Nạn nhân đòi bồi thường oan sai 3,482 tỷ, Viện kiểm sát chấp nhận 170 triệu

Chia sẻ Facebook
07/12/2022 15:25:39

Liên quan đến vụ camera ‘ngó’ nhà hàng xóm, ông Lam yêu cầu được bồi thường oan sai 3,482 tỷ đồng nhưng Viện kiểm sát nhân dân (KSND) TP. Cà Mau chỉ chấp nhận số tiền thỏa thuận hơn 170 triệu đồng.

Theo báo Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Lam (41 tuổi, ngụ phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) ngày 07/12/2022 cho biết, Viện KSND TP. Cà Mau đã có buổi thương lượng việc bồi thường oan sai cho ông.

Theo đó, ông Lam cho biết đã yêu cầu bồi thường tổng số tiền 3,482 tỷ đồng dựa trên những thiệt hại trong thời gian oan sai mà ông phải gánh chịu.

Cụ thể, số ngày ông bị oan sai là 1.030 ngày, tính từ ngày bị khởi tố đến ngày nhận quyết định đình chỉ vụ án.

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (các giao dịch kinh doanh mua bán trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú, không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp, mất cơ hội phát triển dẫn đến mất thu nhập…) hơn 1,2 tỷ đồng.

Thiệt hại về tinh thần hơn 1,7 tỷ đồng và các chi phí khác (đi lại, in ấn tài liệu, bưu chính, luật sư) hơn 488 triệu đồng.

Tuy nhiên, phía đại diện Viện KSND TP. Cà Mau chỉ chấp nhận số tiền thỏa thuận hơn 170 triệu đồng gồm tổn thất tinh thần hơn 139 triệu đồng; chi phí đi lại, in ấn tài liệu hơn 26 triệu đồng và chi phí bưu chính hơn 4 triệu đồng.

Hai bên chưa thỏa thuận được các khoản thiệt hại về các giao dịch kinh doanh mua bán trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú; việc không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp do trong thời gian bị khởi tố; chi phí luật sư.

Nêu ý kiến về việc thương lượng, báo Tiền Phong dẫn lười ông Lam cho rằng cần xem xét lại khái niệm lương cơ sở để xác định số tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, đi lại; yêu cầu xem xét lại thời gian cấm đi khỏi nơi cư trú.


“Người có thu nhập ổn định từ lương phải khác với người không có thu nhập ổn định nên không thể đánh đồng bằng cách lấy mức lương cơ sở để áp dụng. Nếu người không có thu nhập ổn định từ lương thì có thể áp dụng mức lương cơ sở, còn người có thu nhập ổn định thì phải xác định theo mức lương của người đó” , ôngLam nêu quan điểm.

Đối với chi phí thuê luật sư bào chữa, theo ông Lam, Viện KSND TP. Cà Mau áp dụng theo số ngày thực tế luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng để bồi thường cho ông số tiền chỉ gần 900.000 đồng là không hợp lý. Trong khi đó, ông có hợp đồng dịch vụ thuê luật sư là 90 triệu đồng.


“Trường hợp này tôi có hợp đồng thuê luật sư rõ ràng. Hơn nữa, chi phí để một luật sư tham gia bào chữa theo hợp đồng dịch vụ hoàn toàn khác so với trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Vì để tham gia bào chữa theo hợp đồng dịch vụ, ngoài việc tham gia tố tụng thì luật sư còn phải có chi phí đi lại để tiếp cận hồ sơ vụ án, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, thời gian làm việc, tư vấn các thủ tục, hồ sơ pháp lý, hỗ trợ soạn thảo các văn bản…”, ông Lam nói.

Liên quan đến các vấn đề trên,đại diện Viện KSND TP. Cà Mau nói sẽ xem xét lại cách tính chi phí luật sư bào chữa để có căn cứ chính xác trong việc giải quyết bồi thường.

Được biết, ông Lam là bị can trong vụ án hủy hoại tài sản mà cơ quan cảnh sát điều tra công an TP. Cà Mau khởi tố ngày 08/12/2019. Ông Lam từng gửi đơn đến Viện KSND 2 cấp với mong muốn vụ việc mau kết thúc. Nếu đủ chứng cứ truy tố thì cơ quan tố tụng nhanh truy tố, đưa ra xét xử đúng luật.

Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 2019, ông Lam mua thửa đất cặp ranh với ông Tô Thiên Phong tại khóm 5, phường 1, TP. Cà Mau.

Khi ông Lam dọn cây, đắp đất lên thửa đất mới mua thì ông Phong lắp đặt camera hướng mắt camera về phần đất của ông Lam.

Sau nhiều lần yêu cầu ông Phong quay mắt camera sang hướng khác không thành, ngày 15/08/2019, ông Lam dùng cây bình bát đổi hướng 2 camera. Phát hiện vụ việc, ông Phong tố giác đến cơ quan công an.


Ngày 08/12/2019, công an TP. Cà Mau đã khởi tố vụ án, khởi tố ông Lam về hành vi ‘Hủy hoại tài sản’.

Sau đó, vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần do còn nhiều tình tiết chưa rõ ràng, không đủ cơ sở kết tội đối với ông Lam.

Đến ngày 06/01/2022, TAND TP. Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP. Cà Mau yêu cầu được rút toàn bộ hồ sơ vụ án để bổ sung, làm rõ thêm một số tình tiết. HĐXX đã chấp nhận đề nghị này và trả hồ sơ để điều tra bổ sung và vụ việc kéo dài đến nay.

Ngày 24/07/2022, công an TP. Cà Mau có kết luận điều tra bổ sung cho rằng, căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT công an TP. Cà Mau có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị can Huỳnh Thanh Lam đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản.

Tuy nhiên, Viện KSND TP. Cà Mau trả hồ sơ cho công an TP. Cà Mau đề nghị điều tra lại. Sau đó, Hội đồng thẩm định giá có kết luận giám định tài sản là 500.000 đồng/cái camera.

Ngày 03/10/2022, công an TP. Cà Mau đã trao các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và quyết định bỏ biện pháp ngăn chặn bị can cho ông Lam.

Sau đó, ông Lam có hồ sơ yêu cầu bồi thường oan sai như trên.


Vũ Tuấn (t/h)

Từ Khóa :

Chia sẻ Facebook