Nâng cao vai trò nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam
Hơn 80% giao dịch trên thị trường cổ phiếu thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Làm sao nâng cao vai trò nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam, giúp TTCK phát triển ổn định và bền vững?
Theo thống kê của cty quản lý quỹ SSIAM, ở các thị trường phát triển ví dụ như Mỹ, tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 11%. Trong khi đó, tại Việt Nam, trên 80% nhà đầu tư cá nhân vẫn tự quản lý giao dịch. Với độ vững vàng về tâm lý chưa cao, nhà đầu tư cá nhân sẽ có khuynh hướng đầu tư theo cảm xúc khá nhiều và biến động trên thị trường theo đó cũng lớn hơn.
Ngày 15/11, nhà đầu tư cá nhân bán ròng khoảng 1307 tỷ đồng nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng 1.128 tỷ đồng. Ước tính trong vòng 1 tuần qua, trong khi nhà đầu tư cá nhân bán hàng ngàn tỷ, khối ngoại mua ròng trên HOSE khoảng 6.300 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của nhiều thành viên lâu năm trên thị trường, những giai đoạn chứng kiến khối ngoại mua ròng nhiều thế này cho thấy định giá thị trường đã vào vùng rẻ và hấp dẫn cho 1 chu kỳ đầu tư dài hạn và sau đấy khi thị trường đi lên nhà đầu tư quốc tế thường đã sở hữu sẵn 1 lượng lớn cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Một điểm khác lớn giữa tâm lý nhà đầu tư tổ chức và cá nhân là họ có thể chịu được việc sau khi mua giá có thể rẻ hơn 10-20% nhưng để hướng tới lợi nhuận 3 con số trong vài năm tới.
Tâm lý dài hạn của nhà đầu tư tổ chức
Những giai đoạn thị trường có sự chuyển biến đều tạo ra cơ hội tốt để mua tài sản giá rẻ. Chia sẻ cùng phóng viên VTV, đại diện quỹ đầu tư ngoại có hiệu suất hơn 2000% từ khi tham gia đầu tư vào TTCK Việt Nam từ năm 2013 cho biết hiểu được định giá tài sản và kiên định với mục tiêu dài hạn là yếu tố cốt lõi để thành công.
Ông Petri Deryng, Nhà sáng lập, PYN Elite Fund, cho biết: "Nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu ngân hàng Việt với định giá rẻ không tưởng, nhìn dài ra không có vấn đề gì, hãy mua khi không ai mua cầm vài năm và hướng tới lợi nhuận hàng trăm %".
Để thay đổi tâm lý nhà đầu tư cá nhân từ ngắn sang dài hạn là hành trình không đơn giản, như quỹ đầu tư trong nước này cũng phải mất đến vài năm để nhà đầu tư rút kinh nghiệm từ sai lầm tâm lý: Nộp tiền khi thị trường tăng gần đỉnh và rút tiền khi thị trường về gần đáy.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc, Quỹ đầu tư Vietcombank, nói: "Chúng tôi rất mừng là năm nay không bị rút tiền, nó khác với giai đoạn trước. 2017 - 2018 nạp tiền vào rất nhiều, 2018-2019 lại rút ra. Để đạt được điều này, cần rất nhiều sự đào tạo tuyên truyền để nhà đầu tư hiểu rằng để đạt lợi nhuận tốt dài hạn thì ngắn hạn phải chịu được biến động. Quỹ thành lập 2014, ở thời điểm dù thị trường thấp thế này nhưng so với 8 năm trước lợi nhuận vẫn được 11%/năm trung bình, vẫn cao hơn tiền gửi tiết kiệm".
Theo kinh nghiệm nhiều năm tham gia thị trường, đại diện VCBF cho biết những biến động rồi cũng sẽ qua đi, tâm lý nhà đầu tư cũng chuyển biến rất nhanh, từ lo lắng lại thành tiếc nuối, 2-3 năm nữa nhìn lại sẽ thấy rất hiếm khi có thể mua cổ phiếu tốt trong vùng giá rẻ như hiện nay.
Vai trò giữ nhịp và phát triển thị trường bền vững quan trọng là vậy, nhưng tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 5,5% GDP trong khi Thái Lan là 38%, Malaysia là hơn 50%.
Đề xuất nghiên cứu chính sách ưu đãi thuế cho các quỹ đã có từ 10 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách ưu đãi thuế nào cho nhà đầu tư khi đi đầu tư vào quỹ. Điều này khiến cho việc tự cầm tiền đi đầu tư thành ra vẫn là lựa chọn được nhà đầu tư cá nhân ưa thích hơn mặc dù đây là hoạt động tự tạo cho nhà đầu tư cá nhân nhiều rủi ro hơn bởi họ chủ yếu là nhà đầu tư không chuyên tham gia vào một sân chơi chuyên nghiệp.
