Nam sinh trường Ams có điểm thi SAT thuộc top 1% thế giới, IELTS 8.0: Từng đi học thêm về lập trình từ năm lớp 7!
Học chuyên Lý và mới chỉ lớp 11 nhưng Nguyễn Ngô Anh Tuấn vừa có kết quả thi SAT đạt 1.540 điểm. Không những thế, IELTS của Anh Tuấn cũng rất "khủng" với điểm số 8.0.
Mới đây, Nguyễn Ngô Anh Tuấn (học lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã nhận được kết quả kỳ thi SAT với số điểm 1.540. Với thành tích này, cậu bạn đã lọt vào top 1% thí sinh có số điểm cao nhất thế giới.
Cho những ai chưa biết, SAT là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ. Nhiều người đánh giá SAT là kỳ thi “khó nhằn”, có khả năng phân loại cao, phạm vi câu hỏi trải dài từ văn học, xã hội học cho tới các môn Khoa học Tự nhiên. Nó thường gây khó khăn cho cả học sinh bản địa lẫn du học sinh quốc tế. Vậy nên, thành tích mà Tuấn đạt được khiến nhiều người không khỏi tán dương.
Đỗ vào 3 trường chuyên "đình đám" bậc nhất Hà Nội, nhưng chọn học Ams chỉ vì... gần nhà
Từ những năm cấp 2, Anh Tuấn đã nung nấu dự định đi du học. Để hiện thực hóa ước mơ, nam sinh đã chăm chỉ học tập và nỗ lực không ngừng. Đến năm lớp 9, Anh Tuấn thậm chí còn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Quận và cấp Thành phố môn Vật lý.
Không lâu sau đó, Anh Tuấn lập cú "hat-trick" khi đỗ liên tiếp vào 3 trường chuyên "đình đám" bậc nhất Hà Nội là: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; THPT chuyên ĐH Sư Phạm và THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Sau tất cả, Tuấn quyết định chọn học chuyên Lý tại chuyên Hà Nội - Amsterdam vì một trong những lý do là... gần nhà.
Ngay sau khi thi đỗ vào Amsterdam, Tuấn đã xây dựng cho mình một lộ trình học tập vững chắc để hiện thực hóa ước mơ du học Mỹ. Song, để có thể giành lợi thế cạnh tranh học bổng vào các trường Đại học Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải sở hữu điểm số IELTS và SAT thật ấn tượng.
"Mình đã từng dự thi IELTS từ năm lớp 8 và đạt 6.5. Tuy nhiên, mức điểm này cần phải được cải thiện nếu muốn du học Mỹ. Ngoài ra, mình quyết định luyện thi IELTS trước khi học SAT. Lý do là bởi đầu vào của một số lớp ôn thi SAT yêu cầu điểm reading
IELTS tối thiểu 7.5",
Kể từ khi đặt ra mục tiêu, Tuấn đã tăng tốc, tập trung thời gian để học tiếng Anh, đặc biệt là quyết tâm cải thiện hạn chế của mình ở phần nói và viết.
"Phần Reading
có vẻ khá 'dễ thở' đối với mình. Song, phần Speaking
lại gây không ít trở ngại. Bởi lẽ, mình là một người hướng nội, nên thường khá ngại ngùng khi giao tiếp, đặc biệt là với người lạ. Thế nên, trước khi thi IELTS khoảng hơn 1 tháng, mình có học tăng cường thêm mỗi tuần 1 buổi 1:1 riêng kỹ năng Speaking
Ngoài ra, Tuấn còn rất chăm chỉ làm đề và thường xuyên lên YouTube nghe các video tiếng Anh theo chủ đề như: vũ trụ, các phát kiến khoa học... để tối ưu hóa các kỹ năng của mình. Cuối cùng, Tuấn đã được được số điểm vô cùng ấn tượng là 8.0 IELTS.
Muốn đạt điểm SAT cao phải có chiến thuật thật tốt
Chinh phục được mục tiêu đầu tiên xong, Tuấn không để cho mình thời gian nghỉ ngơi mà lập tức "tăng tốc" vào việc ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ SAT. Theo Tuấn, điều quan trọng nhất để đạt điểm SAT cao là phải có chiến thuật luyện thi, trong đó việc kiểm soát tốt thời gian là yếu tố rất cần thiết.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu điểm SAT bản thân mong muốn, Tuấn cũng đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và "cày" qua vô số đề thi thử. Nhờ đó, cậu bạn đã đạt được số điểm SAT 1.540 (thuộc top 1% thí sinh có số điểm cao nhất thế giới). Dưới đây là những bí quyết mà cậu bạn đã đúc rút được trong quá trình học tập và ôn luyện SAT:
- Phần đọc : Đây là phần khiến Tuấn cảm thấy khó khăn nhất. Bởi lẽ, thí sinh phải trả lời 52 câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến các đoạn đọc ngắn hoặc các đoạn đọc dài trong vọn vẹn 65 phút. Những câu hỏi kiểm tra khả năng đọc hiểu, hoàn thành câu, đọc mức độ câu và đọc độ dài đoạn văn.
