Nam sinh xứ Cảng 4 năm liền thi đại học: Theo đuổi ước mơ của anh trai

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 12:02:57

Dù 3 năm liền đạt điểm số rất cao, trên 27 điểm nhưng cậu bạn Nguyễn Linh (SN 2001, Hải Phòng) vẫn không thể chạm tay tới cánh cổng đại học bằng NV1 mà mình mong ước.

Sau khi các trường Đại học công bố điểm chuẩn khiến nhiều thí sinh tiếc nuối vì đạt điểm rất cao vẫn không thể đỗ NV1. Trong đó, câu chuyện của nam sinh 4 lần thi đại học, 3 lần đạt trên 27 điểm vẫn trượt thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.


3 năm theo đuổi ước mơ còn dang dở của anh trai

Cụ thể câu chuyện được đăng tải trên Infonet cho hay nam sinh bắt đầu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên năm 2019. Thời điểm đó cậu bạn lựa chọn Học viện Biên Phòng vì muốn theo đuổi “lực lượng vũ trang”. Đây cũng là ước mơ mà người anh trai chưa thể thực hiện. Tuy nhiên năm đầu tiên Linh chỉ đạt 20 điểm ở khối C00 nên không đỗ.

Hiện tại nhiều thí sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển của các trường đại học. (Ảnh: Thanh Niên/Lao Động)

Không nản chí, Linh vẫn quyết tâm theo đuổi con đường này. Cậu bạn miệt mài ôn tập lại suốt 1 năm và đã thực sự bứt phá. Năm thứ 2 và năm thứ 3 Linh đều đạt 27,75 điểm ở khối C00. Dù đạt trung bình trên 9 điểm 1 môn nhưng may mắn lại không mỉm cười với cậu bạn


“Mỗi lần trượt đại học lại là một cảm giác riêng vì trong đó có nhiều công sức, buồn và tiếc nuối. Nhưng rồi em lại tặc lưỡi và tự dặn mình phải đứng dậy đi tiếp. Điều em cảm thấy vô cùng may mắn là có mẹ, người luôn đồng hành cùng em những lúc khó khăn nhất.


Bí quyết nữa là em cũng hay xem những clip tích cực. Từ đó em thay đổi trong suy nghĩ, luôn tự hỏi mình rằng 'nếu bố mẹ không còn nữa thì ai sẽ là người động viên mình?'. Vậy là em lại bắt đầu lại từ đầu ”, nam sinh chia sẻ với Infonet.

Nam sinh dành 3 năm liên tiếp theo đuổi ước mơ còn dang dở của anh trai. (Ảnh: Infonet)

Đổi hướng theo con đường mới, đạt hơn 28 điểm vẫn trượt NV1

Sau 3 năm miệt mài theo đuổi Học viện Biên Phòng mà không đỗ, năm thứ 4 Nguyễn Linh quyết định đổi hướng sang ngành học khác. Cậu bạn đăng ký NV1 ở chuyên ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội. Bên cạnh đó, nam sinh cũng đăng ký thêm 2 nguyện vọng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Hải Phòng.

Năm 2022, Nguyễn Linh đạt số điểm khá cao với môn Văn đạt 8,25 điểm, môn Lịch Sử đạt 10 điểm và Địa 9,75. Tổng điểm xét tuyển và ưu tiên nam sinh đạt 28,25 điểm. Mặc dù đây là số điểm khá cao nhưng Linh vẫn không thể đỗ NV1, thậm chí ngay cả NV2 cậu bạn cũng trượt.

Phổ điểm khối C của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. (Ảnh: Vietnamnet)

Dù đạt điểm số rất cao nhưng Nguyễn Linh vẫn trượt đại học vì không đủ điều kiện các tiêu chi phụ. Có chuyên ngành cậu bạn chỉ thiếu 0,25 điểm để lại nhiều tiếc nuối. Để nâng điểm số của mình từ 6 điểm lên 9 điểm là một sự nỗ lực không hề nhỏ của nam sinh. Đã có thời điểm Linh chán nản, mệt mỏi đến mức suy sụp, kiệt sức. Sau nhiều năm không đỗ đại học em cũng bị nhiều người bàn ra tán vào càng khiến tâm trạng thêm áp lực.


“Ba năm đầu, em thi Học viện Biên phòng với số điểm lần lượt là 20; 27,75; 27,75 khối C00. Em nhớ rõ từng bước đi của mình, để nâng mức điểm từ 6 lên 9 điểm/môn không phải dễ dàng. Em đã nỗ lực hết sức, cố gắng hết mình trong nhiều năm qua, nhưng vẫn không đỗ vì không đạt tiêu chí phụ.