Rủi ro không chỉ đến từ thiếu kinh nghiệm mà nhà đầu tư còn có thể trở thành nạn nhân của nhiều đối tượng mạo danh, sử dụng cái gọi là các "ứng dụng đầu tư" với hứa hẹn lợi nhuận không tưởng rồi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cảnh báo ứng dụng giả danh quỹ đầu tư chứng khoán
Lợi nhuận cao, mua bán T+0, được mua cổ phiếu ưu đãi... là những dòng tin nhắn của môi giới ứng dụng đầu tư có tên là "Chiến Thắng" liên tục gửi tới zalo các nhà đầu tư để mời chào. Nếu như các ứng dụng đầu tư có dấu hiệu lừa đảo trước kia yêu cầu nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản cá nhân thì ứng dụng "Chiến Thắng" lại đưa hẳn ra 2 tài khoản ngân hàng mang tên: Công ty TNHH Quỹ đầu tư Chiến Thắng và Công ty TNHH Thế giới Công nghệ Xanh, để cho nhà đầu tư tin tưởng mà nạp tiền.
Người tham gia ứng dụng đầu tư "Chiến Thắng" cho biết: "Qua công ty thì tôi thấy có sự đảm bảo hơn, còn nếu nộp tiền vào một cá nhân nào thì tôi không tham gia".
Nạp tiền vào rồi lại rút được ra, lại còn được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn tới 70% so với thị trường. Trong các hội nhóm kín, không ít nhà đầu tư đã gửi ảnh chia sẻ các khoản nạp tiền tới vài trăm triệu đồng để tham gia vào quỹ đầu tư "Chiến Thắng". Thế nhưng, theo đại diện Ủy bản Chứng khoán Nhà nước cho biết: Chưa từng cấp phép hoạt động cho 2 doanh nghiệp kể trên.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý Quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, cho biết: "Công ty TNHH Quỹ đầu tư Chiến Thắng và Công ty TNHH Thế giới Công nghệ Xanh không phải là 2 công ty quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán do UBCK cấp phép".
Theo thông tin đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH Quỹ đầu tư Chiến Thắng chỉ mới được thành lập cách đây 3 tháng và số điện thoại của DN này hiện tại không liên lạc được.
Các chuyên gia cho rằng, dù không được cấp phép, nhưng các môi giới của ứng dụng Chiến Thắng đã giả danh Quỹ đầu tư để mời chào người tham gia đầu tư chứng khoán, với lợi nhuận lên tới 500% là điều bất thường.
Ông Đỗ Minh Ý, Giám đốc điều hành Fireant Media, chia sẻ: "Các quỹ đầu tư thật họ chỉ có mức lợi nhuận từ 15-30%, chứ khó có quỹ nào có mức lợi nhuận tới 500% như vậy. Những ai quảng cáo mức lợi nhuận cao như thế tôi nghĩ là lừa đảo và cẩn cẩn trọng".
Ngoài ra, việc các nhà đầu tư giao dịch trên ứng dụng "Chiến Thắng" chưa được cấp phép thì cũng đồng nghĩa với việc không thực chất sở hữu cổ phiếu, nguy cơ mất tiền là rất lớn.
Nguy cơ mất tiền là hiện hữu, khi không ít nhà đầu tư sau khi bỏ số tiền lớn vào và có lãi thì muốn rút ra, nhưng lại được các môi giới yêu cầu phải nạp thêm 30% tiền phí thì mới được rút.
Người tham gia ứng dụng đầu tư "Chiến Thắng" nói: "Khi tham gia đến cuối kỳ họ yêu cầu tôi nạp 30% tiền phí trên tổng lợi nhuận thu được mới cho rút tiền nhưng tôi thấy vô lý, tôi yêu cầu trích tiền trong tài khoản của tôi luôn nhưng không được. Sau đó, tài khoản của tôi bị khóa, tôi phát hiện đây là lừa đảo và báo công an".
Tham gia ứng dụng đầu tư "Chiến thắng", nhà đầu tư cuối cùng lại mất trắng. Bên cạnh biện pháp xử lý, thanh lọc các đối tượng trục lợi khỏi thị trường, vai trò của các quỹ đầu tư chính danh lại càng phải được nâng cao để dòng tiền không "chảy nhầm chỗ".
Tuy nhiên, một khúc mắc cũng đang được phản ánh khiến thị trường quỹ bây giờ đang thiếu đi động lực cạnh tranh là quy định không cấp phép thêm cho công ty quản lý quỹ mới. Điều này dẫn tới việc hình thành một thị trường mua bán giấy phép quỹ. Với giá trị lên tới 70 - 80 tỷ đồng/giấy phép, hàng rào gia nhập thị trường là rất cao khiến nhiều thành viên có năng lực, có tâm huyết làm nghề cũng khó trở thành nhà quản lý quỹ. Điều đó dẫn tới vấn nạn là thị trường quỹ, giờ chủ yếu vận hành bởi các người chơi cũ cùng một loạt các công ty quỹ đang "sống thực vật" chờ bán giấy phép. Điều này đang lấy đi rất nhiều động lực phát triển của thị trường chung.