, Zaporizhzhia và Dnipro.

Hôm 7/1, trả lời báo Mỹ Wall Street Journal, Phó Thủ tướng Ukraine Mikhail Fedorov thừa nhận quân đội đang sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) như một giải pháp tạm thời để bù đắp sự thiếu hụt về đạn pháo.

"Chúng tôi tăng cường sử dụng UAV FPV vì thiếu nguồn cung đạn pháo", ông Fedorov nói. "Tất nhiên, UAV không thể thay thế hoàn toàn lực lượng pháo binh".


Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Chia sẻ Facebook