Năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh rất tốt, Hà Nội tốt, TP.HCM khá

Chia sẻ Facebook
27/04/2022 12:16:36

Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, hai trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước là Hà Nội đứng thứ 10, TP.HCM đứng thứ 14.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại lễ công bố PCI 2021 - Ảnh: Đ.TH

Xếp hạng được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021), công bố ngày 27-4, tại Hà Nội.

Báo cáo PCI được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện và công bố thường niên từ năm 2005 đến nay để ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để thực hiện PCI 2021, nhóm nghiên cứu của VCCI đã thực hiện khảo sát, điều tra, ghi nhận ý kiến của 11.312 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các nhận định đưa ra trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm thể hiện cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo PCI 2021, trong thang điểm 100, tỉnh Quảng Ninh đạt 73,02 điểm, dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất được cộng đồng doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2021 đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh rất tốt.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh địa phương này dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Các địa phương còn lại nằm trong nhóm 10 địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cả nước theo báo cáo PCI 2021 lần lượt là: Hải Phòng (70,61 điểm), Đồng Tháp (70,53 điểm), Đà Nẵng (70,42 điểm), Vĩnh Phúc (69,69 điểm), Bình Dương (69,61 điểm), Bắc Ninh (69,45 điểm), Thừa Thiên Huế (69,24 điểm), Bà Rịa Vũng Tàu (69,03 điểm), Hà Nội (68,6 điểm).

Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước TP.HCM đạt 67,5 điểm, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có môi trường đầu tư kinh doanh khá thuận lợi.

Cũng theo báo cáo PCI 2021, nhóm 5 địa phương có môi trường đầu tư kém thuận lợi nhất trên cả nước năm 2021 gồm: Cao Bằng, đạt 56,29 điểm, xếp thứ 63; Hòa bình đạt 57,16 điểm, xếp thứ 62, Kon Tum đạt 58,95 điểm, xếp thứ 61, Kiên Giang đạt 59,73 điểm, xếp thứ 60, Hà Giang đạt 60,53 điểm, xếp thứ 59.

Giải thích về việc Quảng Ninh nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế, VCCI - đại diện cho nhóm nghiên cứu cho biết, trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả).

Kết quả khảo sát PCI 2021 cũng cho thấy tỉ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến của Quảng Ninh cao hơn đáng kể so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, với tỉ lệ trung bình đạt 48% tổng số dịch vụ.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Một địa phương được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt khi: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách đào tạo lao động tốt; và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.


Khoảng 41,4% doanh nghiệp vẫn phải trả tiền "lót tay"

Báo cáo PCI 2021 ghi nhận số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức (tiền "lót tay") tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực. Khoảng 41,4% doanh nghiệp tham gia điều tra, khảo sát PCI 2021 cho biết vẫn phải trả tiền "lót tay" khi thực hiện các thủ tục liên quan tới đầu tư kinh doanh, giảm 3,5% so với năm 2020.

Đây là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua, năm 2006 có tới 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải trả tiền "lót tay" khi thực hiện các thủ tục về đầu tư kinh doanh. Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian. Tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn đáng kể so với năm 2016 là 9,1%.

Tuy nhiên, kết quả điều tra PCI 2021 cũng cho thấy chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với doanh nghiệp như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (khoảng 67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (khoảng 61,36%). Doanh nghiệp thường phải trả tiền "lót tay" ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Trong 12.300 DN tham gia khảo sát về PCI 2020, có 44,9% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, phải "lót tay" cho cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh.

Chia sẻ Facebook