Nam Phi phát hiện dòng phụ Omicron mới, WHO nhấn mạnh vai trò của vaccine trong giai đoạn "nước rút" chống dịch
Đến sáng 19/9 , thế giới có trên 617,13 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,53 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,49 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,078 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Hơn 14,6 triệu trẻ em Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Con số này được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi. Theo báo cáo, hơn 340.000 ca trong số này mắc mới COVID-19 trong 4 tuần qua và khoảng 6,7 triệu ca được ghi nhận trong năm 2022. Trong tuần kết thúc ngày 8/9, khoảng 83.000 trẻ em tại Mỹ được ghi nhận mắc mới COVID-19, tuy nhiên số ca được báo cáo có thể thấp hơn đáng kể so với con số thực tế.
Báo cáo cho rằng cần khẩn cấp thu thập thêm dữ liệu theo độ tuổi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của COVID-19 liên quan những biến thể mới của virus gây bệnh cũng như các tác động dài hạn có thể có. Báo cáo nhấn mạnh cần thừa nhận tác động tức thời của đại dịch đối với sức khỏe trẻ em, tuy nhiên điều quan trọng là cần xác định và giải quyết tác động lâu dài đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và xã hội của thế hệ trẻ em và thanh niên hiện nay.
Các chuyên gia Mỹ tin tưởng, lần gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng vì dịch COVID-19 dự kiến vào giữa tháng 10 tới có thể sẽ là lần cuối Washington phải áp dụng biện pháp này. Các quan chức Mỹ nhận định, dù đại dịch COVID-19 chưa qua đi những những thế hệ vaccine mới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Việc tiêm nhắc lại vaccine hàng năm sẽ tăng khả năng miễn dịch đủ để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 18/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,53 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 528.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,91 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới sau với trên 34,62 triệu trường hợp, trong đó có hơn 33,7 triệu ca đã bình phục. Tuy nhiên, số người thiệt mạng vì đại dịch này cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với hơn 685.400 bệnh nhân.
Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi. Động thái trên sẽ giúp mở rộng phạm vi cung cấp vaccine mang tên Comirnaty của hãng Pfizer. Vaccine này có sẵn ở Brazil và đang được sử dụng để tiêm phòng cho người lớn. Tỷ lệ tiêm chủng của Brazil thuộc hàng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi.
Trong khi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng ngày kết thúc đại dịch COVID-19 đang đến gần, một số chuyên gia Canada cảnh báo, còn quá sớm để tuyên bố cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu kết thúc.
Các bình luận trên được đưa ra sau khi WHO cho biết, số ca tử vong trên toàn thế giới do COVID-19 trong tuần trước ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đồng thời kêu gọi các chính phủ cảnh giác để ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng trở lại ở thời điểm then chốt này.
Tiến sĩ Fahad Razak, người từng đứng đầu nhóm cố vấn khoa học cho chính quyền tỉnh Ontario về dịch COVID-19, cho biết, các biến thể của virus SARS-CoV-2 thường xuất hiện trong suốt mùa thu và mùa đông, dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong. Và xu hướng này có thể xảy ra một lần nữa trong năm nay. Tiến sĩ Fahad Razak nhấn mạnh, nếu chúng ta không thấy một làn sóng lây nhiễm mới trong mùa COVID-19 cao điểm, các chuyên gia có thể tuyên bố kết thúc đại dịch vào mùa xuân.
Phần lớn người dân Canada đã nhiễm COVID-19 kể từ khi biến thể Omicron và các biến thể phụ gây ra những làn sóng lây nhiễm khổng lồ trong năm nay với ước tính mới nhất cho thấy, gần 2/3 dân số của "xứ sở lá phong" đã mắc COVID-19.
Tiến sĩ Danuta Skowronski, Trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của tỉnh British Columbia, cho biết trẻ em hiện là đối tượng bị nhiễm bệnh nhiều nhất và ít tiêm chủng nhất, trong khi người cao tuổi vẫn là đối tượng được tiêm chủng nhiều nhất và ít bị nhiễm bệnh nhất.
