Nam sinh nghèo ở nhà đất, quyết học giỏi để là chỗ dựa cho mẹ
Cậu học trò nghèo dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng bước đi trên con đường tri thức. Em quyết tâm học thật giỏi để là chỗ dựa cho người mẹ bệnh tật của mình.
Báo Tuổi Trẻ viết, em Lê Ngọc Trí (18 tuổi, ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Từ khi còn trong bụng mẹ, Trí đã không có bố. Mẹ em là cô Lê Thị Trang (43 tuổi) làm nghề thợ may, có thêm sào ruộng để kiếm cơm ăn qua ngày. Căn nhà hai mẹ con ở cũng chỉ là nhà đất.
Những tưởng cuộc sống của 2 mẹ con sẽ êm đềm nhưng đến một ngày mẹ của Trí phát hiện bị bệnh vảy nến. Kể từ đó, đầu bà bị cạo trọc, tay chân mình mẩy nhiều dày đặc những vết thương, sẹo mới, sẹo cũ chồng chéo.
Chưa dừng lại ở đó, năm cô Trang 30 tuổi thì bị tai biến, cô quyệt nước mắt kể với báo Tuổi Trẻ: “Năm 30 tuổi, tôi bị tai biến, phải đi chữa trị ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mấy tháng mới hồi phục dần. Từ đó, đầu óc luôn như có búa bổ, đau triền miên. Tôi làm thợ may không được nữa, vì mình muốn cắt vải mà đường kéo đi không trúng”.
Mẹ không còn sức lao động, Trí biết hoàn cảnh nhà mình khó khăn nên luôn cố gắng đỡ đần mẹ, cáng đáng tất cả mọi việc nặng nhẹ trong nhà. Em cũng quyết tâm học thật giỏi để sau này là chỗ dựa cho mẹ.
Nói về con đường học hành, Trí được tiếp tục đi học là nhờ vào tình yêu thương, sự giúp đỡ của rất nhiều người: "Những khi hai mẹ con thiếu thốn, ông bà ngoại và cậu, dì luôn giúp đỡ. Nhà hộ nghèo nên em được miễn học phí. Đi học thêm thì thầy cô đều miễn phí. Sách học toàn là sách mượn, còn vở thì là phần thưởng học sinh giỏi của học kỳ trước lấy học kỳ sau… Không có tình thương yêu ấy của mọi người thì không chắc em được học đến bây giờ” , báo Tuổi Trẻ dẫn lời chàng nam sinh nghèo.
Năm Trí học lớp 7, cậu của em có được học bổng là một chiếc máy tính xách tay. Cậu thương cháu nghèo nên đã nhường phần quà này cho Trí. Kể từ ấy, em tập làm quen với công nghệ thông tin. Cũng nhờ chiếc máy tính ấy, cậu học trò ở một xã thuần nông đã đạt những thành tích đáng nể: Năm lớp 10 tham gia hội thi khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên với đề tài "Điều khiển hệ thống điện qua Internet" , rồi năm lớp 11 thì làm "Hệ thống SCADA giám sát lũ" và đoạt giải ba trong kỳ thi này.
Cô Kiều Thị Kim Phượng, giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân, chủ nhiệm lớp 12 của Trí nhận xét em là một học sinh có hoàn cảnh quá đặc biệt, nhưng lại ham học, học rất giỏi. Khó khăn là thế, Trí vẫn luôn là học sinh thuộc top đầu về học lực, có đạo đức rất tốt.
Luôn phấn đấu và nỗ lực trong học tập đã giúp Trí đạt 28,68 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm vừa qua và trở thành tân sinh viên của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Niềm vui chưa qua thì nỗi buồn lại tới khi học phí đi học thực sự nằm ngoài khả năng của 2 mẹ con nghèo, chưa kể mẹ đau ốm vậy ở nhà một mình ra sao, những khi mưa lớn, lụt bão sẽ thế nào.
Dù đau đáu những nỗi niềm như vậy nhưng em vẫn quyết tâm phải học để có một tương lai tươi sáng hơn, lo được cho mẹ. May mắn khi một mạnh thường biết được hoàn cảnh của em đã hỗ trợ Trí học phí năm đầu đại học để em được tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình.
Cũng vắng bóng bố từ khi còn nhỏ, mẹ lại mất sức lao động nên chàng trai Võ Trọng Nghĩa (18 tuổi ngụ tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên) quyết tâm học thật giỏi để sau này có kiến thức, kiếm tấm bằng đại học, gánh vác kinh tế. Báo Dân Trí viết, chàng trai này mới 15 tuổi đã chạy khắp làng, khắp chợ nhờ giúp đỡ để mẹ có tiền chữa bệnh.
Em thương mẹ vô cùng nên từ một học sinh khá những năm cấp 2, Nghĩa vươn lên hàng "top" ở trường với thành tích 3 năm học sinh giỏi rồi trở thành tân sinh viên của Đại học Bách Khoa (TP Đà Nẵng). Thế nhưng khoản học phí 14 triệu đồng như “ngáng” con đường đến giảng đường của em.
Thực sự may mắn làm sao khi một mạnh thường quân đã biết về hoàn cảnh của em nên đứng ra quyên góp số tiền đủ cho Nghĩa nhập học trong kỳ đầu tiên.
Có thể thấy, những tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi để thay đổi cuộc đời như Ngọc Trí hay Trọng Nghĩa thực sự vô cùng đáng khâm phục.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng được sống trong một gia đình có đầy đủ, không phải lo chạy ăn từng bữa hay vướng bận kinh tế gia đình. Thế nhưng, vượt lên trên số phận, những mảnh đời không may mắn đó vẫn tiếp tục sống và ước mơ về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn ở phía trước. Càng đáng trân trọng hơn khi các em cũng nhận ra chỉ có con đường học tập mới giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, không phải sống trong hoàn cảnh đói khổ như vậy nữa.
Cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị khác TẠI ĐÂY !