Nam sinh người Tày nhận học bổng 8 tỷ của Mỹ tiết lộ BÍ QUYẾT học tập cực hay: Học ít nhưng hiệu quả, chinh phục nhà trường bằng 1 câu nói

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 11:20:36

Vượt qua nhiều thí sinh sáng giá, Kiên Trung là học sinh dân tộc thiểu số duy nhất nhận được học bổng toàn phần trị giá 8 tỷ đồng tại một trường đại học danh giá ở Mỹ.

Hà Kiên Trung, 18 tuổi, quê tại tỉnh Tuyên Quang vừa nhận được gói học bổng toàn phần trị giá 350.000 USD (tương đương khoảng 8 tỷ đồng) tại trường Đại học Wesleyan. Chuyên ngành mà Kiên Trung lựa chọn là Computer Science (Khoa học máy tính). Hiện em đang là học sinh lớp chuyên Tin, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.

Vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc, Kiên Trung đã dành tấm vé lớn vào ngôi trường hiện đại, tân tiến bậc nhất nước Mỹ. Trường Đại học Wesleyan nằm trong top 17, có lợi thế đào tạo chuyên ngành Kinh tế, Tâm lý xã hội. Để đạt được suất học bổng có giá trị lớn là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của nam sinh.

Chân dung nam sinh Hà Kiên Trung.

Thành tích học tập nổi bật của nam sinh Hà Kiên Trung:

IELTS 7.5, SAT 1510/1600

Giải Ba kỳ thi HSG cấp tỉnh môn Toán năm 2019

Giải Ba kỳ thi Giải Toán bằng máy tính cầm tay casio cấp tỉnh năm 2019.

HỌC HẾT SỨC, CHƠI HẾT MÌNH, CÒN LÀ CHỦ TỊCH MỘT CÂU LẠC BỘ LỚN

Kiên Trung là người dân tộc Tày, gia đình em vẫn sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang. Khi lên lớp 10, em thi đỗ vào vào một trường chuyên và quyết định xuống Hà Nội học tập. Hồi nhỏ, nam sinh chưa bao giờ có suy nghĩ rằng sẽ đi du học. Nơi em sinh sống là một vùng quê nghèo, ước mơ đó là quá xa vời. Đến khi xuống Hà Nội, Kiên Trung mới bắt đầu tìm hiểu về các gói học bổng và lên kế hoạch rõ hơn cho tương lai.

"Ngay khi nhen nhóm giấc mơ đi du học, em đã nghĩ đến Mỹ. Từ nhỏ, em đã thích xứ sở cờ hoa. Em thích nghe nhạc Mỹ, xem phim Mỹ, phong cách Mỹ. Hơn nữa, Mỹ là đất nước có nền kinh tế và nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới. Vì thế, em chọn đất nước này với mong muốn có nhiều cơ hội học tập và phát triển công việc".

Ngoài giờ học, Kiên Trung dành nhiều thời gian tham gia hoạt động thiện nguyện.


Dù chương trình học cấp 3 khá "nặng" cùng với việc quyết tâm săn học bổng nhưng Kiên Trung vẫn dành thời gian cho đam mê bản thân và tham gia các hoạt động ngoại khoá. Cuối năm lớp 10, nam sinh thành lập Câu lạc bộ (CLB) Giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày với các hoạt động thường niên như: Trao tặng quần áo cho người nghèo, tổ chức hội Xuân, mở lớp dạy đàn Tính (loại nhạc cụ dân tộc của người Tày),…


"Em thấy cuộc sống của những người dân quê còn nhiều khó khăn, thiệt thòi nên mong muốn làm nhiều việc thiết thực để giúp đỡ họ", nam sinh Tuyên Quang cho biết.

Ngoài ra, Kiên Trung cũng nhận thấy bản sắc văn hoá dân tộc quê hương mình có nhiều nét đặc sắc, cần được gìn giữ và phát triển. Em mong muốn mọi người sẽ biết về nhiều điều thú vị của người Tày như: Tục ở nhà sàn, phong tục cưới hỏi, những món ăn vùng miền độc đáo,... Hiện CLB được nhiều người biết đến, có sức ảnh hưởng nhất định và nhận được sự ủng hộ từ các thầy cô giáo trong trường.

Từ khi học lớp 10, nam sinh đã thành lập CLB Giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày với nhiều hoạt động thiết thực.

Nam sinh đang dạy đàn Tính cho các bạn nhỏ trong CLB.


Hiện CLB Giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày có hơn 20 thành viên, chủ yếu là các bạn trẻ. Buổi sáng Trung Kiên đi học, buổi chiều em dành thời gian tự học ở nhà và làm những điều bản thân yêu thích. Do sắp xếp thời gian khoa học nên nam sinh làm được nhiều việc mà bản thân không bị rơi vào áp lực. Nam sinh người Tày chia sẻ 2 mẹo học tập đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả đến với các bạn học sinh.

Mẹo 1: Hiểu bản chất vấn đề, luôn tìm ra mọi ngóc ngách vấn đề, không được bỏ sót kiến thức. Cách đơn giản để thực hiện là tự đặt ra câu hỏi "Vì sao?" và nỗ lực đi tìm lời giải. Chỉ khi hiểu bản chất thì mới giúp nhớ lâu kiến thức và không mất nhiều thời gian xem lại bài vở.

Mẹo 2: Đây là mẹo học Tiếng Anh mà mọi người nên áp dụng, đó là để mình "đắm chìm" trong ngôn ngữ Anh. Kiên Trung không học máy móc, không học ngữ pháp trước mà để bản thân tiếp xúc nhiều với Tiếng Anh. Vào thời gian rảnh rỗi, nam sinh thường xem phim, nghe nhạc, đọc truyện bằng Tiếng Anh. Dần dần, những việc này vô tình hình thành thói quen học tập mà không cần phải gò ép bản thân.

