Nạn nhân Việt Nam trong hoạt động buôn người ở Đông Nam Á

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 04:59:29

Nạn buôn người ở Đông Nam Á giờ đây đã trở thành mạng lưới trải rộng khắp thế giới. Interpol cho biết các hoạt động tội phạm này có thể thu lợi bất chính 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh sát Indonesia bắt giữ các nghi phạm vì tội buôn người

30 tháng 3 2024

Nhiều nạn nhân người Việt Nam sa vào các đường dây lừa đảo, buôn người. Interpol cho biết từ Đông Nam Á, hoạt động buôn người đã hòa vào mạng lưới toàn cầu, với doanh thu bất hợp pháp lên tới 3.000 tỷ USD mỗi năm.

"Ban đầu là một mối đe dọa tội phạm ở Đông Nam Á, giờ đây đã trở thành cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu, liên lụy đến hàng triệu nạn nhân, bao gồm những người bị nhốt ở các trung tâm lừa đảo qua mạng lẫn những nạn nhân trực tuyến."

Trên đây là phát biểu của ông Jurgen Stock, Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), tại cuộc họp báo của cơ quan điều phối cảnh sát toàn cầu của InterpoI ở Singapore vào hôm 27/3 được Reuters dẫn lại.

Ông Jurgen Stock cho biết các trung tâm buôn người và lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á vốn phát triển mạnh trong đại dịch COVID-19 nay đã lan rộng thành một mạng lưới tội phạm trải rộng khắp thế giới.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu

"Tính ẩn danh trực tuyến, các hình thức kinh doanh mới và COVID-19 đã giúp cho các băng đảng tội phạm có tổ chức này hoạt động với quy mô không thể tưởng tượng được so với một thập kỷ trước," ông Jurgen Stock nói.

Đại diện Interpol cho biết những trung tâm này dụ dỗ nạn nhân bằng lời hứa về công ăn việc làm tử tế, sau đó bắt nạn nhân phải tạo nguồn thu cho chúng từ việc buôn bán ma túy.

Theo ông Stock, buôn bán ma túy đóng góp từ 40 - 70% doanh thu của các băng đảng tội phạm này. Vị tổng thư ký của Interpol cho biết thêm các nhóm tội phạm này còn sử dụng tuyến đường vận chuyển ma túy cho việc buôn người, buôn vũ khí, trộm xe và các sản phẩm khác.

"Ngày nay, các ngân hàng, hay bất kể ai, đều dễ dàng bị cướp bằng bàn phím bởi một người nào đó bên kia đại dương hơn là bị cướp bằng súng," CNN dẫn lời nhận định của ông Stock.

Các nạn nhân từ khắp châu Á thường bị lừa làm những công việc có vẻ hợp pháp trong khu vực và sau đó bị buôn bán vào các tổ hợp lừa đảo. Tại đó, họ buộc phải chịu đựng sự lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm lao động cưỡng bức, bị giam giữ tùy tiện, bị đối xử tệ hại hoặc bị tra tấn – thường không có sự trợ giúp từ chính quyền địa phương hoặc có nhưng rất ít.

'Hàng trăm ngàn người bị ép vào đường dây lừa đảo ở Đông Nam Á' 31 tháng 8 năm 2023 Chuyện người thiểu số ở Việt Nam bị lừa sang Campuchia và di chứng 9 tháng 1 năm 2023 Hiểu sai về nạn buôn người sang Campuchia vì 'việc nhẹ lương cao'? 21 tháng 10 năm 2022

Đông Nam Á là điểm nóng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một nạn nhân người Malaysia được giải cứu trong năm 2022. Anh bị lừa sang Myanmar với lời quảng cáo về công việc lương cao.

Một báo cáo được xuất bản vào tháng 8/2023 của Liên Hợp Quốc cho biết có hàng trăm ngàn người đã sa vào các mạng lưới lừa đảo trực tuyến.

Báo cáo cho thấy ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia có thể bị giam giữ và buộc phải thực hiện các hoạt động lừa đảo trực tuyến sinh lợi, từ cờ bạc bất hợp pháp đến lừa đảo tiền điện tử.

Các quốc gia khác bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan cũng được xác định là những điểm đến chính của nạn nhân hoặc là nơi quá cảnh.


Trước đó vào giữa tháng 3/2024, cảnh sát Philippines đã đột kích một trung tâm lừa đảo và giải cứu 383 người Philippines, 202 người Trung Quốc và 73 người ngoại quốc khác. Vụ đột kích này xuất phát từ việc một nạn nhân người Việt Nam trước đó đã trốn thoát khỏi trung tâm lừa đảo nói trên và báo với chính quyền.


Vào năm 2022, BBC đã tiến hành điều tra một loạt hoạt động lừa đảo , dụ dỗ nạn nhân người Việt Nam sang Campuchia làm việc trong các đường dây liên quan đến cờ bạc. Sau khi sập bẫy, những người này phải làm việc như nô lệ và bị đe dọa tính mạng nếu tìm cách trốn thoát.

Những phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc cũng là nạn nhân của nạn buôn người này.


Bà Lương Hồng Loan, Giám đốc Chương trình của Pacific Links Foundation - một tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực phòng chống nạn mua bán người tại các vùng biên giới Việt Nam - từng nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng 11/2023:

“Đưa người sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch vẫn diễn ra trước và sau khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid vào tháng 2/2023. Chúng tôi đã giúp đỡ trường hợp bị ngay chính bạn thân, người thân lừa bán sang Trung Quốc. Thủ đoạn cũ như quen qua mạng, hẹn ra chợ sát biên giới, có những tên đồng bọn ép các nạn nhân và đưa vào các vùng sâu ở Trung Quốc. Chiêu trò tuy cũ nhưng họ vẫn bị mắc bẫy.”

Báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam năm 2023 của Chính phủ Mỹ cho biết năm ngoái 121 đối tượng đã bị kết án tù giam về tội buôn người. Báo cáo đánh giá Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bài trừ nạn buôn người, nhưng đang có nhiều nỗ lực.

Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó liên quan đã thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp trên toàn khu vực với việc gia tăng công việc ảo và chuyển hoạt động kinh doanh sang những không gian ít được quản lý hơn.

Pia Oberoi, cố vấn cấp cao của OHCHR về Di cư và Nhân quyền ở châu Á-Thái Bình Dương, cho biết tình hình này diễn ra ở những nơi có quy định yếu kém và quản lý lỏng lẻo, chẳng hạn như các khu vực biên giới bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Myanmar hoặc đặc khu kinh tế ở Lào và Campuchia.

Nạn nhân của các hoạt động như vậy có thể bị lừa trung bình 160.000 USD mỗi người, thường thông qua các tập lệnh tinh vi được gửi qua các ứng dụng truyền thông xã hội không được kiểm soát.

BBC trước đây đã nói chuyện với những nạn nhân của các mạng lưới tội phạm này.

Nhiều người cho biết họ đến các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar vì các quảng cáo việc làm cũng như các hứa hẹn về lương thưởng. Khi đến nơi thì họ sập bẫy và bị đe dọa buộc phải tham gia lừa đảo. Những người trốn thoát và những người sống sót kể rằng họ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo.

“Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo trong khi bị buộc phải thực hiện hành vi phạm pháp. Họ là nạn nhân. Họ không phải tội phạm," Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk nhấn mạnh.

Chia sẻ Facebook