‘Nắn gân nhau' bằng tên lửa trên bán đảo Triều Tiên

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 01:03:37

Triều Tiên và Hàn Quốc đang gia tăng các hành động khiêu khích và đáp trả bằng tên lửa trong thời gian gần đây, làm dấy lên lo ngại về những tác động tiêu cực tới tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol - Ảnh: BBC


Phô diễn năng lực


Ngày 5-6, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện Triều Tiên bắn 8 tên lửa tầm ngắn trong vòng 35 phút từ ít nhất 4 địa điểm khác nhau. Đây dường như là kỷ lục phóng thử tên lửa trong một ngày của Bình Nhưỡng.

Sau đó một ngày, Hàn Quốc và Mỹ cũng phóng 8 tên lửa đất đối đất để phản ứng với động thái của Triều Tiên.

"Các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã phát triển đến mức chúng không chỉ là mối đe dọa đối với bán đảo Triều Tiên mà còn đối với Đông Bắc Á và hòa bình thế giới", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói ngày 6-6. Ông cho biết Seoul sẽ "đáp trả nghiêm khắc đối với bất kỳ hình thức khiêu khích nào của Triều Tiên".


Theo Hãng tin AP, Bình Nhưỡng có một loạt tên lửa được cho là có thể bắn tới bất kỳ đâu trong lãnh thổ nước Mỹ. Trong đó có tên lửa mới nhất là Hwasong-17, được cho là vũ khí tầm xa nhất và kích thước của nó đã khiến các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm cũng phải kinh ngạc.

Trong lần phóng thử Hwasong-17 vào tháng 3 năm nay, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rằng vũ khí mới sẽ khiến "cả thế giới nhận thức rõ ràng" về các lực lượng hạt nhân được củng cố của Triều Tiên.

Hàn Quốc và đồng minh là Mỹ cũng muốn Triều Tiên "nhận thức rõ ràng" về năng lực của họ. Seoul đang đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng thủ tự phát triển, thay vì dựa vào hệ thống của Mỹ như trước.

Thành quả mới nhất của quân đội Hàn Quốc là lần bắn thử nghiệm thành công hệ thống phòng không tầm cao mới vào ngày 23-2. Đây là tên lửa đất đối không tầm xa L-SAM do nước này phát triển.

L-SAM do Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc và Công ty quốc phòng LIG Nex 1 của Hàn Quốc chế tạo, được kỳ vọng sẽ thay thế hệ thống tên lửa phòng không THAAD của Mỹ.

Hàn Quốc cũng đã dành nhiều năm phát triển một số hệ thống khác bao gồm KM-SAM, hay còn được gọi là Cheolmae-2, được chế tạo bằng công nghệ vay mượn từ các nhà sản xuất vũ khí Nga Almaz-Antey và Fakel; hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp (LAMD) trị giá 2,6 tỉ USD, tương tự hệ thống Iron Dome của Israel.

Các loại vũ khí này nhằm mục đích tạo thành một lớp phòng thủ chống lại các hệ thống tên lửa đạn đạo và pháo tên lửa do Triều Tiên trang bị.


Chạy đua vũ trang

Youngshik Bong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết phản ứng của Washington và Seoul đã "hoàn toàn khác" so với thái độ im lặng từng thấy dưới thời cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Chính quyền của ông Moon Jae In cố gắng hạn chế sự can dự quân sự của Mỹ cũng như tránh xa các cuộc tập trận quân sự lớn với Mỹ nhằm thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.

Chính quyền tân Tổng thống Yoon Suk Yeol có lập trường cứng rắn hơn, khi muốn tăng cường khả năng răn đe của liên minh Mỹ - Hàn Quốc.


Trong quá khứ, sự hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc trong việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đã khiến Trung Quốc bất bình. Nếu Tổng thống Yoon từ bỏ chính sách cân bằng và quay về phía Mỹ, điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Đông Á.

Hàn Quốc đã tự phát triển tên lửa và tàu ngầm hạt nhân từ thời ông Moon Jae In. Trong khi đó, bất chấp lệnh trừng phạt và COVID-19, Triều Tiên tiếp tục phát triển thêm vũ khí. Bóng dáng của một cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên đang dần hiện rõ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ra lệnh tăng cường khả năng răn đe của liên quân Mỹ - Hàn trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia sáng 5-6. Động thái nhiều khả năng sẽ mở đường cho các vụ phóng tên lửa đáp trả của Seoul.

Chia sẻ Facebook