Nam thanh niên đưa 'bạn gái nhí' quen qua mạng vào nhà nghỉ rồi quay clip nhạy cảm bị xử lý thế nào?
Huy đã thừa nhận cả hai đã có quan hệ tình dục - thời điểm em N. chưa đủ 16 tuổi. Kiểm tra điện thoại của Huy, công an phát hiện có nhiều clip 'nóng' quay lại cảnh quan hệ tình dục giữa 2 người.
Ngày 15/7, Công an TP Đà Nẵng xác nhận đã bắt giữ đối tượng truy nã nguy hiểm Nguyễn Ngọc Huy (33 tuổi, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) về tội ''Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi''.
Huy cũng là đối tượng truy nã nguy hiểm theo quyết định truy nã số 3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hải Châu ban hành từ ngày 15/6.
Trước đó, Nguyễn Ngọc Huy và em N. (hiện 16 tuổi, trú tỉnh Hải Dương) quen biết nhau thông qua mạng xã hội. Sau một thời gian, Huy rủ N. vào Đà Nẵng chơi. Nghe lời Huy, em N. đã nhiều lần trốn gia đình vào Đà Nẵng gặp ''bạn trai''.
Trao đổi với PV Infonet về vụ án này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, TP.HCM) phân tích: “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi của một người đã thành niên giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không trái với ý muốn của nạn nhân.
Cần phân biệt tội này với tội “Cưỡng dâm trẻ em” là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi lệ thuộc mình hoặc đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình (theo Điều 144 Bộ luật Hình sự).
Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ Luật Hình sự như sau: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3- 10 năm: Phạm tội 2 lần trở lên. Đối với 2 người trở lên. Có tính chất loạn luân. Làm nạn nhân có thai. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh”.
Nói về vụ việc liên quan đến em N. mà Nguyễn Ngọc Huy vừa bị Công an TP Đà Nẵng khởi tố, luật sư Bình chia sẻ: “Trẻ em, những công dân tương lai của kỷ nguyên số, được sinh ra trong thời kỳ phát triển và chấp nhập internet thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng đã được tiếp cận với internet từ rất sớm, thực tế đã tồn tại song song cùng với sự hình thành của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Thế giới quan của trẻ không còn bị thu hẹp trong khoảng không gia đình, trường học mà đã vươn đến các mối quan hệ vượt biên giới quốc gia.
Trẻ có thể truy cập các nguồn thông tin đa chiều, ngập tràn trên internet về giáo dục, thông tin y tế, điều này giúp trẻ tăng khả năng nghiên cứu về mọi chủ đề quan tâm và giúp các em bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của internet với trẻ em, có rất nhiều những điều rủi ro tiềm ẩn trẻ em phải đối diện trên internet bao gồm: sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; bắt nạt trực tuyến; trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông; sử dụng quá mức và nghiện.
Trong đó, vấn đề sử dụng internet, công cụ trực tuyến để tấn công, lạm dụng tình dục trẻ em đang trở thành vấn nạn không chỉ của bất kỳ một quốc gia nào mà đó là cuộc chiến của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thế giới hội nhập đồng nghĩa với việc các quốc gia cần nhanh chóng tham gia kết nối internet, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia đều cùng tham gia cuộc chiến về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt Nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.
Trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia không gian mạng an toàn. Không chỉ đối mặt nguy cơ tiếp xúc các thông tin xấu, độc, không phù hợp độ tuổi, mà việc trẻ sử dụng internet thiếu sự kiểm soát của người lớn có thể làm lộ thông tin cá nhân hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách của trẻ.
Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường cần hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn. Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại.
Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng''.
Về hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, luật sư Bình cho hay, nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng...
Theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi chia sẻ thông tin, cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em...
Sông Mã