BÍ QUYẾT CHINH PHỤC HỌC BỔNG, LỌT MẮT XANH HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG

Hà Kiên Trung đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh có dự định đi du học cần chuẩn bị hồ sơ từ sớm. Thông thường, hồ sơ sẽ bao gồm: Trình độ học vấn, các chứng chỉ liên quan, hoạt động ngoại khoá,... Quy trình săn học bổng gồm các bước: Vòng nộp hồ sơ, vòng phỏng vấn, ngoài ra một số trường còn tổ chức thêm vòng thi riêng để đánh giá mức độ phù hợp.


1. Vòng nộp hồ sơ

Kiên Trung chia sẻ, từ nhỏ em đã hứng thú với mọi thứ liên quan đến máy tính. Vào thời gian rảnh rỗi, em thường chơi game hoặc mày mò, tự tìm hiểu về máy tính. Vì vậy, nam sinh quyết định theo học ngành Khoa học máy tính để thoả niềm đam mê. Kiên Trung chuẩn bị hồ sơ du học từ kỳ 2 của lớp 10 bằng cách nỗ lực đạt điểm GPA cao và lấy chứng chỉ IELTS Tiếng Anh. Nam sinh cũng tham gia kỳ thi SAT và dành được số điểm 1510/1600 (lọt top 1% những người có điểm số cao nhất thế giới).

Ở vòng nộp hồ sơ, không chỉ cần chuẩn bị bảng thành tích học tập mà ứng viên còn phải có thành tựu tham gia các hoạt động ngoại khoá sôi nổi. Hầu hết các trường đại học bên Mỹ đều đánh giá cao và coi đây là phần bắt buộc. Thông qua hoạt động ngoại khoá, họ sẽ đánh giá được mức độ phù hợp của học sinh qua các kỹ năng như: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, xử lý tình huống,...

"Ở phần hoạt động ngoại khoá, em giới thiệu về CLB Giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày do em thành lập. Em khái quát các hoạt động và trình bày về ý nghĩa nhân văn mà CLB đem lại cho cộng đồng. Em nghĩ đây cũng là điều ghi ấn tượng lớn đối với nhà trường",

Mái tóc xù trở thành thương hiệu của Kiên Trung.


2. Vòng phỏng vấn

Thời gian nhà trường lọc hồ sơ là hơn 3 tháng, những học sinh đạt yêu cầu mới tiếp tục bước vào vòng phỏng vấn. Theo thông tin Kiên Trung tìm hiểu, chỉ có 8 học sinh Việt Nam được tham gia vòng loại này. Kiên Trung cũng vất vả trong quá trình săn học bổng, do chưa có kinh nghiệm nên em đã nhờ sự trợ giúp từ một trung tâm tư vấn du học có tiếng trong việc làm thủ tục.

Vòng thi phỏng vấn diễn ra khoảng 20 phút, có 2 giám khảo đều là người Việt Nam và là cựu sinh viên của Đại học Wesleyan đặt câu hỏi cho nam sinh. Họ hỏi Kiên Trung về những kỹ năng và định hướng tương lai như: Vì sao nam sinh chọn Đại học Wesleyan thay vì là một ngôi trường khác? Vì sao em quyết định đi du học và chọn ngành Khoa học máy tính? Lợi thế bản thân của em là gì?,...

"Giám khảo khá tâm lý, họ động viên để em bớt run, cố gắng hoàn thành tốt vòng phỏng vấn. Em nói nhiều về dự định bản thân và khao khát muốn thực hiện những hoạt động thiết thực dành cho quê hương Tuyên Quang. Ngoài ra, em cũng nói về "mái tóc thương hiệu của mình", em nghĩ đây là điểm cộng giúp em có được học bổng.

Khi còn nhỏ, em thường cắt tóc rất ngắn nên không phát hiện ra điều gì bất thường. Đến khi lên cấp 2, em để thay đổi kiểu tóc thì nhận ra tóc khi mọc dài sẽ xoăn lại. Thời gian đầu, em không tự tin bởi hay bị các bạn trêu chọc. Nhưng sau đó, em chấp nhận mái tóc mới của mình. Em nghĩ ai cũng có những điểm không hoàn hảo. Thay vì mặc cảm, chối bỏ nó, tại sao chúng ta không vui vẻ chấp nhận và coi đó là một dấu ấn cá nhân?".


Khoảng 3 tháng sau khi kết thúc vòng phỏng vấn, Kiên Trung mới nhận được kết quả báo trúng tuyển. Dù lúc đó đang là 2 giờ sáng nhưng nam sinh vẫn thông báo đến người thân và bạn bè để chia sẻ niềm vui lớn. Mẹ nam sinh là người hạnh phúc nhất vì trước đó một ngày là sinh nhật của mẹ. "Khi đó mẹ rất xúc động, mẹ nói rằng học bổng 100% là món quà sinh nhật ý nghĩa nhất mà mẹ nhận được trong cuộc đời", Kiên Trung vui vẻ cho biết.

Nam sinh người Tày đặc biệt tâm đắc với câu nói: "Where there's a will, there's a way" (Tạm dịch là: Ở đâu có ý chí, ở đó có cách giải quyết vấn đề). Mỗi khi gặp khó khăn, thách thức, Kiên Trung luôn nhớ đến câu nói và coi đó là nguồn động viên để vượt qua.


Ảnh: NVCC


Theo Ứng Hà Chi

PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

Chia sẻ Facebook