Nạn đói thảm khốc gõ cửa Afghanistan

Chia sẻ Facebook
11/04/2023 17:38:03

Hoạt động gây quỹ cho Afghanistan thu được hiệu quả thấp nhất trên toàn cầu, mặc dù quốc gia Nam Á đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.


Cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 10/4 cho biết họ cần gấp 800 triệu USD trong 6 tháng tới để giúp đỡ Afghanistan , quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói cao nhất trong 1/4 thế kỷ.


Các cơ quan viện trợ đã cung cấp thực phẩm, hỗ trợ giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản vào tháng 8/2021 và sự sụp đổ kinh tế sau đó. Nhưng việc phân phối đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một sắc lệnh của Taliban vào tháng 12 năm ngoái cấm phụ nữ Afghanistan làm việc tại các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế.

LHQ không phải là một phần của lệnh cấm này, nhưng tuần trước họ cho biết chính phủ do Taliban lãnh đạo đã ngăn cản phụ nữ Afghanistan làm việc tại các cơ quan của họ ở nước này.


Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, các nhân viên cứu trợ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng của cơ quan và họ sẽ nỗ lực hết sức có thể để duy trì điều này, đồng thời cố gắng đảm bảo sự tham gia tích cực của các nhân viên nữ.

“WFP cần gấp 800 triệu USD trong 6 tháng tới để tiếp tục hỗ trợ những người có nhu cầu trên khắp Afghanistan”, cơ quan của LHQ cho biết. “Nạn đói thảm khốc đang gõ cửa Afghanistan, và trừ khi hỗ trợ nhân đạo được duy trì, hàng trăm ngàn người Afghanistan nữa sẽ cần sự hỗ trợ để sống sót”.

Hồi cuối tháng 3, Giám đốc WFP Hsiao-wei Lee nhận xét: “Suy cho cùng, chính phụ nữ và trẻ em là những người những người dễ bị tổn thương nhất”.

Phụ nữ Afghanistan ngồi sau khi nhận viện trợ lương thực do một tổ chức từ thiện phân phát trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo ở Kandahar, ngày 28/3/2023. Ảnh: RFE/RL

LHQ cho biết hôm 10/4 rằng các hoạt động ở Afghanistan của họ vẫn bị thiếu kinh phí nghiêm trọng. Hiện quỹ mới chỉ có 249 triệu USD được xác nhận cho năm 2023, tức chỉ bằng gần 1/3 số tiền nhận được trong cùng kỳ năm 2022.

Theo LHQ, Afghanistan đang trong năm thứ 3 liên tiếp đối mặt với các điều kiện giống như hạn hán, năm thứ hai của tình trạng tê liệt kinh tế, trong khi vẫn đang phải hứng chịu nhiều thập kỷ xung đột và thiên tai.

Theo văn phòng phụ trách các vấn đề nhân đạo của LHQ, tổng số yêu cầu tài trợ “ngay lập tức” để giải quyết các khoảng trống quan trọng trong 3 tháng tới là 717,4 triệu USD, và đây chỉ là một phần của khoản thiếu hụt tài trợ tổng thể là 4,38 tỷ USD cho hoạt động ứng phó nhân đạo cho năm 2023 ở quốc gia Nam Á này.

Sự tiếp quản của Taliban đã đẩy hàng triệu người Afghanistan vào cảnh nghèo đói sau khi viện trợ nước ngoài ngừng lại gần như chỉ sau một đêm. Các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Taliban, việc ngừng chuyển khoản ngân hàng và đóng băng hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan đã hạn chế khả năng tiếp cận các tổ chức toàn cầu và nguồn tiền bên ngoài hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ của đất nước trước khi các lực lượng của Mỹ và NATO rút lui.

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của đất nước, Amir Khan Muttaqi, cho biết tài sản của Afghanistan đã bị đóng băng bất hợp pháp và bất công. Ông kêu gọi bàn giao ghế của Afghanistan tại LHQ cho chính phủ do Taliban lãnh đạo. Hiện vị trí này vẫn do chính phủ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani nắm giữ.

Trong một tuyên bố bằng video được đại diện của Taliban chia sẻ hôm 10/4, ông Muttaqi cho biết các văn phòng của LHQ và các tổ chức quốc tế khác đang mở cửa ở Kabul. Ông không trực tiếp đề cập đến lệnh cấm nữ nhân viên LHQ Afghanistan trong nhận xét của mình.


“Họ đang hoạt động ở đây, vì vậy mối quan hệ của chúng tôi vẫn tốt cho đến nay”, ông Muttaqi nói. “Chúng tôi đang cố gắng đại diện cho Afghanistan tại LHQ, đó là quyền của người Afghanistan. Nhưng bây giờ (ghế của Afghanistan tại LHQ) nằm trong tay của một người không đại diện cho Afghanistan, không đại diện cho người dân và không có nhóm nào khác đại diện cho họ” .


Minh Đức (Theo AP, Yahoo!News)

Chia sẻ Facebook