Chiến thuật làm bài : Những bài đọc trong đề thi thường xoay quanh 3 chủ đề văn hoc, lịch sử/xã hội học và khoa học. Tuấn thường chọn làm bài đọc về chủ đề khoa học đầu tiên bởi theo cậu bạn, bài đọc về chủ đề này có thể dễ tiếp cận hơn so với chủ đề về lịch sử/xã hội học.
Hơn nữa, vì thời gian phần reading (đọc) khá ngắn nên chúng ta không thể có thời gian để hiểu hết từng câu, từng chữ trong đề được. Do đó, mọi người có thể sử dụng phương pháp Scanning (đọc quét) và Skimming (đọc lướt) để nắm được ý chính của đoạn văn. Sau đó đọc kỹ câu hỏi để khoanh vùng thông tin trong văn bản rồi lúc đó mới đọc kỹ lại để chọn đáp án.
Đặc biệt, điều kiện tiên quyết để có thể làm tốt phần này là phải học từ vựng thật tốt. Mọi người chỉ cần lấy từ vựng từ trong chính bài đọc ở các bộ đề thi thử SAT. Nếu học quá lan man, không đúng trọng tâm sẽ phí thời gian và công sức.
- Phần viết : Đề thi sẽ bao gồm 44 câu trắc nghiệm và thời gian hoàn thành là 35 phút. Các câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra ngữ pháp, cách sử dụng và lựa chọn từ thông qua việc cải thiện câu, đoạn văn và xác định lỗi câu.
Chiến thuật làm bài: Vì phần này liên quan rất nhiều đến ngữ pháp, nên mọi người sẽ phải nắm thật chắc những kiến thức về ngữ pháp bên cạnh từ vựng. Ngoài ra, phải biết phương pháp làm bài cho từng dạng bài cụ thể và luyện tập thật nhiều. "Trăm hay không bằng tay quen", khi đã nắm chắc được cách làm, mọi người có thể đưa ra được đáp án nhanh và chính xác nhất.
Một lưu ý nữa mà Tuấn muốn chia sẻ cho mọi người là phải nắm được các mẹo, biết được những "bẫy" có khả năng xuất hiện trong đề thi để không bị mất điểm oan.
- Phần toán : Bao gồm phần 55 phút và phần 25 phút tổng cộng 80 phút. Các câu hỏi kiểm tra trong phần này là câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận. Các dạng bài bao gồm: số lượng và thao tác, đại số và hàm, hình học, thống kê, xác suất và phân tích dữ liệu.
Chiến thuật làm bài: Theo Tuấn, đây là phần "dễ lấy điểm nhất" bởi nó chỉ chủ yếu các kiến thức toán học hồi cấp 2. Do đó, chiến thuật của Tuấn chỉ là làm thật cẩn thận để ăn trọn điểm ở phần này.
Từng đi học thêm về lập trình từ năm lớp 7
Trong tương lai, Tuấn mong muốn được đi du học ngành Công nghệ thông tin và chuyên sâu về mảng Trí tuệ nhân tạo. Chia sẻ về lý do chọn ngành học đó, Tuấn cho biết có 3 nguyên do chính:
Thứ nhất, cậu bạn từng theo học một vài khóa học về lập trình ngay từ lớp 7 và bản thân cảm thấy hứng thú với lĩnh vực này. Thứ hai, nam sinh có thiên hướng học tốt ở các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa... Đồng thời Tuấn cũng là người có tư duy logic nên cậu bạn quyết định theo học chuyên ngành này để phát huy thế mạnh của bản thân. Và cuối cùng, Tuấn tin rằng khi theo đuổi Trí tuệ nhân tạo, bản thân sẽ có cuộc sống ổn định trong tương lai.
Dẫu sở hữu cho mình hàng dài thành tích học tập đáng nể, nhưng Tuấn không bao giờ tự mãn mà ngủ quên chiến thắng. Bởi theo Tuấn, muốn giành được học bổng ở các trường Đại học Mỹ, thì bản thân phải nỗ lực hơn rất nhiều.
"Trong thời gian tới, mình sẽ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nữa để phát triển bản thân theo hướng toàn diện hơn, đặc biệt là các hoạt động từ thiện và bảo vệ môi trường”,