'Nàng Kiều' đưa ngôi làng heo hút lên bản đồ du lịch, lọt top làng du lịch cộng đồng 3 sao
Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) từ ngôi làng quê nghèo khó nay trở thành địa điểm du lịch hút khách bậc nhất Quảng Ngãi nhờ tâm huyết của một cô gái trẻ.
Hành trình khó khăn
Cơ duyên đưa "Nàng Kiều" Nguyễn Thị Diễm Kiều (31 tuổi) đến làng Gò Cỏ là từ năm 2017. Trải qua 5 năm cùng bà con xây dựng vùng du lịch, Kiều từ cô gái lạc lõng với bà con thì nay đã được tất cả dân làng quý mến.
Vốn là người đam mê du lịch cộng đồng, lần đầu tiên đến Gò Cỏ, Kiều đã nhận thấy tiềm năng cực lớn của ngôi làng nghèo khó này. Cô mê mẩn với tầng lớp di sản và văn hóa ở đây nên quyết định gõ cửa từng nhà dân mời tham gia làm du lịch cộng đồng.
Trong mắt người làng lúc đó, Gò Cỏ là nơi "khỉ ho cò gáy", chẳng ai biết đến. Mọi người từ chối với đề nghị lạ lùng của Kiều.
Chia sẻ với Vietnamnet về những ngày đầu đến với Gò Cỏ, chị Kiều cho hay: "Khi tôi đến đây toàn người già và trẻ nhỏ, thanh niên trai tráng đều rời quê đi làm ăn xa. Ai cũng bảo ở đây chết không có người khiêng thì du lịch cái gì. Lúc đó, mọi người trong làng không ai tin rằng chính nơi đây, sau này sẽ là địa điểm du lịch được nhiều người quan tâm".
Để thay đổi suy nghĩ của dân làng, công ty chị Kiều quyết định tài trợ 4 chuyến đi cho người dân trong làng đến TP Hội An và đảo Cù Lao Chàm để bà con được chia sẻ kiến thức làm du lịch. Sau chuyến đi, mọi người đồng lòng theo Kiều làm du lịch cộng đồng.
"Du lịch cộng đồng là làm theo năng lực, bà con có gì làm nấy. Không nhất thiết phải có tiền để làm homestay. Bà con có thể dẫn khách đi trồng khoai sắn, ai hát bài chòi giỏi thì hát bài chòi, ai làm bánh lá gai giỏi thì hướng dẫn du khách làm bánh. Mỗi người một việc tạo ra sức mạnh cộng đồng. Đó chính là du lịch", chị Kiều giải thích về lý tưởng của mình với Tuổi Trẻ.
Sau chuyến ra Cù Lao Chàm học làm du lịch, người lớn, trẻ nhỏ của Gò Cỏ đồng lòng sắp lại bờ đá, giếng cổ, mở lối lên núi, trồng thêm rừng, dọn dẹp lại nhà cửa... để đón khách du lịch. Đúng 3 tháng sau ngày Kiều đến, những vị khách đầu tiên tham quan làng trong sự ngỡ ngàng của người dân. Những đồng tiền đầu tiên từ du lịch chẳng ai quên được.
Để làm du lịch chuyên nghiệp hơn, chị Kiều giúp bà con thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng và được mọi người bầu làm giám đốc. Chị lên kế hoạch xây dựng làng du lịch từ điều nhỏ nhặt nhất, chị đi đến từng nhà, "bắt tay, chỉ việc" cho từng người về cách nói chuyện với khách như nào, cung đường khách đi ra làm sao, trong nhà sẽ trang trí gì?...
Trái ngọt sau 5 năm
5 năm "nàng Kiều" đến với Gò Cỏ là 5 năm tuyệt vời trong ký ức của chị. Một ngôi làng bị coi là "khỉ ho, cò gáy", dưới bàn tay của chị Kiều, nơi ấy đã có website, có Facebook để làm việc với các đơn vị lữ hành, đặt tour.
Nhân dân trong làng, người thì làm hướng dẫn viên, người nấu ăn, hát bài chòi, người dẫn khách đi đánh cá... Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
Người làng Gò Cỏ trước đây, người dân chủ yếu đánh bắt cá, bữa có bữa không nhưng đến bây giờ, cuộc sống dần ổn định, ấm no hơn khi mỗi chuyến thuyền 30 phút đã có 300.000 đồng.
Ngôi làng Gò Cỏ giờ đây hướng tới mục tiêu là "ngôi làng hạnh phúc" nhờ làm du lịch cộng đồng. Ai cũng hạnh phúc trước những giá trị mà Kiều mang lại.
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm một số HTX du lịch cộng đồng ở các thôn, làng lân cận như: Long Thạnh 2, Long Đức 1 và mở rộng để thành lập liên minh các HTX kiểu mới làm du lịch cộng đồng. Ước mơ cuối cùng của tôi là xây dựng nơi đây thành ngôi làng hạnh phúc. Bởi, chỉ khi tìm thấy hạnh phúc thực sự thì mọi giá trị đạt được sẽ bền vững, lợi ích lâu dài", chị Kiều nói về kế hoạch tương lai với báo Sài Gòn Giải Phóng.
Nghe chị Kiều tâm sự về những dự định ấp ủ với Gò Cỏ, bà Huỳnh Thị Thương (dân làng) vô cùng xúc động chia sẻ với báo trên: "Cũng nhờ sức trẻ, sự thông minh của cô Kiều mà làng Gò Cỏ mới được như hôm nay. Bây giờ, Gò Cỏ đã được lên ti vi, báo chí, được cả nước biết đến. Hôm nay người ngoài cũng đã có cái nhìn khác về Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ cũng rất tự hào về làng. Rồi vài năm sau, con em chúng tôi được về lại quê nhà để góp công, góp sức cùng người già trong làng làm du lịch, sống no ấm trên chính quê hương mình, không còn tha hương”.
Tổng hợp
Theo Chi Chi
Tổ Quốc