Viện Y tế quốc gia Nam Phi xác nhận phát hiện dòng phụ mới BA.2.75 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Người phát ngôn viện trên, Foster Mohale, cho biết, dòng phụ mới được phát hiện lần đầu hồi tháng 7 trong một mẫu bệnh phẩm thu thập tại Gauteng và từ đó chưa được phát hiện thêm ở những vùng khác. Người phát ngôn này cho biết, dòng phụ mới phát hiện được xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm, chưa đến mức đáng lo ngại.
Dòng phụ này cũng chưa cho thấy có bất kỳ tác động hay nghiêm trọng như các dòng phụ BA.4 và BA.5 đang phổ biến hiện nay. Người phát ngôn Mohale cho biết, các dòng phụ BA.4 và BA.5 tiếp tục là những dòng phụ gây bệnh phổ biến nhất tại Nam Phi nhưng ít nguy hiểm hơn do mức độ miễn dịch trong toàn dân đã cao hơn. Viện trên kêu gọi cộng đồng không lo lắng quá.
Nam Phi đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì COVID-19 trong bối cảnh các ca mắc mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt, giới chức y tế kêu gọi người dân đi tiêm phòng các mũi cơ bản (với người chưa tiêm) và mũi tăng cường để bảo vệ bản thân. Hơn 50% dân số Nam Phi đã được tiêm phòng COVID-19.
Singapore đã chi tổng cộng 72,3 tỷ SGD (tương đương 51,3 tỷ USD) trong 2 tài khóa vừa qua để đối phó với đại dịch COVID-19. Thông tin trên do Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính Singapore, bà Indranee Rajah công bố trong một cuộc họp mới đây tại Quốc hội. Trong số này, 13,4 tỷ SGD (9,5 tỷ USD) được chi cho các biện pháp y tế công, 50,6 tỷ SGD (35,9 tỷ USD) được sử dụng để bảo vệ việc làm cho người lao động và doanh nghiệp và 8,3 tỷ SGD (6 tỷ USD) dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình.
Mức chi chống dịch COVID-19 trong 2 năm qua của Singapore chưa hết số tiền mà nước này đã cam kết và chuẩn bị là 100 tỷ SGD (71 tỷ USD). Theo bà Indranee Rajah, nguyên nhân là vì không phải dùng đến khoản tiền dự kiến cho các doanh nghiệp vay do lo ngại tín dụng bị thắt chặt và chi tiêu cho lĩnh vực y tế cũng không hết dự toán ban đầu.
Bà Indranee cho biết, Bộ Tài chính Singapore (MOF) đã rà soát các biện pháp kiểm soát và kiểm tra đối với việc mua sắm và chi tiêu liên quan đến đại dịch COVID-19 từ đầu năm nay theo kế hoạch kiểm toán chuyên đề của Văn phòng Tổng kiểm toán (AGO). Dựa trên những bài học xử lý đại dịch COVID-19 và báo cáo của AGO, MOF đang xem xét lại các hướng dẫn về mua sắm, kiểm soát hợp đồng cũng như thanh toán để bảo đảm những biện pháp kiểm soát phù hợp với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.
Trong bản báo cáo COVID-19 hàng tuần mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong tuần gần nhất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi tổ chức này tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dù cho rằng đây là đánh giá tích cực nhất về tình hình dịch bệnh sau hơn 2 năm bùng phát nhưng WHO một lần nữa kêu gọi các nước duy trì cảnh giác, nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng bệnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay giống như cuộc chạy marathon và đây là giai đoạn nước rút, là lúc thế giới phải chạy nhanh hơn để đảm bảo có thể cán đích và đạt thành quả sau thời gian dài nỗ lực. Theo ông, các quốc gia cần cẩn trọng xem xét và củng cố các chính sách phòng COVID-19 cũng như những dịch bệnh vì virus khác gây ra trong tương lai. Ông Tedros kêu gọi các nước tiêm phòng 100% cho những nhóm nguy cơ cao và duy trì xét nghiệm phát hiện ca bệnh. Các quốc gia cũng cần duy trì nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp.
Trong khi đó, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết, thế giới sẽ còn trải qua các làn sóng lây nhiễm khác tại những thời điểm khác nhau, do những biến thể hoặc dòng phụ của biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Làn sóng COVID-19 mùa hè vừa qua do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus vẫn đang lây lan ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đồng thời, bà nhấn mạnh, thế giới đã có công cụ phòng chống dịch quan trọng là vaccine và các phương thức điều trị bệnh.