“Nàng Barbie” bị cấm ở nhiều nước: Liên quan đến “đường chín đoạn” hoặc “bại hoại đạo đức”
Cơn sốt Barbie lan rộng khắp thế giới, doanh thu phòng vé toàn cầu đã đạt gần 1,2 tỷ đô la Mỹ, tuy nhiên nhiều nước đã cấm bộ phim này.
Kuwait và Việt Nam cấm chiếu bộ phim “Nàng Barbie” (Barbie); hôm 14/8, Algeria đã cấm bộ phim này vì băng hoại đạo đức, trong khi các quốc gia khác như Lebanon đang đánh giá xem có nên cấm bộ phim hay không.
Cơn sốt Barbie lan rộng khắp thế giới, doanh thu phòng vé toàn cầu đã đạt gần 1,2 tỷ đô la Mỹ, tuy nhiên theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, Kuwait, Việt Nam và Algeria đã cấm chiếu bộ phim này tại rạp, Bộ trưởng Văn hóa của Lebanon yêu cầu cấm chiếu bộ phim này, trong khi một số quốc gia đang đánh giá để cấm chiếu.
Algeria
Vào ngày 14/8, theo một báo cáo của trang web tin tức địa phương “ 24H” của Algeria, bộ phim “ Nàng Barbie” đã bị cấm và bị thu hồi sau khi được chiếu ở Algeria trong vài tuần. Báo cáo trích dẫn một nguồn tin chính thức cho biết, bộ phim “cổ xúy đồng tính luyến ái và những hành vi lệch lạc khác của phương Tây”, hơn nữa nó “không phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa của Algeria”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Algeria yêu cầu gỡ bỏ nó khỏi các rạp chiếu phim. Theo báo cáo, chính phủ được cho là đã thông báo cho MD Ciné, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, rằng cần phải gỡ bỏ nó vì bộ phim “làm suy đồi đạo đức”.
Kuwait
Kuwait đã cấm chiếu bộ phim “ Nàng Barbie ” vào ngày 9/8, hãng tin AP đưa tin, trích dẫn một tuyên bố từ Cơ quan thông tấn nhà nước Kuwait là KUNA, nói rằng bộ phim quảng bá “những tư tưởng và tín ngưỡng không tương thích với xã hội, trật tự công cộng của Kuwait” . Tuy nhiên tuyên bố không giải thích thêm chi tiết.
Việt Nam
Tháng trước, Việt Nam đã cấm chiếu phim “ Nàng Barbie ” của Warner Bros. Lý do là một cảnh trong phim có bản đồ “ đường chín đoạn ” mà Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
ĐCSTQ dùng “ đường chín đoạn ” tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng một số nơi chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, gây tranh chấp, xung đột.
Philippines
Tháng trước, Philippines yêu cầu Warner Bros làm mờ bản đồ trong bộ phim có vẻ như là yêu sách “đường chín đoạn” của ĐCSTQ ở Biển Đông. Warner Bros đã sửa lại nội dung và “Nàng Barbie” mới đã được phép phát hành tại quốc gia này.
Pakistan
Tháng trước, Pakistan đã ban hành lệnh cấm tạm thời, trì hoãn việc phát hành bộ phim “Nàng Barbie” để đánh giá nội dung được gọi là “khiến người khác cảm thấy phản cảm” . Ông Farrukh Mahmood, thư ký của Hội đồng kiểm duyệt phim tỉnh Punjab, nói với AFP: “Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ bộ phim, và sẽ đánh giá lại khi thấy cần thiết”. Hội đồng này không nói những nội dung nào “gây phản cảm” và cũng không nói lý do tại sao.
Lebanon
Theo AP đưa tin, Bộ trưởng Văn hóa Lebanon, ông Mohammad Mortada, hôm 9/8 cho biết ông có kế hoạch cấm bộ phim “Nàng Barbie” chiếu tại các rạp. Lý do là bộ phim bị cho là “không phù hợp với các giá trị tín ngưỡng và đạo đức” của đất nước, hơn nữa nó còn “tuyên dương đồng tính luyến ái và chuyển đổi giới tính”.
Dựa trên động thái của ông Mortada, Bộ trưởng Nội vụ Bassam Mawlawi cũng đã yêu cầu ủy ban kiểm duyệt của Tổng cục An ninh, trực thuộc Bộ nội vụ và theo truyền thống chịu trách nhiệm về các quyết định kiểm duyệt, xem xét bộ phim và đưa ra khuyến nghị.
Ở Lebanon, một quảng cáo bia có vẻ ủng hộ người không tuân theo giới tính đã bị chế giễu rộng rãi trên mạng, tương tự như phản ứng dữ dội mà Bud Light phải đối mặt ở Mỹ sau khi hợp tác với một người chuyển giới có ảnh hưởng trên TikTok. Một số cư dân mạng đã bình luận trên Twitter: “Giống như BudLight… theo hướng tỉnh thức! Để phá sản!” (Just like BudLight…go woke, go broke!)
Lebanon là quốc gia Ả Rập đầu tiên tổ chức tuần lễ “Tự hào đồng tính” (Pride Week) vào năm 2017 và thường được coi là nơi trú ẩn an toàn cho cộng đồng LGBT ở Trung Đông, nơi nói chung vẫn giữ quan điểm bảo thủ.
Tuy nhiên, vấn đề này gần đây đã trở thành trọng tâm hơn, làm dấy lên căng thẳng. Ông Mawlawi năm ngoái đã đưa ra quyết định cấm các sự kiện “khuyến khích trụy lạc tình dục” ở Lebanon, được hiểu là ám chỉ các cuộc tụ họp thân thiện với LGBT.
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, người đứng đầu nhóm vũ trang Hezbollah, Hassan Nasrallah, đã kêu gọi chính quyền Lebanon hành động chống lại các tài liệu mà ông cho là cổ vũ đồng tính luyến ái, bao gồm cả việc “cấm” chúng.
Ông nói rằng đồng tính luyến ái đặt ra một “ mối nguy hiểm sắp xảy ra ” đối với Lebanon. Hồi cuối tháng 7, ông Nasrallah từng nói rằng trong trường hợp của một hành vi đồng tính luyến ái, “ngay từ lần đầu tiên, ngay cả khi anh ta chưa kết hôn, anh ta sẽ bị giết”.
Vào thứ ba, nội các của Lebanon đã kêu gọi công dân gìn giữ các giá trị gia đình sau cuộc gặp với giáo sĩ Cơ đốc giáo hàng đầu của đất nước, Thượng phụ Bechara Boutros al-Rai, mặc dù không đề cập cụ thể đến cộng đồng LGBT.
Ở Trung Đông, xu thế chống LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) hiện đang lên cao. Tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon…, các nhóm LGBTQ đang phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng hơn. Trước đó Uganda đã thông qua luật xem LGBTQ là phạm tội – trở thành một trong những nước có luật chống LGBTQ nghiêm khắc nhất thế giới.
Trí Đạt (t/h)
Xu thế chống LGBTQ lên cao ở Trung Đông Ở Trung Đông, xu thế chống LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) hiện đang lên cao.