Đã có lúc em chán nản, mệt mỏi, em từng bị suy sụp tới mức kiệt sức. Hàng xóm bàn tán, bạn bè dè bỉu, nhưng bố mẹ luôn là người bảo vệ, bênh vực và động viên em cố gắng. Sự ủng hộ và động viên của bố mẹ chính là động lực giúp em cố gắng trong suốt nhiều năm qua” , Nguyễn Linh chia sẻ với Lao động.

Các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. (Ảnh minh họa: Người lao động)

Cậu bạn cũng chia sẻ bí quyết để thay đổi điểm số đó là sự kiên trì, biết cách tận dụng thời gian và rèn luyện khả năng tập trung cao độ. Linh thường ghi những ý khó nhớ ra quyển vở riêng, cứ 1 tuần lại đọc lại 2 lần. Bên cạnh đó, theo cậu bạn cần giữ sức khỏe tốt, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Chỉ có như vậy tinh thần mới đủ tỉnh táo để ghi nhớ kiến thức.

Sau thời gian dài 4 năm thi đại học, nam sinh quyết định dừng chân tại Đại học Hải Phòng. Mặc dù đó không phải NV1 mà cậu ưu tiên nhưng đó lại là niềm an ủi cho cậu bạn sau nhiều năm miệt mài đèn sách.


"May thay, số điểm em đạt được đủ đỗ vào Trường Đại học Hải Phòng. Em xem đây là một niềm an ủi sau nhiều năm miệt mài đèn sách. Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng học tập tại ngôi trường em đỗ đạt, sau đó kinh doanh thêm để phụ giúp gia đình để bố mẹ bớt lo lắng" - Nguyễn Linh chia sẻ với Lao động.

Để chắc suất vào đại học dù điểm cao thí sinh cũng nên đặt nhiều nguyện vọng từ cao xuống thấp. (Ảnh minh họa: Người lao động)

Nguyễn Chí Hưng - nam sinh đã đăng ký 122 nguyện vọng đại học. (Ảnh: Dân Việt)

Sau hành trình 4 năm miệt mài ôn thi Đại học điều khiến nam sinh cảm thấy hài lòng nhất là được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cậu bạn cũng mong muốn Bộ GD-ĐT có sự điều chỉnh về điểm ưu tiên để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh, tránh trường hợp thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt như mình.


Nam sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt đại học

Cũng đạt điểm số rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT giống Nguyễn Linh nhưng Nguyễn Phùng Hưng (Thạch Thất, Hà Nội) cũng không thể chạm tay vào cánh cổng đại học. Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017, nam sinh đạt 9,4 điểm Toán; 9,75 điểm Hóa học và 10 điểm sinh học. Tổng điểm của cậu bạn đạt 29,15 (được làm tròn thành 29,25 điểm).

Cậu bạn đăng ký các nguyện vọng theo thứ thứ lần lượt là: Học viện Quân y (hệ quân sự), ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, Học viện Quân y (hệ dân sự). Nhưng sau khi thi xong vì nhận thấy điểm của mình tương đối tốt nên nam sinh đã quyết định chuyển nguyện vọng ĐH Y Hà Nội lên đầu. Tuy nhiên, dù đủ điểm chuẩn đỗ vào trường nhưng Hưng lại trượt ở tiêu chí phụ xét tuyển.

Nam sinh đạt 29,25 điểm vẫn trượt đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Cắt từ clip VTC14)

Nhà trường yêu cầu tổng điểm 3 môn trước khi làm tròn phải đạt từ 29,2 trở lên. Vậy là chỉ vì thiếu 0,05 điểm, cậu bạn đã trượt đại học. Câu chuyện của nam sinh này cũng từng gây tranh cãi suốt một thời gian dài vì điểm cộng ưu tiên khu vực. Có những thí sinh điểm thấp hơn nam sinh tới 3 điểm nhưng lại đỗ vì được cộng tới 3 điểm ưu tiên. Đáng chú ý đây cũng là năm thứ 2 cậu bạn trượt NV1 mà mình yêu thích.


Bạn nghĩ sao về hành trình thi đại học của các nam sinh này? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!

Với số điểm từ 27 điểm trở lên nhiều thí sinh tự tin mình có thể đỗ các trường đại học top đầu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thí sinh đạt điểm cao, đồng thời mỗi trường đại học lại có các tiêu chí xét tuyển riêng. Chính vì thế thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt các nguyện vọng xét tuyển. Bên cạnh đó một số thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học vì quá chủ quan chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng. Các bạn cũng nên để dự phòng một số nguyện vọng thấp hơn nếu không muốn trượt đại học.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook